Đường bộ

Áp dụng song song lệnh vận chuyển giấy và điện tử

16/12/2022, 18:50

Một số bến xe có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải xây dựng phần mềm lệnh vận chuyển điện tử để áp dụng từ ngày 15/12/2022.

Bến xe từ chối phục vụ DN vận tải không sử dụng lệnh vận chuyển điện tử

Ngày 30/11/2022, Bến xe thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) và bến xe huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã có thông báo gửi các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải khách có xe tham gia hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định tại bến xe về việc triển khai việc truyền tải dữ liệu Lệnh vận chuyển điện tử.

img

Các bến xe ở Bình Dương và Bình Phước ra thông báo đề nghị các DN vận tải phải thực hiện lệnh vận chuyển điện tử từ ngày 15/12/2022

Theo các bến xe này, theo quy định tại Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; Điều 50, Điều 51 và Điều 54 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, bến xe và doanh nghiệp vận tải (DNVT) đều phải thực hiện việc truyền tải dữ liệu Lệnh vận chuyển về máy chủ của Cục Đường bộ, vì vậy DNVT phải có trách nhiệm khởi tạo, kết nối, truyền tải dữ liệu về phần mềm quản lý bến xe để thực hiện thủ tục ký Lệnh xuất bến và truyền tải dữ liệu theo quy định.

Để thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 15/12/2022, theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Bình Dương và Bình Phước, hai bến xe trên đề nghị các HTX, DNVT tham gia hoạt động tại bến phối hợp thực hiện việc ký cam kết với Bến xe cùng thực hiện việc cung cấp và truyền tải dữ liệu Lệnh vận chuyển theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam xong trước ngày 15/12/2022.

Đồng thời, các bến xe này giới thiệu Công ty Cổ phần tư vấn và chuyển giao công nghệ Sơn Phát (Sơn Phát C&T) là đơn vị có phần mềm Lệnh vận chuyển điện tử, đáp ứng yêu cầu kết nối với Phần mềm quản lý bến xe của bến đi và các bến đến, đã thực hiện truyền tải dữ liệu Lệnh vận chuyển theo yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam thành công cho bến xe và doanh nghiệp vận tải, để doanh nghiệp lựa chọn đàm phán ký hợp đồng.

Theo thông báo, kể từ 15/12/2022, hai bến xe trên dừng ký Lệnh vận chuyển bằng giấy do trong giai đoạn hiện nay phần mềm quản lý bến xe của bến chưa có chức năng hỗ trợ tiếp nhận, truyền tải dữ liệu Lệnh vận chuyển bằng giấy dưới mọi hình thức, nên không thể truyền tải dữ liệu Lệnh vận chuyển cho doanh nghiệp và Cục Đường bộ VN theo quy định. Khi nào phát triển được chức năng này, bến sẽ thông báo bằng văn bản, nhưng đây là hình thức không khuyến khích do tính chất phức tạp về nghiệp vụ cũng như tốn kém về kinh phí triển khai.

Ngoài ra, các bến xe này cũng thông báo: Từ ngày 10/12/2022 đến ngày 14/12/2022 Bến xe ký xác nhận Lệnh vận chuyển bằng giấy song song với Lệnh vận chuyển điện tử để doanh nghiệp và lái xe quen với nghiệp vụ và truyền tải thí điểm dữ liệu Lệnh vận chuyển đến máy chủ Cục Đưường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ ngày 15/12/2022, Bến xe từ chối phục vụ tất cả các phương tiện, nếu doanh nghiệp vận tải và lái xe không cung cấp thông tin lệnh vận chuyển đến phần mềm quản lý bến xe để bến xe cấp Lệnh vận chuyển xuất bến và truyền tải về máy chủ Cục Đường bộ theo quy định tại văn bản số 155/CĐBVN- QLVT,PT&NL ngày 11/10/2022.

img

Theo quy định, hiện nay vẫn cho phép áp dụng song song lệnh vận chuyển giấy và điện tử

Vẫn áp dụng song song lệnh vận chuyển giấy và điện tử

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện nay, vẫn áp dụng song song lệnh vận chuyển giấy và lệnh vận chuyển điện tử.

Cục Đường bộ VN đang xây dựng phần mềm tiếp nhận dữ liệu từ lệnh vận chuyển điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử và gửi các văn bản đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo, hướng dẫn các bến xe, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thực hiện.

“Việc yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện lệnh vận chuyển điện tử từ ngày 15/12/2022 nếu không sẽ không phục vụ của các bến xe là không đúng.

Ngày 15/7/2022, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 17/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020 ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 17 là việc Bộ GTVT cho phép các doanh nghiệp vận tải, bến xe bên cạnh việc dùng lệnh vận chuyển bằng giấy thông thường sẽ được phép dùng thêm lệnh vận chuyển điện tử.

Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định. Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình một trong hai loại lệnh vận chuyển này khi lực lượng chức năng yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.