Thế giới giao thông

Bê bối lừa dối túi khí Takata lan rộng

06/03/2017, 10:05

Tập đoàn sản xuất túi khí Takata vừa nhận tội gian lận và đồng ý bồi thường 1 tỉ USD vì lỗi túi khí.

12

Hãng sản xuất túi khí Takata nhận tội lừa dối lỗi túi khí gây nguy hiểm cho hành khách

Tập đoàn sản xuất túi khí Takata (Nhật Bản) vừa nhận tội gian lận và đồng ý bồi thường 1 tỉ USD vì lỗi túi khí. Tuy nhiên, bê bối này dường như không khép lại mà tiếp tục lan rộng ra 5 nhà sản xuất ô tô lớn vì cáo buộc đã biết lỗi túi khí gây nguy hiểm tới tính mạng hành khách nhưng vẫn sử dụng để tiết kiệm tiền.

Takata thừa nhận lừa dối

Takata thừa nhận đã che đậy bằng chứng cho thấy hàng triệu hệ thống bơm phồng túi khí có thể bị nổ với lực mạnh, bắn các mảnh vỡ gây sát thương vào người điều khiển phương tiện và hành khách. Ngoài ra, 3 cựu giám đốc điều hành của Takata bị cáo buộc giả mạo báo cáo kiểm tra.

Thay mặt công ty, Giám đốc Tài chính Yoichiro Nomura phát biểu, hành vi của tập đoàn là “không thể chấp nhận” và khẳng định Takata “cam kết sẽ không bao giờ tiếp diễn hành động tương tự”. Lỗi túi khí Takata được cho là nguyên nhân gây ra 11 cái chết riêng tại Mỹ và hơn 180 trường hợp thương vong trên thế giới. Vụ việc này dẫn đến cuộc triệu hồi túi khí lớn nhất trong ngành ô tô Mỹ, liên quan tới 42 triệu phương tiện và lên tới 69 triệu thiết bị bơm túi khí.

Thừa nhận cáo buộc, Takata đối mặt với các khoản bồi thường: 850 triệu USD cho các nhà sản xuất ô tô; 125 triệu USD cho các nạn nhân; 25 triệu USD cho Chính phủ Mỹ. Các khoản bồi thường này nằm trong thỏa thuận đã được thông qua giữa Takata và Bộ Tư pháp Mỹ.

Đáng lẽ, khoản tiền Takata phải bồi thường lên tới 1,5 tỉ USD nhưng Thẩm phán George Caram Steeh cho rằng, nếu ép Takata trả khoản bồi thường đó, công ty này sẽ phá sản.

Chi phí triệu hồi ô tô khiến công ty Nhật Bản đã lao đao vì 2 năm liên tiếp thua lỗ càng thêm khó khăn. Các luật sư đại diện Takata cho biết, hãng này sẽ phải bán công ty để bồi thường. Việc Tòa án thông qua thỏa thuận nhận tội là điều kiện quan trọng để Takata kêu gọi đầu tư hoặc bán công ty, để quay vòng vốn, trả chi phí bồi thường và chi phí triệu hồi trị giá hàng tỉ USD.

Biết lỗi nhưng vẫn dùng

Nhưng bê bối không khép lại ở đây, cùng ngày 28/2, luật sư của các nạn nhân liên quan tới bê bối túi khí Takata phản đối thỏa thuận nhận tội giữa Takata và Bộ Tư pháp. Họ cho rằng, với thỏa thuận đó, các hãng ô tô liên quan (Honda, Toyota, Nissan, Ford và BMW) có thể né tránh trách nhiệm.

Trong thỏa thuận nhận tội của Takata, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Takata đã lừa các công ty ô tô để họ tiếp tục mua túi khí bị lỗi qua việc cung cấp cho các công ty này những báo cáo sai trái, lừa đảo, che giấu sự thật và kết quả thử nghiệm chính xác”.

Nhưng bên nguyên cáo buộc các tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu như: Honda, Toyota, Nissan, Ford và BMW đều đã biết túi khí Takata thiếu an toàn nhưng vẫn sử dụng cho hàng triệu ô tô, gây nguy hiểm cho khách hàng. Họ nói: “5 tập đoàn ô tô đã biết tất cả các lỗi túi khí kể cả trong quá trình thử nghiệm hay trên hiện trường và từng khẳng định, túi khí của Takata nguy hiểm”. Hồ sơ pháp lý nêu bằng chứng: Trong một vụ nổ túi khí năm 2009, chính 1 trong 5 tập đoàn sản xuất ô tô trên (không nêu rõ tên công ty) chỉ trích “túi khí Takata đáng lẽ là thiết bị bảo vệ hành khách thì lại biến thành vũ khí sát thương”. Bên nguyên cáo buộc hãng sản xuất ô tô Honda, khách hàng lớn nhất của Takata, có liên quan tới việc thiết kế túi khí và 2 trong số các vụ nổ, văng mảnh vỡ túi khí xảy ra tại chính các cơ sở của Honda vào năm 1999 và 2000.

Luật sư của các nạn nhân liên quan tới bê bối túi khí Takata cũng cho biết, Toyota có lần lo ngại về chất lượng túi khí Takata vào năm 2003; hãng Ford phớt lờ sự phản đối của chính các chuyên gia về túi khí của hãng. Bên nguyên còn cáo buộc hãng Nissan đổi từ túi khí khác sang dùng túi khí Takata để tiết kiệm khoảng 4 USD/túi khí và BMW cũng như vậy.

4 tập đoàn BMW, Nissan, Ford và Toyota từ chối bình luận. Honda cho rằng, các cáo buộc đó là không chính xác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.