Điều tra

Bị đề nghị điều tra "làm lộ bí mật", doanh nhân Ngô Nhật Phương nói gì?

02/10/2019, 18:45

Doanh nhân Ngô Nhật Phương khẳng định: "Tài liệu của tôi không có dấu mật và tôi có trước khi Bộ Y tế Việt Nam có".

img
Doanh nhân Ngô Nhật Phương

Ông Ngô Nhật Phương (59 tuổi, ngụ tại P.12, quận Tân Bình, TP.HCM) được xác định là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án VN Pharma. Nhưng ông cũng là người “bị” VKS, TAND TP.HCM đề nghị chuyển hồ sơ đến CQĐT để làm rõ việc “làm lộ bí mật nhà nước”.

Ngày 2/10, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Ngô Nhật Phương xung quanh vấn đề này.

Tham gia với tư cách là người làm chứng, người có nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan, xin ông cho biết Vụ VN Pharma liên quan đến ông thế nào?

Cách đây gần 2 năm, khi đang công tác tại Phrom Pênh (Campuchia) tôi gặp một số người bạn Ấn Độ, trong đó có ông Subrata Kumar Burman (thành viên cao cấp của hiệp hội dược Ấn Độ). Họ chào tôi một số mặt hàng Ấn để bán sang Việt Nam nhưng tôi từ chối vì lí do hàng Ấn giờ không có uy tín tại Việt Nam. Bằng chứng tôi đưa ra là thông tin báo chí đang đăng vụ án thuốc ung thư giả mà VN Pharma bán.

Đến lúc này, những doanh nhân Ấn Độ giải thích, vụ án này Hiệp hội dược Ấn Độ, những người kinh doanh dược và các cơ quan chức năng Ấn Độ rất quan tâm. Bởi vụ án có nguồn gốc hàng hoá từ Ấn Độ. Nếu nói là hàng giả, kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành dược Ấn Độ và việc kinh doanh của họ trên toàn cầu. Họ nói thuốc H -Captita được sản xuất từ nhà máy uy tín đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP của WHO.

Sau đó họ đã chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ đạt chuẩn, bao gồm cả giấy xuất hàng, tờ khai hải quan, tem kiểm tra hải quan, tem vận chuyển về Singapore khớp với hồ sơ vận chuyển từ Singapore về Tân Sơn Nhất.

Họ nói, muốn làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam để đưa hồ sơ, nhưng tôi có việc phải ở Campuchia thêm một thời gian nên không giúp họ được. Tôi nói họ cứ về Sài Gòn, tôi sẽ cho nhân viên phiên dịch đưa họ lên gặp CQĐT trên đường Nguyễn Trãi Q.1. Khi lên đây, thì được báo hồ sơ chuyển lên TAND TP, họ lại phải tiếp lên TAND TP gặp thư ký để gửi tài liệu.

Sau này, bản án sơ thẩm vụ VN Pharma lần đầu tiên bị hủy, Cơ quan an ninh điều tra lại gọi 2 thông dịch viên của tôi lên. Họ nói do tôi nhờ phiên dịch nên công an tiếp tục triệu tập tôi lên. Và tại phiên toà lần này tôi đến với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Vậy do đâu ông có các tài liệu được đánh giá là “mật”?

Tôi là một doanh nhân kinh doanh đa ngành, trong đó có dược suốt hàng chục năm qua. Tôi và nhóm anh em có mua hàng Ấn Độ rất nhiều để xuất sang Nga và các nước Đông Âu, các thị trường Campuchia, Lào. Cũng tôi đang cùng một số doanh nhân Ấn Độ đang đầu tư rất lớn để xây dựng một Tổ hợp dược theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu tại Việt Nam nhằm xuất khẩu đến các thị trường châu Âu và Mỹ. Dự kiến khu Tổ hợp này năm 2021 sẽ hoàn thành, nên tôi có quen biết hàng chục bạn hàng là các công ty dược ở Ấn Độ như: công ty Mylan, Intas, Hetero...

