Chất lượng sống

Bệnh viện như ngôi nhà thứ hai

18/12/2016, 09:25

Công nghệ, kỹ thuật hiện đại, nhân viên y tế tận tình là cảm nhận của nhiều người bệnh chạy thận...

25

Các điều dưỡng đang thực hiện lọc máu cho người bệnh

Công nghệ, kỹ thuật hiện đại, nhân viên y tế tận tình là cảm nhận của nhiều người bệnh chạy thận tại Khoa Thận - Tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện GTVT T.Ư. Họ coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình trong suốt quá trình chữa bệnh tại đây.

Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh

Phải khoác áo blouse trắng, đeo khẩu trang y tế, thay dép, tôi nhẹ nhàng đi qua những người bệnh đang làm thủ tục để chuẩn bị vào ca chạy thận lọc máu. Hơn 16h chiều nhưng vẫn rất đông bệnh nhân. BS. Ths. Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện GTVT giải thích: “Các bệnh nhân lọc máu ca ba đấy, mỗi ca lọc máu thông thường từ 4 - 5 giờ. Vì vậy, trong phòng lọc máu phải đảm bảo nghiêm ngặt điều kiện vệ sinh, vô trùng”. Trong phòng lọc máu, hơn 20 người bệnh đang chạy thận nhân tạo, các điều dưỡng phải theo dõi sát sao từng người bệnh.

"Chạy thận nhân tạo đòi hỏi phải theo một lịch trình điều trị nghiêm ngặt, dùng thuốc thường xuyên và thường xuyên thực hiện các thay đổi trong chế độ ăn uống cũng như tuân thủ các chỉ định, yêu cầu khác về y khoa. Trong khi đó, phải điều trị lâu dài nên người bệnh rất dễ nản, không tuân thủ, thực hiện đầy đủ, bác sĩ, điều dưỡng phải thường xuyên nói chuyện, tư vấn, động viên người bệnh."

BS. Ths. Nguyễn Văn Hùng
Trưởng khoa Thận -Tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện GTVT

Bà Nguyễn Thị Tuyết (Đội Cấn, Hà Nội) phải chạy thận đã 18 năm, thì có đến 14 năm thực hiện tại Khoa Thận - Tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện GTVT. Bà bảo, đã từng chạy thận ở nơi khác, nằm 4 - 5 tiếng đồng hồ, thường phải có người nhà đi kèm để hỗ trợ ăn uống, thuốc men, vệ sinh, tuần ba lần như vậy, rất mất công, mất việc. “Nhưng vào đây thoải mái lắm, được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình nên không cần người nhà đi cùng”, bà Tuyết nói.

Còn bà Nguyễn Thị Quý (70 tuổi) cho biết: “Nhà ở xa, cuối phố Bà Triệu cơ. Bảo hiểm thì ở quận Hai Bà Trưng, hàng năm phải xin chuyển bảo hiểm về đây để lọc máu. Y tá, bác sĩ ở đây rất quan tâm tới bệnh nhân. Vì thế, hơn 15 năm nay, tôi không đi viện khác, làm luôn ở đây cho yên tâm”.

Đây chỉ là hai trong khoảng 150 người bệnh với 20 nghìn lượt lọc máu hàng năm được thực hiện tại khoa. Chị Lương Thị Hà, Điều dưỡng trưởng cho biết, đa số bệnh nhân là người già, suy thận mạn tính, phải điều trị lâu dài, lâu năm nên cũng mệt mỏi, khó tính, dễ cáu bẳn.

“Chúng tôi bảo nhau cố gắng nhẫn nại, kiên trì làm hài lòng người bệnh. Bị bệnh này họ đã mệt mỏi, tốn kém lắm rồi. Có trường hợp bệnh nhân không có người nhà đi cùng hay là người già cô đơn, khi lọc máu mệt mỏi, không muốn ăn, mình cũng phải động viên, hỗ trợ như mua đồ ăn, phục vụ thuốc men. Có trường hợp người bệnh hết tiền đi về, chúng tôi cũng biếu tiền để họ đi xe ôm hoặc xe buýt về”, chị Hà nói.

Công nghệ, kĩ thuật lọc máu hiện đại

BS. Hùng giới thiệu, Khoa Thận - Tiết niệu và Lọc máu được thành lập từ năm 2000 gồm Khoa nội thận khám, điều trị nội trú các bệnh lý về Thận - Tiết niệu và một Trung tâm lọc máu. Từ ngày đầu thành lập, khoa được xây dựng với chất lượng chuyên môn cao, chất lượng phục vụ tốt, đặc biệt về lọc máu, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận.

16 năm qua, các thiết bị, máy móc, công nghệ và kĩ thuật tiên tiến thường xuyên được đổi mới. Nếu ban đầu chỉ có 10 máy thận SY-01 của Nhật Bản. Chỉ 3 năm sau, đã thay bằng 20 máy NCU-11 của hãng Nippro, Nhật Bản với đầy đủ tính năng của máy thận hiện đại nhất. Đến nay, toàn bộ các máy thận nhân tạo cũ đã được thay bằng hệ thống máy mới của hãng Nikkiso - Nhật Bản, trang bị hệ thống trộn dịch trung tâm “Supply Center” với 25 máy đủ phục vụ cho 140 bệnh nhân. Máy này được trang bị thêm màng biofilter có khả năng lọc các yếu tố gây sốt (Pyrogen) của dịch lọc trước khi tiếp xúc với máu của bệnh nhân, nâng cao độ an toàn cho mỗi cuộc lọc máu.

“Đây là trung tâm được thành lập thứ hai về chạy thận lọc máu ở Hà Nội, được sự giúp đỡ của nhiều tập đoàn, trường Đại học Y khoa Nhật Bản và là đầu mối tiếp nhận các chương trình đào tạo (CME) của Hội Thận học Quốc tế (ISN) và Hội Thận học Nhật Bản (JSN) nên chúng tôi có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, người bệnh đến với khoa rất đông. Ngoài ra, khoa còn đào tạo hàng chục bác sĩ, điều dưỡng và kĩ thuật viên cho hơn 20 đơn vị y tế trong và ngoài ngành Giao thông”, BS. Hùng cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.