Xã hội

Bị cưỡng chế, chủ Resort Gia Trang - Tràm Chim kêu cứu lãnh đạo TP.HCM

06/11/2019, 14:11

Bà chủ Gia Trang - Tràm Chim Resort gửi đơn kêu cứu khi UBND TP.HCM yêu cầu cưỡng chế công trình này.

img
Hiện trạng công trình Gia Trang quán - Tràm Chim Resort

Sau khi ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, có văn bản yêu cầu khẩn trương xử lý tổ hợp công trình Gia Trang quán - Tràm Chim Resort (tại địa chỉ số 7/23E, tổ 7, ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM), chủ công trình là bà Trần Thị Minh Trang gửi đơn cầu cứu đến Thành uỷ, UBND TP.HCM đề nghị xem xét lại.

Bà Trang trình bày, công trình Gia Trang quán - Tràm Chim Resort nằm trên khu đất 8.000m2, do 7 hộ dân sang nhượng cho vợ chồng bà năm 1999. Lúc đó, trên đất có 2 căn nhà xây và 7 căn nhà lá, nhà ở, công trình trên đất. Năm 2003, vợ chồng bà Trang xây dựng, lập trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC. Năm 2005, họ ly hôn, bà Trang được chồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên theo hình thức “chồng tặng vợ”.

Năm 2006, bà Trang nghỉ chăn nuôi gia súc, gia cầm và tận dụng những công trình hiện hữu, làm thêm vách ngăn, cải tạo thành nhà ở cho công nhân. “Khi sữa chữa, tôi liên hệ UBND xã Tân Quý Tây để làm thủ tục xin phép, nhưng cán bộ địa chính xã chỉ dẫn nếu chỉ sữa chữa nội thất và ngoại thất thì không cần làm đơn. Thời điểm sửa chữa, đội trật tự đô thị huyện Bình Chánh xuống kiểm tra nhưng không xử lý vì chỉ sửa chữa nội thất, ngoại thất”, bà Trang trình bày.

Cũng theo bà Trang, năm 2011, bà xây dựng nhà ở không phép trên diện tích 98m2 và nhà rường gỗ có diện tích vi phạm 147,7m2 nên bị UBND huyện Bình Chánh xử phạt 2,5 triệu đồng. Sau đó, theo hướng dẫn của nhiều người, bà làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng 2 công trình trên nên được phép tồn tại (giấy phép số 107, GPXD-QLĐT, Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh cấp).

img
Công trình có nhiều hạng mục.

Tuy nhiên, diện tích 2 công trình được cấp phép trong giấy phép xây dựng nhỏ hơn diện tích thực tế 28,36m2. Bà Trang làm đơn xin phép chính quyền địa phương cho tồn tại diện tích vi phạm trên, khi nào Nhà nước cần sẽ tự ý tháo dỡ, và được chấp thuận. Đến năm 2015, công trình khác cạnh nhà rường gỗ của bà Trang có vi phạm với diện tích 74,75m2. Qua làm việc, UBND xã Tân Quý Tây xác định lại có 40m2 là diện tích xây dựng cũ, do đó diện tích vi phạm còn lại là 34,75m2. Trước sự chứng kiến của UBND xã, bà Trang tháo dỡ phần vi phạm này.

Tháng 8/2018, bà Trần Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND Tân Quý Tây kết hợp với Thanh tra Sở xây dựng TP.HCM lập biên bản, ra quyết định tháo dỡ công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng số 107 GPXD-QLĐT (1 căn nhà ở, 1 nhà rường gỗ). Trước quyết định này, bà Trang khởi kiện ra TAND TP.HCM và được toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phụ hậu quả của Thanh tra Sở xây dựng thành phố.