Trong quá trình làm việc, họ nói với tôi về nội dung và tài liệu đã nộp lên cơ quan điều tra của Việt Nam, là các tài liệu từ Bộ nội vụ Ấn Độ, Bộ Y tế - Ấn Độ và Cục dược Ấn Độ. Sau đó tôi có xin vài bộ. Họ cũng nói Bộ y tế Việt Nam yêu cầu đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ giúp đỡ để họ đi kiểm tra và bàn giao hồ sơ đầy đủ để chứng minh lô hàng này sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals và chuyển lên đại sứ quán Việt Nam để hợp pháp hóa lãnh sự. Và sau này, Thanh tra Chính Phủ khi tiến hành thanh tra Bộ Y tế đã kết luận và công khai nội dung cũng đúng như hồ sơ và đơn kiến nghị phía Ấn Độ ban đầu.

Tài liệu của tôi không hề liên quan đến của Bộ Y tế (Việt Nam), các tài liệu được công chứng và không có dấu mật. Việc hợp pháp hóa tài liệu của đại sứ quán Ấn Độ là công khai minh bạch, có danh mục và có trên mạng, ai tra cũng được. Hơn nữa, các tài liệu này đã được công chứng tại Việt Nam. Đối chiếu với các qui định, các văn bản pháp luật còn hiệu lực, thì hoàn toàn không vi phạm. Thực chất đó không phải là tài liệu mật, chỉ có công văn của Bộ Y tế phát ra sau đó chuyển đi là công văn mật. Nhưng hồ sơ tôi có trước Bộ Y tế.

Là một doanh nhân kinh doanh đa ngành, trong đó có lĩnh vực dược phẩm nhiều năm, ông định về vụ VN Pharma?

Tôi cho rằng bản chất vụ án chỉ có một. Lô hàng 9.300 hộp H-Capita 500ml được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals của Ấn. Thuốc có hồ sơ sản xuất và kiểm nghiệm thuốc mẫu còn lưu giữ tại nhà máy theo qui định GMP của thế giới, có phần mềm lưu trữ. GMP là quy định của thế trong quản lý bắt buộc đối với các nhà máy dược phẩm trên toàn cầu.

Mọi người đến nhà máy của tôi, chỉ cần đọc tên thuốc, chỉ sau 2 phút có thể truy xuất được toàn bộ thông tin, hồ sơ đầy đủ theo chuẩn GMP. H-Capita cũng có hồ sơ đầy đủ, đạt tiêu chuẩn xuất xưởng, có tờ khai hải quan, tem kiểm tra hải quan, phiếu vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore và xác nhận của cơ quan vận chuyển từ Singapore về Việt Nam, tờ khai hải quan tại sân bay Tân Sơn Nhất. Các tài liệu liên quan còn lưu giữ tại nhà máy, Cục Quản lí dược, phòng thương mại và công nghiệp Ấn.

Thuốc H-Capita sản xuất tại Ấn Độ nhưng về Việt Nam lại gán mác Canada với mục đích gì?

Quy định của Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế xây đã dựng giá đấu thầu thuốc các nhóm thuốc. Nhóm thuốc có nguồn gốc từ Canada là nhóm 1 và thuốc Ấn Độ thuộc nhóm 5 (giá thấp hơn) chênh lệch giữa hai nhóm thuốc này từ 3-5 lần. Vì thế những bị cáo trong vụ án này làm giả hồ sơ để đăng ký nhập hàng Ấn Độ thành Canada.

Mục đích lừa dối Cục Quản lý dược, lừa dối bảo hiểm, lừa dối người bệnh để kiếm tiền. Việc kiếm tiền trên xương máu bệnh nhân cần được trừng trị thích đáng. Nhưng tôi cho rằng cần rõ ràng về thông tin để tránh sự hoang mang trong dân chúng. Thuốc giả về nhãn mác khác với thuốc giả về chất lượng.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.