Bạn cần biết

Bí ẩn virus gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

29/01/2016, 08:39

Virus Zika - loại virus lây truyền từ muỗi Aedes và gây dị tật ở thai nhi, có thể bùng phát thành dịch lớn.

1  Zika lan
Phun thuốc diệt muỗi để phòng virus Zika lan rộng.

Khuyến cáo tránh mang thai

Khi Rafaela Oliveira dos Santos, 20 tuổi, sinh đứa con thứ 2 vào tháng 10 năm ngoái, cô không tưởng tượng được những thách thức sẽ đến với mình. Con trai cô, Luiz Felipe, bị nhỏ đầu, một căn bệnh rối loạn thần kinh hiếm gặp với những tác động về thể chất và tâm lý lâu dài do có liên quan đến virus Zika. “Đầu tiên, tôi không lo lắng, vì bác sỹ nơi bệnh viện tôi sinh không nói với tôi có gì đó không ổn. Cho đến khi tôi xem tivi cũng là lần đầu tiên tôi nghe nói về virus Zika”.

Luiz Felipe chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp bị ảnh hưởng từ virus Zika trong những tháng qua ở Brasil. Giống như Santos, nhiều bà mẹ khác cũng bị ảnh hưởng, bởi họ sống trong các khu nhà tạm, gần các nguồn nước thải và rác thải trên mặt đất - môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát tán mầm bệnh.

Santos cho biết, cô sẽ tiếp tục đưa con mình đi vật lý trị liệu ba lần mỗi tuần trong thời gian đang nghỉ sinh: “Các bác sỹ nói, nó có thể bị mù, bị điếc, bị dị tật chân hay bị tổn thương não nghiêm trọng. Tình yêu dành cho con là động lực lớn nhất để tôi bên con và chăm sóc cho nó”.

Mới đây, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm virus Zika. Bệnh nhân là một trẻ sơ sinh tại bang Hawaii, bị phát hiện mắc chứng đầu nhỏ bẩm sinh. Người mẹ được xác nhận nhiễm virus Zika trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi cô sống tại Brasil.

Nhiều nước như: El Sanvador, Colombia, Honduras và Ecuador… đưa khuyến cáo phụ nữ nên tránh mang thai trong ít nhất vài tháng tới để ngăn ngừa khả năng gây dị tật thai nhi.

Huy động binh sĩ dọn môi trường, hợp tác điều chế vaccine

Kể từ khi được phát hiện đầu tiên tại Brasil vào tháng 5/2015, virus Zika lan truyền tới 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ. Tại Brasil, đã có 4.180 ca nghi nhiễm, 22/27 bang ghi nhận các trường hợp nhiễm loại virus nguy hiểm này. Kể từ tháng 9 năm ngoái, Brasil đã ghi nhận hơn 4.000 trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ, dị tật được xác định có liên quan tới việc các thai phụ bị nhiễm virus Zika (lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes).

Trong số các nước có dịch Zika, Colombia bị ảnh hưởng nặng nhất với 16.500 ca bệnh. Con số này có thể lên tới 600 nghìn cho tới tháng 7, do thời tiết nóng bất thường tạo thuận lợi cho muỗi sinh sản. Có khoảng 500 trẻ sơ sinh đã bị mắc bệnh đầu nhỏ và 1.090 phụ nữ có thai có nguy cơ cao nhiễm virus Zika. Colombia ngày 27/1 ban bố tình trạng báo động cả nước; 220 nghìn binh sĩ sẽ tham gia vào chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường và tuyên truyền phòng chống dịch tại 300 TP trên cả nước.

“Virus Zika phát triển trong não của trẻ và phá hủy các tế bào cấu trúc nên não bộ, qua đó tạo nên tật đầu nhỏ. Với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, việc nghiên cứu vaccine có thể mất đến vài năm trước khi được sử dụng rộng rãi”.

Bà Laura Rodrigues, Giáo sư dịch tễ họcViện Vệ sinh y tế London (Anh)

Không chỉ dừng lại ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, các trường hợp nhiễm Zika cũng phát hiện tại nhiều nước châu Âu trong hơn một tuần qua, bao gồm: Anh, Italia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Những người nhiễm bệnh chủ yếu là những người vừa trở về từ Mỹ La tinh. Tại Mỹ cũng vừa ghi nhận thêm ba trường hợp nhiễm virus Zika, đều vừa trở về từ các nước Mỹ Latinh. Chính quyền Mỹ ban hành cảnh báo đi lại đối với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Caribe và Mỹ Latinh.

Mới đây, một người Thái Lan làm việc tại Đài Loan đã bị ghi nhận nhiễm virus Zika, làm dấy lên quan ngại về một đợt dịch mới tại Đông Nam Á.

Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) sẽ triệu tập cuộc họp cấp Bộ trưởng y tế để tìm biện pháp đối phó. Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh CELAC tại Ecuador, Tổng thống Brasil Dilma Rousseff cho biết: “Chúng ta cần hợp tác với nhau để chia sẻ những hiểu biết cũng như những công nghệ chống virus hiệu quả nhất”.

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika. Viện Butantan tại Sao Paulo (Brasil) cho biết, có kế hoạch điều chế vaccine trong thời gian sớm nhất, mặc dù có thể sẽ phải mất 3 đến 5 năm.

Ngày 27/1, Cục Y tế dự phòng cho biết: Đến nay, Việt Nam chưa có báo cáo ghi nhận sự lưu hành của virus Zika. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập virus Zika vào nước ta là hoàn toàn có thể vì Việt Nam cũng có loại muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, thêm vào đó là nguy cơ từ sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Bộ Y tế thường xuyên liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam để nắm tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống; Đồng thời, đã có văn bản chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tiến hành giám sát và xét nghiệm xác định sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế khuyến cáo người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus Zika là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đối với phụ nữ có thai, virus để lại dị tật thai nhi với chứng teo não. Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Các đợt bùng phát virus Zika từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.