Xã hội

Bí ẩn làng đá cổ miền biên viễn

30/10/2021, 06:50

Phủ quanh làng là bức tường đá lớn bao bọc các ngôi nhà. Điều kỳ lạ, bức tường là những viên đá chồng lên nhau, không hề có vật liệu kết dính.

Nằm sát biên giới Việt - Trung, làng Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được bao bọc bốn bề là đá.

Đây là ngôi làng vô cùng độc đáo và lưu giữ nhiều điều bí ẩn của một vùng biên ải.

img

Làng đá Thạch Khuyên nhìn từ trên cao

Dựng tường đá chống phỉ

Từ TP Lạng Sơn vào đến làng Thạch Khuyên chỉ mất hơn 50km theo Tỉnh lộ 235, nhưng thời gian thì thường mất tới 2 giờ chạy ô tô.

Bởi con đường đầy rẫy “ổ voi”, “ổ trâu”, chỉ hai xe ngược chiều gặp nhau là phải dừng lại tránh, nhường đường cho từng xe một lách qua.

Ngồi sẵn trên những phiến đá đầu làng đón khách, ông Tàng Văn Hảo (64 tuổi), Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn cho biết, đường vào khó khăn, nên dù không xa TP Lạng Sơn và nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên, không khí rất đẹp nhưng cũng khó phát triển du lịch.

Cuộc sống ở Thạch Khuyên nhiều năm qua vẫn đa phần tự cung, tự cấp, sản phẩm đem được nguồn thu lớn nhất cho người dân nơi đây là hoa hồi.

Thạch Khuyên hiện có 115 hộ dân với 532 nhân khẩu, dân cư chủ yếu là đồng bào Nùng, chiếm 60% số dân của cả thôn. Khoảng 20% ngôi nhà ở đây còn giữ nhà trình tường (nhà đất), nhưng gần như hầu hết các nhà đều có tường đá xếp bọc vây quanh.

img

Ngôi nhà trình tường với hàng rào đá của người dân trong làng đá Thạch Khuyên

Phủ quanh làng là một bức tường đá to, dài nhất, bao bọc các ngôi nhà trong làng. Điều kỳ lạ, những bức tường đá này chỉ là những viên đá đặt chồng lên nhau, không hề có vật liệu kết dính.

Những phiến đá nhẵn thín hoặc phủ rêu phong đã tồn tại ở đây vài trăm năm.

“Tổng thể chiều dài của vòng tròn tường đá là hơn 1.000m. Bố tôi kể, ông sinh ra cũng đã có bức tường đá này rồi. Trước đây dân làng chăm chỉ làm ăn, lại được thổ nhưỡng tốt nên có nhiều lúa gạo, trâu bò, lợn gà.

Làng giáp biên nên nhiều nhóm thổ phỉ thường tập kích vào làng để cướp bóc. Vì vậy, dân làng xây lũy đá bao quanh để bảo vệ làng, chống thổ phỉ”, ông Hảo kể.

Bà Hà Thị Bê, người làng Thạch Khuyên kể thêm, nghe các già làng kể lại, ngày xưa nơi đây là điểm “nóng” của nạn thổ phỉ, bởi là địa bàn giáp biên, rừng núi heo hút, cư dân của làng thì không đông.

Mỗi lần thổ phỉ tràn vào cướp bóc, dân lo giữ được mạng sống, sau đó thì trắng tay vì chúng lấy sạch không chừa thứ gì. Rồi bà con lại cặm cụi gây dựng từ đầu trong cay đắng, lo lắng. Vì vậy, mới hun đúc được quyết tâm xây lũy đá của làng.

“Tôi cũng không hiểu sao các cụ kiếm được nhiều đá, đều là đá mồ côi chứ không phải đá tảng để xây được lũy đá đồ sộ đến vậy. Bởi nơi này xung quanh đồi núi nhưng nhiều đất hơn đá.

Nghe kể, xây lũy đá 4 năm mới xong. Khi xây xong thì thổ phỉ không tấn công vào làng được nữa vì tường đá có móng rộng 3m, chiều cao 5m, bên trên rào bằng gai tre, gai bồ kết.

