Xã hội

Bị đe dọa hành hung, nhà báo bảo vệ mình bằng gì?

13/06/2015, 18:30

Các phương án giúp nhà báo bảo vệ mình trong trường hợp bị hành hung, cản trở khi tác nghiệp.

DSC01364
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (phải), Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh khuyên các nhà báo nên tự biết bảo vệ mình.

Trong những năm qua, có nhiều vụ phóng viên, nhà báo bị hành hung, cản trở trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, không hề có cơ quan nào thống kê, và chỉ có rất ít vụ có thông tin xử lý.

Gần đây nhất, 2 PV Báo Giao thông đã bị đánh, cướp máy quay trong khi tác nghiệp; một phóng viên của báo điện tử Dân trí bị lăng mạ, xỉ nhục khi liên hệ qua điện thoại.

Như vậy, làm thế nào để bảo vệ nhà bảo trong quá trình tác nghiệp? Hay chính nhà báo phải tự bảo vệ mình trước những tình huống bất ngờ?

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh) chia sẻ trong tọa đàm “Cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp” sáng nay 12/6, tại Khuyên Club do Diễn đàn Nhà báo trẻ tổ chức rằng trong những tình huống bất ngờ khi khác nghiệp, nhà báo cần tự mình bảo vệ mình trước.

Cụ thể: Khi nhà báo tác nghiệp bị hành hung, cản trở thì cần cố gắng làm sao để chính quyền, công an nơi đó xử lý trực tiếp, có nhà báo và đối tượng hành hung.

Ngay sau đó, cần phải có biên bản của vụ việc. Ví dụ: Anh A, chị B tại xã, thôn này đã có hành vi gây rối, cản trở, hành hung nhà báo… Nhà báo phải yêu cầu công an địa phương lập 2 biên bản và bản thân giữ lại 1 biên bản.

Theo ông Truyền, những việc làm nói trên nhằm tạo sự kiện pháp lý. Bởi vì nếu như sự việc qua đi và sau đó nhà báo mới quay lại thì mọi chuyện sẽ bị quên lãng.

Sau khi có biên bản vụ việc của cơ quan công an, nếu bị hành hung, nhà báo cần đưa đến ngay bệnh viện để giám định thương tật. Biên bản giám định thương tật và vụ việc là chứng cứ pháp lý quan trọng để xử lý sau này.

“Nếu không có sự kiện, chứng cứ pháp lý thì sự việc sẽ rất nhanh bị quên lãng và khó khăn cho khi xử lý sau này” ông Truyền nói.

“Biên bản có thể do người dân làm chứng ký, nếu mời được chính quyền xã, huyện lập biên bản thì tốt nhất. Bạn cần chính quyền cần xác nhận là có vụ việc như thế, bạn bị thiệt hại thế này, bị đánh đập thế kia...” luật sư Truyền khuyên.

Ông Truyền cho rằng, các nhà báo chưa thực sự biết tự mình bảo vệ mình, khi xảy ra vụ việc, 10 người thì đến 9 người tìm đến công an, như thế sai quy trình vì công an không việc gì cũng có thẩm quyền xử lý.

Đơn vị, người bảo vệ nhà báo bị cản trở tác nghiệp là chính quyền, báo, bộ chủ quản… và việc gửi công văn đến các bên liên quan, thông tin trên báo, đài.

Ngoài ra, ông Truyền cũng kiến nghị nên đưa thêm 1 tội danh là “Cản trở tác nghiệp của phóng viên báo chí”. Theo ông Truyền, chỉ cần có một điều quy định về những tội xâm phạm đến quyền tác nghiệp báo chí thì nhà báo sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Chia sẻ thêm về cách giải quyết của Báo Giao thông khi phóng viên bị hành hung, Luật sư Truyền cho rằng nếu cơ quan báo chí nào cũng làm tốt như vậy thì phóng viên sẽ yên tâm cống hiến và có những bài viết hay hơn, hết mình hơn với nghề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.