Quản lý

Be, Grab phải đóng bảo hiểm cho lái xe

17/06/2020, 06:17

Lái xe sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe theo đúng Luật lao động.

img
Theo quy định mới, lái xe công nghệ sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: NNVN

Bộ GTVT vừa ký ban hành Thông tư 12 hướng dẫn, làm rõ hơn những quy định về kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ theo Nghị định 10. Theo đó, các đơn vị cung cấp phần mềm phải chấp hành các điều kiện về kinh doanh vận tải. Trong mối quan hệ với tài xế, đơn vị cung cấp phần mềm sẽ là người sử dụng lao động, lái xe sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội.

Lái xe là người lao động của doanh nghiệp

Nghị định 10 và Thông tư 12/2020 đã điều chỉnh điều kiện kinh doanh vận tải, các điều kiện đảm bảo ATGT của doanh nghiệp, quy định về nhận diện và niên hạn phương tiện; phân định rõ từng loại hình thông qua khái niệm về kinh doanh vận tải để quản lý đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cơ hội kinh doanh giữa các hãng xe công nghệ và taxi truyền thống.

Nghị định 10 phân định rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Chiếu theo quy định mới, các hãng xe công nghệ sẽ phải chọn một trong hai mô hình là chỉ đơn thuần trở thành đơn vị cung ứng phần mềm (không được điều hành tài xế, quyết định giá cước vận tải), hai là trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải (buộc tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải tại Việt Nam).

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, Thông tư đã quy định rõ khái niệm về kinh doanh vận tải, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm để tìm xe, giao nhiệm vụ cho lái xe, kết nối với hành khách, quyết định giá cước thì là đơn vị kinh doanh vận tải. “Khi đã là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp phần mềm phải chấp hành các điều kiện về kinh doanh vận tải như: Đăng ký, kê khai giá cước, xin giấy phép kinh doanh vận tải và kê khai đăng ký số lượng phương tiện, tổ chức đào tạo lái xe, dán phù hiệu, biển hiệu để nhận diện phương tiện. Trong mối quan hệ với tài xế, đơn vị cung cấp phần mềm sẽ là người sử dụng người lao động”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, hiện các đơn vị cung cấp ứng dụng đang quyết định giá cước và điều hành lái xe nên phải chấp hành theo quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12. Họ sẽ phải chuyển đổi thực hiện trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải. Đơn vị kinh doanh vận tải sẽ chịu trách nhiệm quản lý, điều hành phương tiện, duy trì điều kiện kinh doanh, lái xe thực hiện chế độ làm việc theo thời gian quy định, không phải làm ngày đêm như hiện nay và được khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, cũng phải chịu trách nhiệm quản lý điều kiện đảm bảo ATGT, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.

“Khi đó, mối quan hệ giữa lái xe và đơn vị cung cấp phần mềm là mối quan hệ hợp đồng lao động chứ không phải là đối tác như hiện nay. Lái xe sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe theo đúng Luật lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế trên tổng doanh thu vận tải, không phải theo tỷ lệ % họ được hưởng như hiện nay”, ông Quyền nói.

Hào hứng vì sẽ được hưởng phúc lợi

img
Khi đã là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp phần mềm phải chấp hành các điều kiện về kinh doanh vận tải như đăng ký, kê khai giá cước, đăng ký số lượng phương tiện, tổ chức đào tạo lái xe. Ảnh: Lâm Anh

Để tham gia môi trường mới này, các đơn vị cung cấp phần mềm sẽ phải có sự chuyển đổi thay đổi mô hình hoạt động. Thời điểm Thông tư 12 có hiệu lực không còn xa, nhưng theo tìm hiểu của Báo Giao thông, việc chuyển đổi của một ứng dụng gọi xe chiếm phần lớn thị phần là Grab dường như vẫn án binh bất động.

Anh Đặng Việt Phương, tài xế GrabPlus, điều khiển xe BKS 30G - 124.xx cho biết, tài xế công nghệ đang làm việc với điều kiện bất lợi, thời gian làm việc trung bình 10 - 12 tiếng/ngày nhưng không hưởng tiền làm thêm, nghỉ không lương, không được đảm bảo về bảo hiểm. “Hiện chúng tôi vẫn hoạt động bình thường theo hình thức là đối tác mà chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của hãng về cách thức hoạt động mới, ký hợp đồng lao động hay đóng bảo hiểm xã hội, hướng dẫn nào của hãng phải làm các thủ tục như xin cấp lại phù hiệu xe”, anh Phương nói.

