Bạn cần biết

Bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm như thế nào?

04/03/2016, 13:49

Bệnh viêm não mô cầu là căn bệnh hiếm gặp, dễ lây lan và có thể tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.

phong-benh-viem-nao-mo-cau
Một ca viêm não mô cầu đang điều trị. (Ảnh: Người lao động)

Viêm não mô cầu có thể gây tử vong trong 24 giờ

Ngày 3/3, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận ca viêm não mô cầu đầu tiên ở Hà Nội. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bệnh viêm não, màng não do mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên.

Được biết, vi khuẩn não mô cầu có 4 nhóm chính: A,B,C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Loại vi khuẩn này trú ở vùng họng, mũi của người bệnh nên dễ lây truyền qua đường hô hấp.

Trao đổi với Zing News, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Tư vấn tiêm chủng vắc xin (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, mọi người đều có khả năng bị viêm màng não. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc nhất.

Triệu chứng của bệnh viêm não mô cầu là sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Bệnh viêm não mô cầu khó phát hiện sớm bởi những triệu chứng nói trên khá giống với bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường.

Vi khuẩn não mô cầu sẽ gây ra các thương tổn ở não khiến người bệnh mất khả năng nghe, học tập và có thể gây nhiễm trùng máu. Bệnh viêm não mô cầu có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn tật chỉ trong vòng 24 giờ vì bệnh tiến triển nhanh.

Ngoài ra, nếu người bệnh may mắn sống sót thì vẫn có thể chịu những di chứng nghiêm trọng như tổn thương não, giảm thính lực, phải cắt bỏ ngón tay, chân, hoặc cả chân tay.

Biện pháp phòng bệnh viêm não mô cầu

Theo ông Trần Đắc Phu, trong 5 năm qua, nước ta có 610 trường hợp viêm não mô cầu, có 25 ca tử vong. Trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 6 ca mắc khiến 1 người chết.

Để phòng bệnh viên não mô cầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.