Ngoài ra trên tường thành còn chuẩn bị nhiều đống đá to bằng củ đậu, hoặc bằng quả bưởi, quả dưa hấu, để khi bị phỉ tấn công thì bà con dân làng dùng đá đó để ném”, bà Bê cho hay.

“Chúng tôi lớn lên với đá, với những câu chuyện thổ phỉ tấn công và tường đá đã bảo vệ dân làng”, bà Bê tâm sự.

Nhà không cần khóa, mời rượu thay trà

img

Một góc làng đá Thạch Khuyên. Ảnh: VNN

Ký ức thổ phỉ tấn công với người dân Thạch Khuyên giờ đã xa vời. Nơi đây giờ bình yên, cuộc sống dường như tách biệt khỏi vòng quay của đồng tiền.

Anh Lương Văn Bạc - công chức văn hóa xã Xuất Lễ cho biết, quá khứ chống thổ phỉ oai hùng là vậy, nhưng tiếp xúc với người Thạch Khuyên nào cũng thấy hiền lành, ít nói và hiếu khách.

“Khách đến là mời khách uống rượu. Đàn ông ở Thạch Khuyên cũng như vùng này hay ngồi uống rượu.

Rượu nấu thủ công trong làng khá nhẹ, nên trong nhà người Thạch Khuyên thường có sẵn chai rượu, có khi còn không thèm nút vì có nút thì đằng nào rồi cũng phải mở ra, khách đến là mời thôi”, ông Hảo giải thích thêm.

Sau chén rượu đón khách, vị Trưởng thôn kiêm Bí thư đã giữ chức vụ hơn 30 năm qua mà chưa tìm được người thay thế, như cởi mở hơn.

Ông Hảo nhìn những bức tường đá rêu phủ, tâm sự, từ khi cuộc sống của người dân yên ổn không lo bị phỉ tấn công nữa, bà con trong làng đã bắt đầu lấy đá ở tường thành về để xây nhà, xây chuồng trại. Ông Hảo lo tường đá mai một trong thời gian tới.

“Hàng năm, xã và thôn vẫn tổ chức tuyên truyền, động viên các gia đình xếp những viên đá mới thay thế viên cũ hỏng, không lấy đá đi làm việc khác để góp phần gìn giữ lâu dài vẻ đẹp của làng đá.

Tuy nhiên, vẻ đẹp của làng đá cổ này vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một vì tốc độ xây dựng bê tông hóa theo nhu cầu phát triển kinh tế và nhà ở của dân làng”, ông Hảo thở dài.

Anh Bạc cho hay, trong công tác bảo tồn làng đá cổ Thạch Khuyên đang có những khó khăn nhất định.

“Do nguồn lực của xã hạn hẹp, làng cổ này vẫn chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo tồn và phát huy giá trị rất khó khăn.

Bên cạnh đó, các ngôi nhà cổ trình tường cùng các công trình bằng đá là sở hữu của các gia đình, họ có quyền sửa chữa, cải tạo để đảm bảo điều kiện cư trú nên chúng tôi cũng khó vận động họ giữ lại”, anh Bạc nói.

Theo anh Bạc, trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan làng đá; tham mưu cho huyện để có những chính sách, giải pháp bảo tồn những ngôi nhà cổ.

Đồng thời, sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân địa phương có ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản quý báu của làng đá.

“Gần đây, đã có nhiều đoàn khách đến với làng đá hơn, có cả khách du lịch quốc tế tìm vào làng đá để tham quan, họ vô cùng kinh ngạc khi biết rằng tường đá ở đây chỉ là những viên đá mồ côi xếp lại.

Tuy nhiên, làng đá chưa có cơ sở lưu trú, đường sá vào đây cũng khó khăn, nên khó níu chân khách lại lâu”, anh Bạc nói.

Thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát để xem xét, nghiên cứu khai thác tiềm năng du lịch và giới thiệu kết nối làng đá Thạch Khuyên với các điểm du lịch khác trong huyện. Huyện cũng đang xây dựng kế hoạch về bảo tồn và phát huy “Làng phòng thủ, nhà pháo đài - Làng đá Thạch Khuyên” trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.