Xã hội

Bệnh nhi sởi "chết oan" vì lây nhiễm chéo

23/04/2014, 06:54

Chưa tính đến nhiều bệnh nhi bị trả về vì không còn hy vọng cứu chữa, trong số hơn 100 trẻ đã tử vong ở Bệnh viện Nhi T.Ư, nhiều bé mắc sởi "chết oan" vì bị lây nhiễm chéo ...


Thoát bệnh tim, tử vong vì sởi

Hơn chục ngày qua, chị N.H (Gia Lâm, Hà Nội) như người mất hồn sau nỗi đau mất cô con gái 7 tháng tuổi. Con gái chị sinh ra vốn đã ốm yếu bởi căn bệnh tim bẩm sinh, hơn 2 tháng trước, chị đưa con vào Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư để điều trị bệnh. Sau hơn hai tháng điều trị, gia đình chị vui mừng vì kết quả khả quan, bé được các bác sĩ đồng ý cho xuất viện. Nhưng trước khi ra viện một ngày, bé bỗng sốt cao và nổi đầy ban đỏ. Sau hai ngày phát ban, bé được chuyển xuống Khoa Truyền nhiễm trong tình trạng tím tái, suy hô hấp và được xác định sởi đã gây biến chứng vào phổi. “Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác cháu nằm bất động trên tay tôi, căn bệnh tim hiểm nghèo, cháu còn vượt qua, mà bệnh sởi lại thình lình cướp mất cháu”, chị N.H thẫn thờ.
 

Trong ngày 21/4, cả nước ghi nhận thêm 51 trường hợp mắc sởi, đã có 3 trường hợp bệnh nhân nặng xin về (tại Bệnh viện Nhi T. Ư có 1 trường hợp và tại Bệnh viện Bạch Mai có 2 trường hợp). Như vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.481 trường hợp mắc sởi; 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. 

 

(Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Cũng trong tâm trạng đau đớn khôn cùng, chị T.H, mẹ bé Đ.K (7 tháng tuổi, Bắc Ninh) kể, bé Đ.K nhập Bệnh viện Nhi T.Ư để điều trị viêm phổi. Trong quá trình điều trị hai tháng tại đây, bé liên tiếp bị lây nhiễm sốt virus rồi sốt phát ban. Bé Đ.K bị sốt phát ban nhưng bác sỹ lại chẩn đoán là nhiễm sởi, và bé được chuyển xuống Khoa Truyền nhiễm. Sau 5 ngày điều trị ở Khoa Truyền nhiễm, Đ.K dứt sốt và được cho xuất viện. Thế nhưng sau 5 ngày về nhà, toàn cơ thể bé nổi đầy nốt đỏ và sốt cao liên tục, buộc bé tái nhập viện trong tình trạng cấp cứu với chẩn đoán sởi biến chứng gây suy hô hấp, buộc phải thở máy. Sau 16 ngày làm bạn với máy thở cùng hàng chục ống kháng sinh liều cao, bé đã ra đi.

Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư chiều 21/4, chỉ khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận thêm 5 trường hợp trẻ bị lây nhiễm chéo sởi từ các khoa khác trong bệnh viện chuyển về đây. Đứng chờ kết quả chụp XQ phổi của cậu con trai mới 8 tháng tuổi, anh M.H bần thần cho hay: “Con trai nằm viện điều trị viêm phổi được 14 ngày tại Khoa Miễn dịch, hai ngày nay bé sốt cao, chảy nước mũi và xuất hiện nốt đỏ trên bụng. Bé vừa được chuyển xuống Khoa Truyền nhiễm hôm qua do xác định đã nhiễm sởi”. Theo anh M.H, trong mấy ngày qua, chỉ riêng phòng bệnh của con trai anh có tới 6/10 trẻ đều có biểu hiện nhiễm sởi và lần lượt điều chuyển sang Khoa Truyền nhiễm này. Hầu hết các bé bị lây nhiễm bệnh sởi khi đang điều trị các bệnh khác tại bệnh viện, nên cơ thể đã yếu vì bệnh tật, khi bị “giáng” thêm “đòn sởi” thì dễ dàng gục ngã. 

Mẹ nguy kịch, con đi bú nhờ


Tại phòng bệnh 226, Khoa Truyền nhiễm, bé Huy (4 tháng tuổi) đang khóc hờn trước sự bất lực của người bác. Chỉ khi được mẹ bệnh nhân giường bên cạnh bế lên cho bú, bé mới dứt khóc. Bác bé Huy cho hay, cả Huy và mẹ điều nhiễm sởi. Mẹ Huy đang nằm điều trị ở tuyến tỉnh trong tình trạng nguy kịch, nên chỉ có bác trông nom Huy, vì bố bé còn phải chạy đi chạy lại giữa hai bệnh viện. “May mắn, ở đây các mẹ cùng hoàn cảnh nên thường cho thằng bé bú nhờ, còn ru ngủ giúp nữa. Đúng là hoạn nạn có nhau, sao dịch sởi tai ác quá, cả mẹ và con thơ bé tý đều nhiễm dịch hết thế này”, bác bé Huy đau xót.


Ở phòng bệnh bên cạnh, anh Hải (Bắc Ninh) đau đáu nhòm con qua khe cửa sổ, nơi bé Bách - con trai 6 tháng tuổi của anh đang được mẹ và ông nội bơm thuốc vào, nhưng đờm cứ trào ra, bé thở rít lên từng chặp nặng nhọc. Anh Hải cho hay, Bách mắc sởi và tự điều trị ở nhà mấy ngày nhưng không hiệu quả. Bé buộc phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư khi có biểu hiện biến chứng của sởi, sốt cao liên tục nhiều ngày không hạ nhiệt và suy hô hấp. Bách nằm đây gần chục ngày rồi nhưng vẫn phải thở máy. Bé sốt cao gần 400C nhưng tay chân thì lạnh ngắt, tím tái, đôi bàn tay bé tý cứ huơ huơ như muốn dứt tung ống thở trên mặt. “Cháu tiêm 4 ống Gamma rồi, em nghe bảo đó là thuốc hỗ trợ, tăng sức đề kháng cho trẻ, mất 30 triệu mà chưa kể ứng tiền viện phí nữa. Nhưng bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần cứu được con”, anh Hải nghẹn giọng. 


Giống như anh Hải, nhiều người thân của các bệnh nhi sởi trong kia len lén lau nước mắt, thở dài, có người cắn chặt ngón tay để kìm tiếng nấc... Ở trong phòng, các y tá, bác sỹ tất bật xung quanh các em bé nhiễm sởi. Mọi sự chú ý và nỗ lực cao độ đều đang dồn vào các em...

Vũ Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.