Pháp luật

Bị cứa cổ chết thảm do va vào xe chở tôn: Ai có lỗi?

03/09/2017, 11:18

Không thể vì lý do cuộc sống khó khăn mà bất chấp pháp luật để mưu sinh và rồi xảy ra những hậu quả...

va vao xe cho ton-bi cua co tu vong

Hiện trường vụ tai nạn khiến một người đàn ông bị tôn cứa cổ tử vong

Trước đó, vào khoảng 17h ngày 31/8, một người đàn ông điều khiển xe xích lô máy chở theo một số tấm tôn. Đến đoạn đường thuộc xóm 2, xã Yên Lộc, chiếc xích lô dừng lại để quay đầu. Đúng lúc này, ông Đông chạy xe không tránh kịp nên va vào và bị tấm tôn cứa trúng cổ. Nạn nhân ngã ra đường. Do bị tấm tôn cứa vào động mạch, khiến chảy nhiều máu. Dù nạn nhân được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được tin báo, CSGT Công an huyện Kim Sơn đã nhanh chóng có mặt bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Tài xế xích lô đang bị công an tạm giữ để phục vụ điều tra.

Qua vụ việc này, và một vài vụ việc tương tự xảy ra trước đó có thể thấy, cuộc sống mưu sinh của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn nên dẫn tới ý thức chấp hành luật giao thông còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc quản lý các phương tiện xe thô sơ vận chuyển hàng hóa ở các địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa có chính sách vận động người dân chuyển đổi nghề để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người tham gia giao thông. Tuy nhiên, không thể vì lý do cuộc sống khó khăn mà bất chấp pháp luật để mưu sinh và rồi xảy ra những hậu quả rất đau lòng.

Vụ tai nạn là một thực tế rất đáng báo động về tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nước ta hiện nay. Đây cũng là sự cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong việc buông lỏng quản lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông hàng ngày vận chuyển hàng hóa không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. 

Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. 

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

Như vậy theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì xe xích lô đều là phương tiện thô sơ giao thông đường bộ. Do đó, vụ tai nạn trên đường giao thông sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý tương ứng với nhóm tội phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Bộ luật hình sự 1999. 

- Nếu trường hợp xe xích lô chở tôn đang quay đầu trên đường mà xảy ra va chạm với xe máy thì người điều khiển xích lô được xác định có lỗi vi phạm:

+ Chuyển hướng không quan sát vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ: “Chuyển hướng xe khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác”.

+ Chở hàng hóa vượt quá giới hạn cho phép không có tính hiệu cảnh báo đã bi phạm Khoản 2 Điều 20 Luật giao thông đường bộ: Xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ “Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu”.

- Nếu trường hợp xe xích lô chở tôn đang dừng đỗ để chuẩn bị quay đầu xe (xe đang đứng im) mà xe máy va vào thì được xác định là lỗi hỗn hợp

+ Người điều khiển phương tiện thô sơ (xe xích lô) đã có lỗi vi phạm: Chở hàng hóa vượt quá giới hạn cho phép không có tính hiệu cảnh báo đã bi phạm Khoản 2 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ: Xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ “Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu”.

+ Người xe máy có lỗi thiếu chú ý quan sát đã đâm vào tấm tôn phía sau không che bọc an toàn.

Hậu quả chết người đã xảy ra nên cần phải xác định lỗi của các bên để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp nếu xác định xe xích lô đang dừng đỗ mà người điều khiển xe máy không quan sát đâm vào phía sau tấm tôn thì tùy theo tính chất, mức độ lỗi hỗn hợp có thể xử lý người điều khiển xe xích lô bằng biện pháp hành chính (lỗi chở hàng vượt quá giới hạn cho phép), hoặc truy cứu TNHHS theo khoản 1 Điều 202 BLHS 1999. Ở đây được xác định xe máy có lỗi thiếu quan sát đâm vào phía sau xe xích lô chở tôn.

Nếu trường hợp người điều khiển xe xích lô chở tôn không quan sát, không có cảnh báo và đảm bảo an toàn bất ngờ quay đầu xe va vào xe máy thì người điều khiển xe xích lô có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 1 Điều 202 BLHS 1999.

Theo quy định mới của BLHS 2015 (có hiệu lực từ 01.01.2018) về việc áp dụng các tình tiết có lợi cho người phạm tội, trong vụ việc tai nạn không may xảy ra này, nếu người lái xe xích lô bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình người Bị hại và người Bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể được cơ quan điều tra xem xét không khởi tố là cũng có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.