Tâm sự

Bệnh viện GTVT căng mình chống dịch sốt xuất huyết

03/09/2017, 13:24

Trực 36 giờ, “không được quyền ốm”, xuyên trưa khám bệnh hay cả việc “hoãn cưới” là những chuyện về các y, bác sĩ...

82

Dù quá tải nhưng bệnh viện vẫn cố gắng đảm bảo bệnh nhân không phải nằm ghép

Y, bác sĩ “không được ốm”

Đồng hồ chỉ dần về 12h, trong phòng trực ban của Khoa Nội C1, BV GTVT, gần chục bác sĩ, điều dưỡng vẫn lút đầu với chồng bệnh án của bệnh nhân SXH để la liệt choán gần hết chiếc bàn họp. Mắt vẫn dán chặt vào màn hình theo dõi tình hình bệnh nhân mới nhập viện, BS CKII Vũ Tú Lệ, Trưởng khoa Nội C1 tranh thủ trao đổi nhanh: “Chỉ tính từ ngày 13/7 - 9/8, riêng khoa đã tiếp nhận điều trị 407 bệnh nhân SXH, vượt qua con số ghi nhận trong cả năm 2016 là 324 bệnh nhân. Đồng thời, thăm khám cho 1.762 bệnh nhân. Cho dù được tăng cường thêm 4 điều dưỡng từ khoa khác sang, nhưng với quân số 21 người vừa bác sĩ và điều dưỡng, hộ lý làm miệt mài 24/24h vẫn không hết việc”. BS. Lệ cũng cho biết thêm, khoa chỉ có 50 giường bệnh phục vụ điều trị nội trú, song hiện tại đang tiếp nhận 80 bệnh nhân. Để bệnh nhân không phải nằm ghép, khoa đã nhường cả phòng nghỉ của nhân viên để bố trí thêm giường bệnh.

Do nhân lực có hạn nhưng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân là việc không thế gác lại, nên các y, bác sĩ nơi đây vẫn bảo nhau “không có quyền được ốm”. Không những thế, chuyện riêng, chuyện gia đình đều phải gác lại để căng mình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

Mới phục hồi sau một tuần tự điều trị SXH ở nhà, BS. Nguyễn Phương Thảo đã cấp tốc quay trở lại công việc dù đầu óc còn váng vất. “Hôm đầu quay trở lại là nhận luôn lịch trực 36 tiếng đồng hồ (thường lịch trực 24 tiếng), tranh thủ vắng bệnh nhân nên tạm nghỉ mắt mà suýt ngã nhào khỏi ghế. Mặc dù chị em cùng khoa động viên nghỉ cho thật khỏe nhưng mình nghỉ, việc lại san lên vai đồng nghiệp”.

Còn với BS. Lệ có cậu con trai cũng bị SXH đúng giữa mùa dịch, song buộc phải phó thác con cho mẹ già, chỉ điều trị bệnh từ xa. Chị bảo: “Chắc con thương mẹ nên rất nhanh lành”.

Bác sĩ trẻ Cao Mỹ Hằng cũng sụt gần 4kg sau những ngày quay cuồng chống dịch. Ít ai rõ chuyện, cũng vì công việc “ngập đầu, ngập cổ” khiến ngày hẹn gặp giữa hai gia đình bàn chuyện chốt ngày cưới cứ bị trì hoãn liên tục. BS. Hằng cho hay: “Ông xã tương lai cũng là bác sĩ nên hoàn toàn thông cảm với công việc của mình. Chưa biết đến khi nào SXH mới hạ nhiệt”.

Đúng 12h, trước cửa phòng khám tại Khoa Nội C1 vẫn còn gần 30 chục bệnh nhân ngồi chờ tới lượt khám. BS. Lê Xuân Dũng cùng điều dưỡng Phạm Thị Thúy liên tục gọi tên bệnh nhân, theo dõi chỉ số xét nghiệm và dặn dò bệnh nhân cách thức chăm sóc và điều trị ở nhà. Trao đổi vội, BS. Dũng cho biết, từ sáng đến giờ đã khám cho hơn 100 bệnh nhân. Bữa trưa cũng tạm gác lại vì số bệnh nhân chờ khám vẫn kéo dài bên hành lang.

“Trực 24/24h tiếp nhận bệnh nhân SXH”

Trước tình hình cả Hà Nội đối mặt với dịch SXH, BV GTVT là đầu mối tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân đến từ quận Cầu Giấy, Đống Đa - vốn được coi là ổ dịch lớn. BS. Phạm Đức Huy, Phó giám đốc BV GTVT cho biết, số bệnh nhân đến khám với biểu hiện sốt tăng từ tháng 7 và tăng mạnh từ tháng 8.

Ngay tháng 7, Ban Giám đốc BV đã yêu cầu tất cả các bộ phận chức năng đồng loạt vào cuộc. Từ các phòng, ban tài chính, đến cung cấp dược, trang thiết bị, đến các khoa, phòng chuyên môn đều được huy động trực 24/24h, nhằm đảm bảo bệnh nhân đến khám bất kỳ thời điểm nào cũng được tiếp nhận chu đáo. BV mở thêm các phòng khám kể cả ngày nghỉ cuối tuần, để tiếp đón, phân luồng bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi mệt mỏi. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 150-200 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị, trong đó phần lớn bệnh nhân mắc SXH. “Bệnh nhân đông đến mức máy in lúc nào cũng nóng vì liên tục in kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân”, BS. Huy nói và cho biết thêm: “Chúng tôi quán triệt, không được để thiếu dịch truyền, thiếu thuốc, không để bệnh nhân phải nằm ghép trong quá trình điều trị. Chính vì vậy, nhân lực được huy động tối đa, tăng thêm giường bệnh, huy động sự tham gia của tất các các khoa từ Khoa Nội C1, C2, Nội thần kinh đến Hồi sức cấp cứu…”.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm virus SXH cho chính các nhân viên

y tế và người nhà bệnh nhân, BV cung cấp chăn, màn cho bệnh nhân. Đồng thời, cách 2-3 tuần phun thuốc diệt muỗi khắp BV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.