Ngày 13/9/2018, UBND xã Tân Quý Tây ra quyết định số 281 xử phạt hành chính một công trình khác của resort có nội dung: Chuyển mục đích đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp. Hiện trạng gồm công trình 1 - kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch mái tole diện tích 135,8m2 và công trình 2 - kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch mái tole diện tích 139,7m2. Ngày 15/10/2018, UBND xã Tân Quý Tây ra quyết định cưỡng chế 2 công trình này.

Khi bà Trang khiếu nại quyết định này, UBND Tân Quý Tây ra quyết định số 407 với nội dung: Qua kiểm tra thực tế, chủ đầu tư tháo dỡ công trình, xây dựng, sữa chữa lại trên nền hiện trạng cũ vị trí trước đây tại nhà hàng và hầm rượu. Pháp lý xây dựng: Công trình không có giấy phép, không được xây dựng trên đất nông nghiệp… Đến ngày 14/9/2019, Chủ tịch UBND Tân Quý Tây ra quyết định thu hồi quyết định 407 với nội dung: Ban hành chưa đúng trình tự thủ tục theo quy định...

Bà Trang khẳng định: “Việc lập biên bản cũng như ban hành các quyết định của Chủ tịch UBND xã Tân Quý Tây là trái luật hiện hành. Bởi lẽ, tại thời điểm bà Trần Thị Hải Yến chỉ đạo các cán bộ chuyên trách lập biên bản vi phạt hành chính, tôi hoàn toàn không có hành vi vi phạm chuyển mục đích đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp. Toàn bộ hiện trạng công trình Gia Trang quán - Tràm Chim Resort đều được hình thành, hiện hữu từ năm 2000 và được đưa vào sử dụng kinh doanh nhà hàng, khách sạn… từ năm 2013 cho đến nay”, Bà Trang khẳng định.

Bà Trang cho biết thêm, quá trình cải tạo các công trình hiện hữu có vi phạm và bà đã khắc phục, đồng thời xin tồn tại với những vi phạm nhỏ và được cấp có thẩm quyền chấp nhận.

Chủ tịch UBND Tân Quý Tây ra vô số biên bản xác lập không rõ mục đích, đi kiểm tra không lập biên bản. Không những thế, lãnh đạo xã này ra nhiều văn bản, ban hành quyết định, thu hồi quyết định “chóng mặt” với nội dung không thống nhất khiến tôi mơ hồ, cảm nhận rằng tôi đang bị trù dập. Điều này làm tôi liên tưởng đến vụ việc cà phê “Xin chào” từng xảy ra ở huyện Bình Chánh. Tôi tha thiết có cơ quan chức năng vào cuộc, thanh tra lại toàn bộ công trình Gia Trang quán - Tràm Chim Resort để chứng minh tính pháp lý”, bà Trang bức xúc.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan có văn bản yêu cầu khẩn trương xử lý tổ hợp công trình Gia Trang quán - Tràm Chim Resort, đề nghị Ban Nội chính Thành ủy chủ trì kiểm tra, xem xét việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thi hành các quyết định cưỡng chế, biện pháp khắc phục hậu quả của tòa án để kịp thời tổ chức thi hành quyết định hành chính có liên quan.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu huyện Bình Chánh kiểm điểm rút kinh nghiệm vì để công trình vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội quần chúng nhân dân mà không xử lý triệt để cũng như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. UBND TP cũng giao cho huyện Bình Chánh khẩn trương xử lý, tổ chức cưỡng chế ngay toàn bộ công trình; xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, không kịp thời xử lý nghiêm công trình vi phạm.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ cho Ban Nội chính Thành ủy khi có yêu cầu; khẩn trương đề nghị Thẩm phán Tòa án nhân dân TP thụ lý xét xử xem xét, thay đổi hình thức ngăn chặn thi hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm của Chánh Thanh tra Sở; kiểm tra các hành vi vi phạm bị bỏ lọt (nếu có) và xử lý nghiêm minh; phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Bình Chánh để xử lý, cưỡng chế công trình vi phạm nêu trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.