Y tế

Bệnh nhân Covid-19 bức xúc "phải" ủng hộ 400 triệu, BV Nam Sài Gòn nói gì?

05/09/2021, 15:15

Người nhà bệnh nhân điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn bức xúc phản ánh "phải" ủng hộ hơn 400 triệu đồng, BV nói gì?

Người nhà bức xúc vì “BV 8 lần đề nghị “ủng hộ” 426.800.000 đồng”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lâm Ngọc Hùng (trú tại Gò Vấp, TP. HCM) bức xúc chia sẻ: Gia đình có 2 người nhà cùng nhiễm Covid-19 và được đưa vào điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Nam Sài Gòn (BV Nam Sài Gòn) ngày 2/8; ra viện ngày 30/8.

img

BV Đa khoa Nam Sài Gòn

Trước khi nhập viện ngày 30/7, ông Hùng liên lạc với BV Nam Sài Gòn để đưa người nhà vào điều trị, BV đã yêu cầu anh đặt "cọc” 50 triệu đồng. Và trong suốt quá trình điều trị, 8 lần người của bệnh viện đã liên lạc với anh Hùng đề nghị chuyển khoản ủng hộ cho bệnh viện qua 2 số tài khoản thuộc Công ty cổ phần Y tế Phúc Thịnh và BV Nam Sài Gòn tổng số tiền 426.800.000 đồng.

Ông Hùng cho biết, mỗi lần chuyển khoản đó ông không được giải thích. Bên BV chỉ gọi hoặc nhắn tin đóng tiền vào “ủng hộ” và mỗi lần chuyển tiền ghi nội dung tên người nhà hiện đang nằm viện.

“Trong ngày cuối trước khi làm thủ tục ra viện, BV Nam Sài Gòn tiếp tục đề nghị chuyển số tiền 176.800.00 đồng, đóng đủ mới hoàn thiện thủ tục xuất viện. Lúc đó, tôi có nói nếu tài khoản tôi không có đủ tiền thì sao, và nhận được câu trả lời "chưa gặp trường hợp như vậy và sẽ phải trình lên tổng giám đốc cho ý kiến". Khi đó, tôi đã phải chuyển khoản đầy đủ và đưa mẹ và người nhà xuất viện”, ông Hùng kể.

Được biết trong quá trình điều trị, mẹ ông Hùng nằm điều trị ICU khoảng 1 tuần và phục hồi tốt sau đó.

BV Nam Sài Gòn: "Không lì mặt xin ủng hộ thì khó tồn tại"

Trước sự việc này, trao đổi với PV Báo Giao thông, Tổng Giám đốc BV Nam Sài Gòn Đặng Văn Thanh giải thích: “Theo luật, BV không được thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng tới thời điểm này, BV tư được huy động cùng tham gia điều trị Covid-19 mà chưa nhận được nguồn hỗ trợ nào. Tham gia điều trị Covid-19, BV xác định vừa huy động vừa đi xin nguồn ủng hộ từ bệnh nhân, gia đình bệnh nhân có điều kiện và huy động các bạn bè xung quanh, còn với người nghèo nhập viện thì khỏi huy động. Như vậy từ khi bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 toàn bộ hoạt động chăm sóc, điều trị hoàn toàn không thu phí mà đi huy động ủng hộ để BV hoạt động”.

Cũng theo ông Thanh, tính từ 2/8 đến nay bệnh viện đã điều trị hơn 300 bệnh nhân trong đó khoảng hơn 200 bệnh nhân đã xuất viện và có 20 trường hợp tử vong.

“Tôi đi xin, đi huy động, chấp nhận chịu búa rìu để BV tồn tại, mà tồn tại được thì cứu được người bệnh dù một mạng người cũng đáng quý… Trong khi ôxy phải mua, thuốc phải mua, lương cho nhân viên, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng phải trả gấp đôi ngày thường, không thì ai làm. Bệnh nhân nhập viện được phục vụ ngày 3 bữa ăn, chuẩn chỉ như khách sạn 3 sao… nhưng toàn bộ điều trị, chăm sóc y tế không thu phí mà chỉ xin ủng hộ.

