Bạn cần biết

Bệnh nhân chấp nhận mất tiền khám bệnh vượt tuyến

26/01/2015, 07:21

Người dân khám bệnh ngoại trú vượt tuyến sẽ không được thanh toán Bảo hiểm y tế từ 1/1/2015.

51

Nhiều bệnh nhân vẫn vượt tuyến tới khámtại Bệnh viện Nhi T.Ư

Mất tiền vì trái tuyến

Sáng 22/1, bà Đoàn Thị Nga (ở TP Nam Định) đến Bệnh viện ĐH Y (Hà Nội) kiểm tra tổng quát cơ thể. Bà Nga bị loãng xương, mỡ máu, huyết áp cao nên định kỳ cứ ba tháng một lần, bà đi kiểm tra tổng thể sức khỏe, lấy đơn thuốc mới. “Tổng chi phí mỗi lần đi kiểm tra sức khỏe thường hết khoảng 1 triệu đồng. Khi dùng BHYT, không phải loại xét nghiệm, kiểm tra nào cũng được trừ 30%, nhưng mấy lần trước đi tổng khám, tôi cũng bớt được tầm 150 - 200 nghìn đồng nhờ BHYT. Đến lần tái khám này, tôi mới biết mình không được trừ 30% nữa”, bà Nga nói.

Theo BHXH Việt Nam, đến tháng 1/2015, toàn quốc có 64,1 triệu người tham gia BHYT, đạt 71% tỷ lệ bao phủ trên tổng dân số cả nước (90,5 triệu người), trong đó có 30 triệu thẻ BHYT cấp theo mẫu mới. Hiện còn gần 35 triệu người có thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng chuyển sang năm 2015.

Tại Trung tâm Tim (Bệnh viện E), ông Nguyễn Văn Khiêm (ở Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm) ngạc nhiên khi y tá cho biết, lần khám này, ông sẽ không còn được trừ 30% BHYT và nhận thuốc bảo hiểm nữa. “Bảo hiểm của tôi ở Bệnh viện 19/8, nhưng tôi luôn khám ở Bệnh viện E vì ở đây có trung tâm tim mạch tốt, lại gần nhà. Bệnh của tôi mãn tính, tôi chỉ đi khám định kỳ, nên chắc chắn không được chuyển tuyến. Nhưng tôi vẫn muốn khám ở đây, dù không được tính BHYT nữa”, ông Khiêm cho hay.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, chị Loan (ở Thanh Trì, Hà Nội) đang chờ khám cho bé Duy An (1 tuổi). Chị Loan cho biết, bé An hay ốm, hầu như tháng nào cũng phải tới viện 1-2 lần, nhưng chị chưa từng dùng đến thẻ BHYT. “Đã có lần tôi thử dùng thẻ BHYT thì được hướng dẫn phải cho con khám ở trạm y tế xã, rồi xin giấy chuyển lên huyện, rồi mới lên Bệnh viện Xanh Pôn chứ không được vào Bệnh viện Nhi T.Ư. Thủ tục lằng nhằng mất cả sáng chưa xong, nên tôi lại đưa thẳng con vào Bệnh viện Nhi T.Ư”, chị Thủy nói.

Chỉ tin tưởng bệnh viện tuyến T.Ư, thủ tục chuyển viện quá phức tạp, từng bị chẩn đoán sai ở bệnh viện tuyến dưới… là những lý do khiến nhiều người dân thà chịu mất thêm tiền để được khám và điều trị ở bệnh viện tuyến trên.

Không nên tự vượt tuyến

Trước phản ánh của một số bệnh nhân về việc họ bị “giảm quyền lợi” khi khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến vì không còn được bảo hiểm y tế chi trả, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực tế quyền lợi của bệnh nhân không hề bị giảm.

Bởi theo quy định mới, dù khám ngoại trú vượt tuyến, người bệnh không được chi trả nhưng mức hưởng khi điều trị nội trú lại tăng lên. Hiện bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến ở tuyến T.Ư được quỹ bảo hiểm chi trả 40% chi phí thay vì mức 30% như quy định cũ; ở tuyến tỉnh được chi trả 60% thay vì 50%. Với bệnh viện tuyến huyện, người bệnh được chi trả 70% kể cả điều trị nội và ngoại trú. Nếu khám đúng ở nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, người bệnh sẽ được hưởng mức chi trả BHYT 100% thay vì 70% như trước.

“Mức chi trả điều trị nội trú và khám chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú ở bệnh viện tuyến huyện… đều tăng so với trước, tức người bệnh sẽ được lợi hơn. Để đảm bảo quyền lợi, người dân không nên đến khám trái tuyến, vượt tuyến vì vừa không được chi trả lại vừa phải chi trả nhiều hơn giá của bảo hiểm y tế”, ông Sơn khuyến cáo.

Riêng với trường hợp mắc bệnh mãn tính, cần điều trị dài ngày định kỳ, như: Hen, lao, tim mạch, ung thư, bệnh nội tiết... người bệnh chỉ cần chuyển tuyến một lần và sau đó được khám định kỳ theo lịch của bác sĩ suốt năm không cần xin giấy chuyển tuyến mới. “Đây là một quy định mở, tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, vì ttrước chỉ có 5-7 nhóm bệnh được sử dụng giấy chuyển tuyến có giá trị một năm, nay đã có tới 47 nhóm bệnh”, ông Sơn phân tích.

Trần Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.