Y tế

Bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hóa

09/05/2019, 06:39

Nếu trước kia căn bệnh thoát vị đĩa đệm chỉ gặp ở người trung niên, người lao động nặng nhọc thì nay gia tăng xu hướng trẻ hóa...

img
Việc ngồi lì hàng giờ bên máy tính cũng là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm

19 tuổi đã phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Theo chia sẻ của TS. BS. Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và sọ não, BV ĐH Y Hà Nội, mới đây, các bác sĩ đã phẫu thuật cho 1 bệnh nhân nữ tên N.T.H (19 tuổi, sinh viên) với các triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh và gây ra hẹp ống sống là đau cột sống thắt lưng có tính chất cơ học. Trước đó, bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng thuốc và vật lý trị liệu 6 tuần đầy đủ nhưng không đỡ, triệu chứng nặng hơn. Khi chụp phim cộng hưởng từ thì thấy khối thoát vị lớn chèn ép trung tâm chiếm gần toàn bộ lòng ống sống, tiên lượng cuộc mổ khó khăn. Tuy nhiên rất may mắn, ca mổ thành công, bệnh nhân hết đau chân, không còn biểu hiện chèn ép rễ thần kinh, tuy nhiên còn bị tê bì chân một thời gian.

Hay trường hợp một nam bệnh nhân tên T. (40 tuổi, nhân viên văn phòng) nhập viện trong tình trạng đau dọc sống lưng không chịu nổi, bí tiểu, hạn chế đi lại. Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 2 năm, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện đau lưng khi ngồi và đứng trên 1 giờ, sau đó xuất hiện tê dần xuống đùi trái, cẳng chân trái phía bụng chân. Anh tự tập luyện thể dục ở nhà và uống thuốc Nam nhưng không đỡ mà đau chân thường xuyên hơn. Đi khám bệnh, anh T. được bác sĩ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm và cho dùng thuốc, hạn chế vận động thi đấu đối kháng và phải sử dụng đai nẹp mềm lưng. Với suy nghĩ cần rèn luyện thể thao, anh T. vẫn tập tennis, tuy nhiên trong một lần chơi gắng sức đột ngột đau cứng lưng, đau tê dọc từ lưng xuống chân đến gót chân và các ngón chân, tê bì vùng hậu môn sinh dục và hạn chế đi lại vì rất đau, bí tiểu. Được đưa đến bệnh viện, kết quả chụp phim cho thấy anh T. bị vỡ đĩa đệm gây thoát vị đĩa đệm cấp tính di trú khiến chèn ép đuôi ngựa phải mổ cấp cứu. Ca mổ thành công, bệnh nhân có thể đi lại bình thường sau thời gian ngắn phục hồi sau mổ.

Tuy nhiên, cũng không ít ca bệnh đến khi thấy có dấu hiệu đau lưng, cổ kéo dài và được thăm khám, tư vấn dùng thuốc cùng việc luyện tập nhẹ nhàng cũng đã mang lại hiệu quả điều trị.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Vũ cho biết: “Tại bệnh viện, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 550/2.500 bệnh nhân có liên quan bệnh lý xương khớp, trong đó có 30% là công chức và người trẻ chủ yếu bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống, cột sống cổ. Nguyên nhân khởi phát thoát vị đĩa đệm do chấn thương như bê vác vật nặng, với đồ trên cao, chấn thương do chơi thể thao, hoặc do tư thế sinh hoạt kéo dài như ngồi máy tính, cúi xem điện thoại cũng gây nên thoái hóa dẫn đến thoát vị đĩa đệm”.

Cẩn trọng bấm huyệt, dẫm lưng... khiến bệnh nặng hơn

“Đây là căn bệnh dễ mắc nhưng lại khó điều trị. Thoát vị đĩa đệm ngày càng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Rất nhiều trường hợp thoát vị đĩa đệm đã điều trị sai phương pháp, chẳng những gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị mà còn khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Trường hợp nặng có thể khiến người bệnh yếu liệt, không kiểm soát được khả năng tiêu, tiểu”, BS. Vũ cho biết.

Có nhiều sai lầm trong cách điều trị khiến bệnh nặng lên như: Đắp lá, dẫm lưng, ngải châm, bấm huyệt sai hay dùng ong đốt…

Theo BS. Vũ, nhiều bệnh nhân đã đến viện với tổn thương, máu tụ ngoài màng cứng tủy do điều trị bằng cách dẫm lưng khi đi massage; hoặc có ca vì tiêm thuốc chống viêm, vô trùng không tốt, gây nên áp-xe… Các ca này đều buộc phải can thiệp phẫu thuật. Việc dùng các liệu pháp vật lý trị liệu, hay Đông y có thể hỗ trợ được bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh làm tình trạng bệnh nặng thêm.

Theo BS. Vũ, có đến 80 - 90% bệnh nhân nếu chẩn đoán thoát vị đĩa đệm sớm và điều trị kịp thời sẽ khỏi bằng dùng thuốc có tác dụng giảm đau và giảm co thắt cơ bắp và vật lý trị liệu kết hợp thay đổi thói quen xấu ảnh hưởng đến cột sống.

Trong trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, bệnh nặng hơn thì cần được chỉ định điều trị ngoại khoa. Phẫu thuật giúp loại bỏ một đĩa đệm bị thoát vị khi người bệnh cảm thấy tê, yếu không vận động được, gây chèn ép thần kinh cấp tính... Chính vì vậy, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn, tập luyện và vật lý trị liệu... Không điều trị, tập luyện theo mách bảo, tránh được những hệ lụy.

“Riêng với người trẻ, đặc biệt là với công chức văn phòng hay những người có công việc thường phải ngồi nhiều, nên chủ động thay đổi thói quen xấu như ngồi lì hàng giờ bên máy tính bằng việc thay đổi tư thế sau mỗi 45 phút hoặc thực hiện bài tập vận động đơn giản như vươn thở, xoay đầu cổ hay nghiêng mình trên ghế cũng giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả”, ông Vũ khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.