Hạ tầng

Bê tông hóa vô tội vạ là thủ phạm gây ngập đô thị

19/07/2019, 10:02

Tại sao Hà Nội hay TP.HCM đô thị hóa, nhà cao ốc mọc như nấm mà không thấy thực hiện phương án nâng cấp các đường thoát nước?

img
GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi VN

Đề xuất dùng lu chống ngập của một đại biểu HĐND TP HCM mới đây đã khiến dư luận dậy sóng. Dù đề xuất này được cho là “khôi hài”, nhưng nó cũng nhắc nhiều người nhớ ra rằng TP HCM đã chi hàng chục nghìn tỷ cho 2 đề án cùng hàng chục chương trình, rút cục việc chống ngập vẫn là bài toán nan giải. Báo Giao thông trao đổi với GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi VN về nguyên nhân và gợi ý giải pháp.

Bê tông hóa vô tội vạ - nguyên nhân cốt lõi

Dưới góc độ khoa học, ông đánh giá thế nào về đề xuất dùng lu để chống ngập?

Theo tôi biết, Công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung đã trực tiếp dùng máy bơm cao áp cực lớn hàng chục nghìn m3/s để bơm thử nghiệm chống ngập ở TP HCM nhưng vẫn thất bại. Lý do là họ phát hiện có những nguồn nước không phải ở khu vực bơm mà còn nguồn lớn nước ngầm rất lớn từ biển và các nơi khác chảy vào nên không ngăn được. Do đó, theo cá nhân tôi, dùng lu không đáng kể gì, to nhất được chục khối là cùng.

Việc dùng lu chỉ hay được sử dụng ở vùng nông thôn hẻo lánh từ thời xa xưa, mà vùng đó chắc chắn phải ở trên cao. Tôi cho rằng, dùng lu để chống ngập ở TP HCM hoàn toàn không khả thi.

Khoảng 5 năm trở lại đây, Hà Nội và TP HCM thường xuyên “hễ mưa là ngập”. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu, vì sao trước kia lại không có tình trạng đó?

Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, gần đây biến đổi về khí hậu, lượng mưa cục bộ xuất hiện nhiều. Mưa cục bộ là kiểu mưa có thể mưa dồn dập khu này nhưng các khu khác lại không mưa.

Thứ hai là phát triển bê tông hóa ồ ạt, thậm chí cả các tuyến đường nông thôn giờ cũng đều được bê tông hóa hết. Đây là nguyên nhân cốt lõi gây ngập úng ở các khu đô thị. Bởi, bê tông làm độ nóng mặt đường tăng lên, làm tăng lượng hơi nước gây cục bộ và làm giảm mức độ thấm nước bề mặt.

Nguyên nhân thứ ba là do trong quá trình đô thị hóa, tình trạng lấn chiếm ao hồ, hệ thống thoát nước rất phổ biến. Những hệ thống thoát nước cũ trước đây để lại thì gần như không được cải tạo.

Quy trách nhiệm người duyệt quy hoạch nhà cao tầng ồ ạt

img
Đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức, TP HCM) biến thành sông trong cơn mưa kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ chiều 17/7. Ảnh: Châu Minh

Như ông nói, tình trạng bê tông hóa vô tội vạ là nguyên nhân cốt lõi, tuy nhiên ở các đô thị, chung cư, cao ốc vẫn mọc như nấm trong khi hệ thống thoát nước lại không được chú trọng. Dường như câu chuyện quy hoạch đã bị bỏ quên, bất chấp?

Hà Nội không điều chỉnh quy hoạch chống ngập khi tốc độ đô thị hóa tăng cao. Chúng ta cần điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tế hiện nay, sau đó có phương án để lập dự án.

Tại sao Hà Nội hay TP HCM đô thị hóa, nhà cao ốc mọc như nấm mà không thấy thực hiện phương án nâng cấp các đường thoát nước? Đây là câu hỏi cần đặt ra. Trước đây, TP HCM phải dùng cả quận 2 để tiêu nước vào sông Sài Gòn. Giờ đô thị bịt hết các đường đi của nước ở quận 2, không có cách nào tiêu được. Vấn đề này không chỉ riêng Hà Nội, TP HCM mà ở các đô thị lớn đều gặp phải.

Theo tôi, đã đến lúc phải quy trách nhiệm ai duyệt quy hoạch cho làm chung cư ồ ạt tại Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác. Rõ ràng, những người làm quy hoạch chưa hoàn thành trách nhiệm hoặc cố tình để hướng đến lợi ích nhóm.

Các đô thị ở nước ta, đặc biệt là ở TP HCM đã có những dự án chống ngập rất quy mô song kết quả đem lại vẫn là ẩn số. Theo ông, giải pháp cần thiết lúc này là gì?

Như đã nói, chống ngập ở TP HCM, chúng ta phải xem nguồn nước nào gây ra ngập. Theo tôi, ở TP HCM có hai nguồn nước chính, một là nguồn nước mưa rất lớn trút xuống các đô thị; Hai là triều cường lên dồn qua những đường ống nước chảy vào đô thị. Do vậy, TP HCM muốn chống ngập, phải giải quyết cả hai nguồn này.

Tôi nhớ, TP HCM cũng có ý định làm 4 cống rất lớn để ngăn triều cường. Nhưng đến nay, họ phát hiện ngăn như vậy chưa chắc nước không vào qua đường kênh rạch nên lại thôi.