Nếu không ai ủng hộ chắc chỉ 2 tháng là BV đóng cửa vì kiệt quệ kinh tế, vì mỗi ngày mở cửa ra là chi phí mất từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, thì làm sao tồn tại được khi không có khoản ngân sách nào hỗ trợ. Mà BV tư thì đều đi vay từ 50-70%”, ông Thanh nói.

PV đặt câu hỏi: “Việc huy động ủng hộ như hiện nay của BV Nam Sài Gòn đang khiến không ít người nhà bệnh nhân bức xúc cho rằng bị “ép” ủng hộ, như việc phải "đặt cọc" trước khi vào viện hay đóng đủ tiền mới cho xuất viện. BV giải thích như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi của PV, đại diện BV cho rằng: “Bất kỳ bệnh nhân nào vào đây điều trị, bệnh viện cũng xin ủng hộ cả, ngay từ khi nhận bệnh nhân, còn không đóng thì thôi BV vẫn chữa trị chứ không phải không ủng hộ thì không chữa trị.

Có những ca không ủng hộ, BV vẫn cứu đến hơi thở cuối cùng. Tôi phải khẳng định 1 lần nữa là chúng tôi lì mặt đi xin huy động ủng hộ hàng ngày, ủng hộ càng nhiều càng tốt, có số dư bệnh viện lại bỏ ra để bù cho các ca nghèo.

Đến thời điểm này, BV đuối rồi nên không lì mặt đi kêu gọi xin ủng hộ thì khó tồn tại. Thực tế, 85% bệnh nhân đến với BV là gia đình có điều kiện thì không lý do gì không lỳ mặt đi xin ủng hộ, có vậy thì BV mới cứu thêm được hơn 15% người nghèo nằm điều trị tại đây chứ.

Trên thực tế, nếu được phép thu, nhiều bệnh nhân sẵn sàng chi trả, thậm chí có người đóng gấp 10 lần quy định nhưng mà không được. Đã thu phí là phạm luật nên chỉ có lỳ đi xin thôi.

Ủng hộ rồi nhưng muốn lấy lại tiền, BV sẽ hoàn trả ngay lập tức?

Cũng theo ông Thanh, nếu luật cho phép BV tư thu tiền điều trị Covid-19, thì một số người có điều kiện sẵn sàng chi trả phí nằm điều trị tại BV tư, đồng nghĩa có thêm các suất nằm ở các bệnh viện công dành cho người nghèo.

Bản thân BV Nam Sài Gòn cũng đã nhận bệnh nhân nghèo dù con số đó còn ít, chỉ chiếm khoảng 20% đổ lại/tổng bệnh nhân vì kinh phí của BV không đủ. Bởi bình thường BV hoạt động có nhiều nguồn thu, tuy nhiên hiện nay BV đóng cửa toàn bộ các dịch vụ y tế chỉ phục vụ riêng điều trị Covid-19 với khoảng 160-170 giường điều trị. Nếu đủ tiềm lực, BV có thể tăng lên 300 giường điều trị Covid-19.

“Tất cả bệnh nhân sau điều trị dù dương tính nhưng PCR trên 30, BV đều cho xuất viện. Dù nhiều bệnh nhân mong muốn ở lại nhưng đã qua giai đoạn nguy hiểm và khả năng lây nhiễm gần như không còn, BV đều yêu cầu ra viện để nhường chỗ cho các bệnh nhân nặng khác. Nếu kinh doanh lấy tiền chắc chúng tôi phải dụ bệnh nhân ở lại càng lâu càng tốt vì bệnh nhân nhẹ càng ít rủi ro…”, ông Thanh nói thêm.

Trả lời cho câu hỏi: “BV xử lý ra sao nếu sau này tiếp tục nhận được hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19, liệu có trả lại tiền cho bệnh nhân hay không?”, ông Thanh cho hay: “Đến thời điểm này, khoản tiền ủng hộ BV thu được khoảng hơn 20 tỷ đồng, toàn bộ danh sách ủng hộ đều được thống kê và công khai các khoản thu, chi liên quan.

Và nay mai, nếu nhà nước trả lại tiền điều trị Covid-19 cho bệnh viện, chắc chắn BV hoàn trả lại hết cho bệnh nhân. Còn hiện nay, BV đang huy động ủng hộ.

Và nếu những ai đã ủng hộ giờ muốn lấy lại đến bệnh viện ký xác nhận không ủng hộ nữa, BV sẽ hoàn trả lại tiền ngay lập tức”.

TP HCM kiến nghị BV tư được thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19

"Về nguyên tắc khi bệnh viện được giao quyền điều trị BN Covid-19 thì sẽ được phân bổ kinh phí ngân sách, còn trong trường hợp vướng về luật chưa có được thì BV sẽ tạm thời chi phí để thực hiện hoạt động đó.

Trong trường hợp bệnh viện không còn kinh phí hoạt động, khó khăn không thể xoay xở và chưa nhận được hỗ trợ kinh phí ngân sách Nhà nước, sẽ phát sinh 2 tình huống: Một bệnh viện là xin dừng hoạt động; Hai là huy động từ nguồn khác theo hình thức xã hội hóa để tiếp tục hoạt động, trong đó quan trọng nhất là phải thông báo với cơ quan chức năng và có sự thống nhất sau này khoản đó sẽ thanh toán thế nào, được bù trừ ra sao.

Nếu được sự đồng ý từ đơn vị giao quyền thì bệnh viện hoàn toàn có cơ sở để huy động ủng hộ, đồng thời cần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ và ủng hộ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc kêu gọi ủng hộ cần thực hiện với đối tượng mở rộng, tránh trường hợp ai vào cấp cứu thì phải đóng, dẫn đến câu chuyện không khác gì dịch vụ, ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước, quyền lợi của người bệnh".

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chánh Pháp, Hà Nội.

Theo công văn khẩn số 2828 về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 do Phó chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng ký ngày 23/8/2021 có nêu:

Thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục huy động nguồn lực từ các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch, đặc biệt biệt là tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Qua khảo sát và trao đổi với các cơ sở y tế tư nhân, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế… cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công tập và tư nhân rất khác biệt, như: Cơ sở y tế tư nhân mua sắm không qua đấu thầu nên giá mua sắm cùng 1 loại thuốc, vật tư y tế cao hơn so với giá mua của các cơ sở công lập; Cơ sở sử dụng vật tư nhiều hơn và lương nhân viên y tế cao hơn…

Từ thực tế trên, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại cơ sở y tế tư nhân gặp khó, cụ thể:

Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được; Trường hợp chi trả theo mức chi phí thực phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện vì có sự chênh lệch giữa hai loại hình cơ sở này.

Do đó, UBND TP. HCM kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền chấp nhận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện dịch vụ điều trị BN Covid-19 theo yêu cầu và thu giá dịch vụ tương ứng; Trong trường hợp ngân sách chi trả, cần có hướng dẫn mức chi trả…

Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm giải quyết kinh phí điều trị cho BN Covid19 tại các cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo nguồn lực tài chính đề các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, trong thời gian đợi ý kiến bộ Y tế và bộ Tài chính, Thành phố trước mắt sẽ thanh toán cho các đơn vị y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mức giá dịch vụ KCB được Bộ Y tế quy định…

Phần chênh lệch giữa chi phí ngân sách nhà nước thanh toán và chi phí thực tế phát sinh trong điều trị BN Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân, các cơ sở cân đối thực hiện bao gồm cho phép được thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp chi phí.

Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị (không sử dụng ngân sách Nhà nước), các cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo cam kết tự nguyện của bệnh nhân để trang trải chi phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.