Bến xe “kỳ lạ” giữa nội đô TP Đà Lạt |
Bên cạnh đó, bến này còn có lịch sử khá phức tạp, nằm trong quy hoạch diện tích đất thu hồi để làm chợ nhưng vẫn được các cơ quan chuyên ngành địa phương cho nâng hạng, công nhận là bến xe tạm liên tục 10 năm qua.
Lập bến xe tạm trên đất quy hoạch làm chợ
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày cuối tháng 11, tại bến xe số 5 Lữ Gia (phường 9, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) của Công ty Thành Bưởi, hàng chục chiếc xe khách vẫn ra vào khu vực bến xe này để đón khách đường dài chạy tuyến TP.HCM.
Điều đáng nói, bến xe này nằm giữa khu dân cư, gần trường học, chợ Phan Chu Trinh. Hàng ngày, lượng xe cộ chạy ra vào bến xe này gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mất an toàn giao thông gây bức xúc dư luận.
Được biết, bến xe số 5 Lữ Gia do Công ty TNHH Thành Bưởi (DN Thành Bưởi) đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2006 với danh nghĩa là bến tạm. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, bến này luôn được chính quyền tỉnh Lâm Đồng cùng Sở GTVT Lâm Đồng “tạo điều kiện” vượt quy chuẩn về loại hình bến xe. Không những vậy, theo quy hoạch, bến xe số 5 Lữ Gia của Công ty Thành Bưởi thuộc diện đất thu hồi phục vụ dự án công cộng nhưng đến nay, nó vẫn tồn tại.
Theo chủ tịch UBND phường 9, ông Võ Hồng Sơn: UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương di dời chợ Phan Chu Trinh lên khu đất của Công ty Thành Bưởi thuê làm bãi đỗ, khu chợ hiện tại sẽ xây dựng công viên cây xanh.
Ngày 27/10/2013, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình số 743/TTr-STNMT về việc “đề nghị chấp thuận phạm vi ranh giới thu hồi đất để di dời chợ Phan Chu Trinh và làm công trình công cộng tôn tạo cảnh quan tại phường 9 TP Đà Lạt”.
Trước kiến nghị của Sở TNMT, vào ngày 6/11/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn số 6689/UBND-ĐC chấp thuận đề xuất này và giao UBND TP Đà Lạt thông báo chủ trương thu hồi đất, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tiếp đó, ngày 12/11/2013, UBND TP Đà Lạt có văn bản số 6336/UBND thông báo thu hồi đất để di dời chợ Phan Chu Trinh và xây dựng công viên cây xanh công cộng tại phường 9.
Theo quy hoạch, bến xe số 5 Lữ Gia của Công ty Thành Bưởi thuộc diện đất thu hồi phục vụ dự án công cộng. Dù đất đã có chủ trương thu hồi, thế nhưng trong năm 2014, cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng lại có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép bến xe số 5 Lữ Gia được xếp loại 4 (không đạt chỉ tiêu diện tích) để Công ty Thành Bưởi tiếp tục đầu tư, mở rộng bến xe phù hợp với Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010.
Theo đó, bến xe loại 4 tại số 5 Lữ Gia của Công ty Thành Bưởi được công nhận là bến tạm, thời hạn công bố tạm đến hết 31/12/2016. Trong thời hạn này, Công ty Thành Bưởi chịu trách nhiệm tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích bến xe đúng theo quy chuẩn.
Có “ưu ái” cho Công ty Thành Bưởi?
Việc cho công ty Thành Bưởi lập bến xe tạm trên đất quy hoạch làm chợ khiến dự luận đặt ra câu hỏi liệu các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng đang ưu ái, tiếp tay cho Công ty Thành Bưởi hoạt động xe khách trá hình? Đặc biệt, bến xe số 5 Lữ Gia đã từng bị Bộ GTVT yêu cầu rút quyết định công bố là Bến xe loại 4.
Trước vấn đề này, PV liên hệ ông Trương Hữu Hiệp- Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng. Ông Hiệp cho biết, trước đây khi mới xây dựng và đưa vào hoạt động, bến xe số 5 Lữ Gia khá thưa thớt. Những năm qua khu vực chợ bắt đầu hoạt động đông đúc. Nút giao thông Phan Chu Trinh có dấu hiệu kẹt xe do lưu lượng xe cộ đông dần...