Hơn nữa, các chuyên gia Hà Lan còn phát hiện nguồn nước từ biển vào TP HCM không chỉ là nước mặt chảy lên kênh mà còn có cả nước ngầm mà không thể ngăn được. Mà chúng ta đều biết, nước ngầm rất phức tạp, nhất là nước ở dưới đất chui lên có những mạch rất lớn từ ngoài biển chảy vào.

Từng có chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bãi thấm ngầm bằng hệ thống các đường ống nhựa (PVC) đục lỗ đặt ngầm dưới lớp bê tông vỉa hè, giúp nước mưa dễ dàng thấm qua vỉa hè nhưng lại không ảnh hưởng đến công năng của vỉa hè. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

Vấn đề đường thoát nước của anh ở đâu? Mỗi khu phố có đường thoát nước, xong nó lại nối ra đường ống chính của đường, từ đường ống chính lại chảy vào nhà máy tiêu nước. Ý tưởng này thực hiện trên toàn bộ bề mặt các vỉa hè, nhưng vấn đề chính là có kết nối được với hệ thống tiêu nước không. Nếu không làm đồng bộ sẽ dồn nước từ đoạn này sang đoạn khác, sẽ không khác gì “đánh bùn sang ao”.

Một vấn đề nữa, theo tôi, việc thoát nước bằng giải pháp này khi mưa xuống, đường ống sẽ không tiêu được nước nhanh do đục lỗ. Muốn tiêu nước trên vỉa hè không hề tốn kém. Ở một số nước phát triển thủy lợi như Hà Lan hay Anh, trên vỉa hè họ bớt ra một khoảng đường đất để khi mưa xuống thấm dần xuống tránh ngập. Tất nhiên, để đảm bảo mỹ quan, trên bề mặt phần đường đất của vỉa hè họ rải đá rời, mưa xuống một lúc sẽ thấm hết.

Cảm ơn ông!

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức:
Chúng ta đang chống ngập từ... ngọn!

img

Địa hình ở Việt Nam chủ yếu là vùng trũng, thấp, cả đô thị lẫn đường sá đều nằm trên nền đất yếu, rất dễ ngập. Trong đó, mỗi nơi có nguyên nhân ngập khác nhau. Hà Nội ngập là do nước không thông thoát được, trong khi đó, TP HCM chủ yếu lại ngập do triều cường.

Trong quá trình phát triển, tầm nhìn quy hoạch ở Việt Nam lại rất hạn chế, bỏ qua đặc điểm của địa hình trong kiến tạo đô thị. Trước đây, diện tích Hà Nội hẹp, hệ thống thoát nước tương đối đầy đủ. Song, quy mô Thủ đô ngày càng mở rộng, chúng ta lại xây nhà ồ ạt “bỏ quên” cái gốc là hệ thống thoát nước phải làm trước nên mới để xảy ra hệ quả “hễ mưa là ngập”, ngập rồi lại không có đường khơi thông.

Thực tế, Hà Nội hay TP HCM đã có rất nhiều dự án thoát nước, chống ngập, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở ý tưởng hoặc nếu làm cũng không có kết quả tốt. Nguyên nhân là do chưa có một quy hoạch ngầm và quy hoạch trên cao để giải quyết tận gốc mà các giải pháp áp dụng mới chỉ chữa phần ngọn.

Vì vậy, các đô thị muốn thoát cảnh ngập lụt, cơ quan chức năng phải bắt tay ngay vào nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng không gian ngầm, lấy cơ sở thiết lập sơ đồ không gian ngầm đồng bộ. Từ đó, mới thực hiện quy hoạch từng phần, không gian nào dành cho hệ thống cáp ngầm, điện ngầm, không gian nào để hình thành hạ tầng thoát nước ngầm, tránh tình trạng chồng chéo như hiện tại.

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường VN:
Chỉ chăm chăm làm chung cư kiếm lợi thì sao không ngập

img

Theo tôi, Hà Nội và TP.HCM cần đặt ra các câu hỏi và tự trả lời để so sánh vì sao trước đây không ngập, bây giờ lại ngập thường xuyên. Liệu có sai ở đâu hay không? Cùng đó, phải xem xét công tác quy hoạch để rà soát, thiết kế lại hệ thống thoát nước khi xuất hiện các yếu tố mới, đặc biệt là san nền để làm các khu dân cư và đô thị.

Theo tôi biết, hầu hết chung cư, cao ốc hiện nay không tính đến giải pháp thoát nước, chỉ chăm chăm xây nhà để mang lợi ích cá nhân. Sông Tô Lịch sắp biến thành cái cống thoát nước của nhiều khu chung cư, giờ thành phố đang phải chi tiền tìm giải pháp xử lý làm sạch, rất lãng phí.

Ở Nhật Bản, họ đào cả hệ thống đường hầm để thoát nước, khi không có nước đường phía trên ùn tắc họ lại cho dân lưu thông để thoát. Việt Nam bao giờ mới làm được điều này?

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng hiện nay không thể không xét đến trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc lập và làm quy hoạch. Phần lớn các cơ quan chức năng hiện nay mới chỉ quản lý những gì hiển hiện trên mặt đất mà rất dễ dãi hoặc bỏ qua việc hình thành hệ thống ngầm (điện, thoát nước).

Lê Tươi - Nam Khánh (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.