Hào hứng trước viễn cảnh mình và các đồng nghiệp sẽ hưởng phúc lợi khi trở thành nhân viên thay vì đối tác của hãng gọi xe tuy nhiên, anh Phương cũng lo lắng nếu các hãng tốn thêm chi phí cho tài xế sẽ dẫn đến việc giá cước tăng và khách hàng sẽ cân nhắc lựa chọn xe công nghệ. Cuối cùng, thu nhập của tài xế có thể bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tài xế Đinh Văn Trường cho biết, tuy chưa có hướng dẫn của hãng nhưng đa số lái xe đã dán dòng chữ “Xe hợp đồng” trên kính trước và sau xe theo quy định mới. Theo anh Trường, từ khi dán phù hiệu đón được khách vẫy, không phải cắt % lại cho Grab, đón được nhiều khách hơn khi trước đây khách chỉ đặt qua app. Theo anh Trường, chất lượng dịch vụ cũng vì thế mà tăng lên. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ cũng dễ dàng nhận diện được thương hiệu.

Đề cập đến quyền lợi của khách hàng khi đơn vị cung cấp phần mềm trở thành doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến đi lại của người dân và các doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phù hợp sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, về lâu dài khi doanh nghiệp cung cấp phần mềm thu hút được số lượng xe lớn lại đứng ở vị trí đơn vị kinh doanh vận tải và quyết định giá cước, nắm giữ tỷ lệ xe trên 30% tổng số lượng xe của thị trường, khi đó họ sẽ độc quyền và thao túng thị trường. Doanh nghiệp sẽ áp đặt giá cước và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội nhìn nhận, khi các ứng dụng gọi xe buộc phải chuyển tài xế từ đối tác sang người lao động, đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải chịu ràng buộc bởi pháp luật lao động như phải có nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm bắt buộc, đảm bảo tiền lương tối thiểu, tiền làm thêm giờ. Kéo theo đó là các ràng buộc khá phức tạp về vấn đề quản trị nhân sự.

“Khả năng cao là các công ty dịch vụ công nghệ sẽ tìm nhiều cách để bù đắp vào nghĩa vụ tài chính trên, việc tăng giá cước đối với khách hàng sử dụng dịch vụ có thể là một trong số đó”, ông Sùa nhận định.

Đúng bản chất kinh doanh vận tải

Trên thị trường gọi xe công nghệ hiện nay chỉ có duy nhất một hãng tự nguyện trang bị bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho tài xế. Đại diện Be Group cho biết, họ làm điều này với mong muốn xã hội công nhận tài xế công nghệ là một nghề. Ứng dụng gọi xe nội địa be của Be Group đăng ký kinh doanh là hãng vận tải ứng dụng công nghệ, tiên phong đóng bảo hiểm cho lái xe. Ngoài ra, Be Group tài trợ 100% kinh phí mua gói bảo hiểm bổ sung beHealthcare với quyền lợi bảo vệ hơn 350 triệu đồng cho tài xế.

Trả lời Báo Giao thông về chuyển đổi mô hình hoạt động, đại diện Grab cho biết, Thông tư 12/2020 đã làm rõ thêm những điều kiện trong hành lang pháp lý của các nền tảng gọi xe công nghệ quy định tại Nghị định 10/2020. Qua đó, tạo điều kiện để các ứng dụng kết nối vận tải có thể phục vụ người tiêu dùng Việt Nam một cách tốt nhất và góp phần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả nhất. “Grab đã và đang làm việc chặt chẽ cùng Bộ GTVT và các Sở GTVT nhằm đảm bảo tuân thủ một cách nghiêm túc Nghị định 10. Grab sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị vận tải nhằm đảm bảo tất cả đối tác tài xế tuân thủ các quy định liên quan tại Nghị định 10 và Thông tư 12”, đại diện Grab khẳng định.