Bến xe số 5 Lữ Gia- Đà Lạt mặc dù không đủ điều kiện lên hạng cấp 4 nhưng vẫn được các cơ quan chuyên ngành tỉnh Lâm Đồng ưu ái |
“Thời điểm trước đây 4-5 năm, khu vực rất vắng nên bến xe hoạt động vẫn còn hợp lý. Còn bây giờ nếu bến xe này hoạt động thì cần phải có biện pháp cải tạo”- vị giám đốc Sở nhìn nhận và cho biết, hiện tỉnh đang có nhiều phương án, trong đó giao Sở GTVT rà soát lại toàn bộ bến xe trên địa bàn để có điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bến xe theo quyết định 12 trước đây. Và hiện tại Sở đang thực hiện.
“Diện tích bãi xe số 5 Lữ Gia phải đảm bảo diện tích, đường ra vào bến xe, tỉnh đang có chủ trương cải tạo nút giao Phan Chu Trinh và giải tỏa chợ, một phần hay toàn bộ thì đang cân nhắc. Quan điểm của Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đi lại, đặc biệt là tránh ùn tắc giao thông. Xu hướng là chọn vị trí không ảnh hưởng đến các khu dân cư trong nội đô”- ông Hiệp nói.
Người đứng đầu ngành giao thông tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: cuối tháng 12 này, Sở sẽ làm báo cáo rà soát, bổ sung quy hoạch các bến xe trên địa bàn TP Đà Lạt. “Nếu các bến xe không đảm bảo các tiêu chí, gây ùn tắc giao thông, nếu cho hoạt động thì phải xem xét lại. Buộc phải di dời, hoặc doanh nghiệp phải đầu tư nơi khác”- ông Hiệp khẳng định.
Còn về thông tin Sở GTVT, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng ưu ái cho doanh nghiệp Thành Bưởi, ông Hiệp khẳng định hoàn toàn không có. “Từ xưa đến nay, DN nghiệp với Lâm Đồng, với Sở GTVT không có bất cứ ai than phiền đối xử không công bằng. Những trường hợp nhạy cảm Sở luôn xin ý kiến cấp trên và giải quyết theo văn bản cấp trên chỉ đạo”- ông Hiệp quả quyết.
Nói về việc có bất hợp lý không khi Thành Bưởi thuê thêm đất để “trám” vào diện tích thiếu để được lên cấp bến xe ? Ông Trương Hữu Hiệp thừa nhận: Bến xe số 5 Lữ Gia được tỉnh quy hoạch có thiếu diện tích một ít nhưng bến xe này có trước thông tư 24 của Chính Phủ, nhà xe hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Khi cấp phép bến xe loại 5 thì hoạt động của DN bị ảnh hưởng. Do đó, phía DN mới có văn bản kiến nghị lên cấp và thuê thêm đất để mở rộng bến xe.
“Trong các quy định họ không nói rõ là quy mô bến xe là một miếng đất. Tức là không có quy định nào bắt buốc hai miếng đất nằm rời nhau thì không thể lập bến xe. Tuy nhiên, nếu là một miếng đất thì thuận lợi hơn”- Giám đốc Sở GTVT Tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận và cho biết các quyết định nâng hạng, công nhận bến xe cấp 4 tạm thời tại số 5 Lữ Gia- Đà Lạt đều thông qua ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.
Không chỉ “lùm xùm” trong việc “ghép đất” để nâng hạng bến xe tại Lâm Đồng, ở TP.HCM, Công ty Thành Bưởi cũng đã bị cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm khi thuê đất tại số 419 đường Lê Hồng Phong (quận 10) để làm bến lậu. Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng đã trực tiếp chỉ đạo, xử lý quyết liệt. DN tiếp tục "lách" dưới hình thức trá hình giữa xe vận tải hành khách tuyến cố định và xe hợp đồng, lợi dụng điều kiện kinh doanh để lách luật. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, riêng bến xe số 5 Lữ Gia Đà Lạt được các cơ quan chuyên ngành tỉnh Lâm Đồng công nhận là bến xe tạm, hoạt động tuyến cố định liên tỉnh ngay trên đất quy hoạch làm chợ. Nếu là bến xe tuyến cố định thì phải xuất từ bến này sang bến khác. Nhưng tại sao, Thành Bưởi lại xuất bến Lữ Gia nhưng ở đầu TPHCM lại không vào các bến xe của TP. Thay vào đó, các xe của Thành Bưởi lại “chui” vào điểm kinh doanh vận tải số 1 Vĩnh Viễn (Q.10) nơi đang được xem là bến xe khách “lậu”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận