Y tế

Bệnh nhân “luôn cho rằng có người muốn hại mình” cần sớm nhập viện

20/03/2023, 20:04

Theo bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, nếu được điều trị kịp thời và duy trì, bệnh nhân tâm thần phân liệt sinh hoạt, làm việc như người bình thường.

Ám ảnh bị hại, bệnh nhân nhập viện

Tại cuộc trao đổi chuyên môn về rối loạn tâm thần phân liệt vào chiều 20/3, TS. Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai nhận định: Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng. Bệnh tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính. Tiên lượng nặng hơn so với các bệnh lý rối loạn tâm thần khác.

Cho đến nay, bệnh vẫn chưa rõ căn nguyên rõ ràng. Bệnh có nhiều căn nguyên giải phẫu não, sinh hoá não, di truyền, tâm lý xã hội, gene…

img

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần (ảnh minh họa)

Người bệnh mắc tâm thần phân liệt sẽ có các triệu chứng điển hình như: tách dần khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, tình cảm khô lạnh, học tập làm việc sút kém, hành vi, ý nghĩ kỳ dị khó hiểu.

Dẫn chứng thêm về điều này, BSCKII. Vương Đình Thủy, Phòng Rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai chia sẻ: Tại đây hiện đang điều trị bệnh nhân nam 32 tuổi tên N.V.H (trú tại Nam Định) tái phát tâm thần phân liệt. Trước đó, anh H được gia đình cho tới viện khám và chỉ định phải nhập viện điều trị vì “luôn cho rằng mọi người muốn hại mình”.

Theo người nhà, anh H vốn khỏe mạnh, hiền lành, hướng nội, ít bạn bè và trong gia đình không ai có bệnh lý tâm thần mạn tính.

Tuy nhiên, cách đây 2 năm, người nhà bắt đầu thấy anh H chậm chạp hơn, ít nói, hay mệt hơn, ngại giao tiếp hơn ngay cả với anh em họ hàng. Người nhà nghĩ là anh H bị trầm cảm, muốn đưa anh H đi khám, tuy nhiên anh H không chịu.

Tình trạng kéo dài khoảng 2 tháng, anh H thỉnh thoảng cáu gắt không hợp lý, có lúc lại lẩm bẩm 1 mình không rõ nội dung. Trầm trọng hơn khi anh H cho rằng người nhà đang theo dõi, giám sát mình, thậm chí âm mưu hại mình. Đến lúc này, gia đình buộc cưỡng chế đưa anh H tới khám tại Viện Sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt thể paranoid.

Theo thống kê của WHO, trên thế giới có khoảng 24 triệu người mắc tâm thần phân liệt.

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh này chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số.

BSCKII. Ngô Văn Tuất cho biết, bệnh thường khởi phát thường xuyên nhất vào cuối tuổi vị thành niên và những năm 20 tuổi.

Xu hướng xảy ra sớm hơn ở nam giới so với nữ giới. Bệnh làm tăng nguy cơ tử vong sớm cao gấp 2 - 3 lần so với dân số chung.

BSCKII. Vương Đình Thủy cho biết, bệnh nhân H được điều trị kéo dài 25 ngày, đáp ứng điều trị, các triệu chứng hoang tưởng bị theo dõi, bị hại, ảo thanh giảm, cảm xúc hành vi… ổn định hơn. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân bỏ ngang điều trị và tái phát bệnh.

Chậm điều trị, hệ lụy khó lường

Khác với bệnh nhân H, BS. Ngô Văn Tuất, Trưởng phòng Rối loạn loạn thần và y học tự sát chia sẻ về 1 nữ bệnh nhân đã được anh điều trị 7 năm nay. “Bệnh nhân rất kiên trì trong điều trị, và chủ động khám mỗi đợt cấp, do vậy, bệnh nhân vẫn sống và làm việc như 1 người bình thường. Thậm chí, cô ấy còn là 1 chuyên gia phân tích tài chính sắc sảo.

Điều này cho thấy nếu được điều trị kịp thời và duy trì tốt, bệnh nhân tâm thần phân liệt hoàn toàn khống chế được bệnh và chất lượng cuộc sống tốt, chứ không như quan niệm nặng nề về bệnh tâm thân của nhiều người”, BS. Tuất nói.

BS. Tuất cho hay, tâm thần phân liệt có nguy cơ tái phát cao dao động từ 50 - 92% trên toàn cầu. Tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt sau đợt loạn thần đầu tiên trong 5 năm đầu tới 80%. Bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều lần tái phát.

Nguyên nhân bệnh tái phát thường liên quan tới không tuân thủ thuốc điều trị, dùng thuốc chất kích thức, sang chấn tâm lý…

Cũng theo cảnh báo BS. Tuất, người mắc tâm thần phân liệt xảy ra tái phát hậu quả thường rất nặng nề. Mỗi lần tái phát gây tổn thương dẫn tới teo não tiến triển. Hầu hết các bệnh nhân có nhiều lần tái phát, gây khó khăn làm việc, kết hôn, sinh con, sống một cách độc lập.

Còn BS. Thủy nhấn mạnh, bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt nếu can thiệp muộn dẫn nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu bệnh nhân tái phát nhiều lần dễ dẫn đến tổn thương não, thời gian điều trị kéo dài, khó điều trị, đáp ứng thuốc kém.

Việc can thiệp muộn, còn tăng nguy cơ bệnh nhân tự sát, ngoài ra, trong giai đoạn cấp, bệnh có thể hoang tưởng, ảo giác, dễ kích động dẫn tới có hành vi gây tổn hại đến người xung quanh, do luôn nghĩ “mọi người hại mình” hoặc “nghe tiếng nói sai khiến trong đầu”…

“Mặc dù được coi là bệnh loạn thần nặng, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, được khuyến khích chủ động đến khám đúng chuyên khoa và duy trì điều trị với sự đồng hành từ chính gia đình, các bệnh nhân tâm thần phân liệt hoàn toàn có cơ hội sống, làm việc như mọi người”, BS. Tuất khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.