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, các quy định đã rất rõ, nhất là định nghĩa về kinh doanh vận tải trong Nghị định 10 và hướng dẫn thế nào là kinh doanh vận tải trong Thông tư 12/2020.

“Nghị định 10 và Thông tư 12 có hiệu lực, định nghĩa rõ ràng về kinh doanh vận tải. Nếu anh sử dụng phần mềm điều hành lái xe, quyết định giá cước vận tải thì là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Qua quá trình thí điểm các ứng dụng gọi xe đã thể hiện rõ bản chất này. Nếu anh sử dụng phần mềm điều hành lái xe, quyết định giá cước mà vẫn cứ “cố tình” nhận mình chỉ là cung cấp phần mềm kết nối là vi phạm. Lực lượng chức năng khi tuần tra, kiểm soát hoàn toàn có thể xử phạt theo quy định”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này chưa nhận được các trường hợp xin cấp lại phù hiệu xe, chuyển đổi hình thức theo quy định mới. Sở đang yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 10 sau đó sẽ kiểm tra, xử lý tài xế và doanh nghiệp vi phạm. “Các hãng xe công nghệ dù lựa chọn loại hình nào thì cũng phải tuân thủ các quy định về gắn dòng chữ “Xe hợp đồng” đề nhận diện, sau đó là phù hiệu”, ông Tuyển cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:
Luật hóa để quản lý chặt chẽ hơn

img

Xe hợp đồng điện tử chưa được quy định trong Luật GTĐB nên phải mất quá trình thí điểm, sau thời gian thí điểm đã đánh giá đúng được bản chất hoạt động của các ứng dụng gọi xe. Luật GTĐB sửa đổi lần này sẽ được Bộ GTVT soạn thảo trên tinh thần dự báo cho phát triển giao thông đường bộ trong 10 năm tới. Bộ GTVT đề xuất đưa khái niệm về kinh doanh vận tải trong Nghị định 10 và hướng dẫn trong Thông tư 12 quy định trong Luật để luật hóa và có hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý kinh doanh vận tải.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Tài xế sẽ không còn bị thiệt

img

Dựa trên Bộ luật Lao động hiện hành, việc tài xế công nghệ không được các hãng gọi xe ký kết hợp đồng lao động là không phù hợp vì thực chất, tài xế đang làm việc cho các hãng gọi xe. Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Thông tư 12 đã định danh rõ ràng là công ty vận tải hay công nghệ. Việc định danh rõ loại hình kinh doanh sẽ ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng. Quan hệ giữa các công ty gọi xe và tài xế vận chuyển hành khách là dựa trên hợp đồng lao động. Thiệt thòi sẽ không bị bị đẩy về phía những tài xế.

Nhiều quy định mới

Ngày 29/5, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 12/2020 (thay thế Thông tư 63/2014), quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7 nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Thông tư số 12 định nghĩa: Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thỏa thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.

Thông tư số 12 cũng quy định ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải đáp ứng các quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Xe hợp đồng phải được niêm yết thông tin như tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải.

Cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang niêm yết (dán cố định) trên kính trước và sau; có phù hiệu “Xe hợp đồng” theo mẫu quy định.

Trước đó, từ ngày 1/4, Nghị định 10 chính thức có hiệu lực, trong đó nhiều quy định đã thay đổi, nhất là đối với loại hình xe công nghệ và taxi truyền thống.

Theo đó, toàn bộ ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (xe công nghệ) phải dán dòng chữ “Xe hợp đồng” trên kính trước và sau xe. Ngoài ra, ô tô công nghệ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4, nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải xin cấp lại phù hiệu và dán thêm phù hiệu này trên ô tô. Trường hợp xe công nghệ muốn hoạt động theo loại hình taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu taxi để hoạt động. Thời gian thực hiện để cấp đổi lại phù hiệu được kéo dài đến tháng 7/2021.

Sự thay đổi đáng kể của xe công nghệ sau ngày 1/4 là phải dán dòng chữ “Xe hợp đồng” trên kính trước và sau xe. Điều này giúp khách hàng thêm dấu hiệu nhận biết. Còn việc cấp lại phù hiệu được gia hạn kéo dài thêm hơn một năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.