Tài chính

Bị gán tài sản giá cao, trái chủ thành con nợ

14/03/2023, 06:30

Thay vì được chuyển đổi ngang hoặc lấy tài sản tương ứng khoản gốc, lãi, trái chủ lại phải nộp thêm tiền mua tài sản và trở thành con nợ.

Trái chủ lo nộp thêm tiền?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08, cho phép doanh nghiệp trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản. Quy định này được các chuyên gia kinh tế, bất động sản nhận định phù hợp với thực tế hiện nay; giúp gỡ khó cho doanh nghiệp trước khoản nợ trái phiếu đến hạn của toàn thị trường có giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đến nay, một số doanh nghiệp đã thông tin về kế hoạch trả khoản đầu tư trái phiếu bằng tài sản. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đang gây khó, “biến” trái chủ thành con nợ khi yêu cầu trái chủ nộp thêm tiền mua tài sản.

img

Dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas Chương Mỹ được Egroup thông tin giá bán 12,5 tỷ đồng, trái chủ được gán nợ 6 tỷ đồng, đóng thêm tiền vào 6,5 tỷ đồng

Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup của Shark Thủy gạt nợ sang bất động sản. Theo đó, Egroup thông tin đã làm việc với các đối tác và chọn ra hai dự án bất động sản với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất.

Cụ thể, một dự án tại Thanh Hóa, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á, đang có 75 lô đất, diện tích từ 100 - 194m2, giá bán đổ đồng là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được gạt nợ 100 triệu đồng, phải vào thêm tiền 200 triệu đồng.

Tương tự với 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Chương Mỹ, Hà Nội, Egroup thông tin, nhà đầu tư được gạt nợ 6 tỷ đồng và phải đóng thêm vào 6,5 tỷ đồng để sở hữu biệt thự 12,5 tỷ đồng.

Chị V.T.Đ (quận Long Biên, Hà Nội), nhà đầu tư trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản cho biết, doanh nghiệp chị đầu tư trái phiếu trước đó cũng có thông báo, nhà đầu tư được lựa chọn 2 phương án: Gia hạn thanh toán tối đa 12 tháng khoản tiền gốc, áp dụng lãi suất cố định 13%/ năm.

Hoặc chuyển đổi sang mua, sở hữu bất động sản. Tỷ lệ chuyển đổi tối đa 70% giá trị bất động sản tại TP.HCM, 50% giá trị bất động sản tại Hà Nội. Có nghĩa, khách hàng phải đóng thêm tiền tương ứng 30 - 50% giá trị tài sản.

Ví dụ, với căn hộ được định giá khoảng 3 tỷ đồng tại TP.HCM, trái chủ được chuyển đổi 70% giá trị căn hộ, tương ứng 2,1 tỷ đồng, còn lại phải đóng thêm vào 30%, tương ứng 900 triệu đồng nữa để sở hữu căn hộ.

Nếu căn hộ tại Hà Nội, cũng được định giá 3 tỷ đồng, trái chủ chỉ được chuyển đổi 50%, ương ứng 1,5 tỷ đồng và phải đóng thêm 1,5 tỷ đồng để sở hữu căn hộ.

“Số tiền tôi đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, thừa để mua 1 - 2 căn hộ. Nhưng họ không cho đổi ngang 100% mà chỉ cho tối đa 50 - 70%. Nếu đổi ngang được hoặc tài sản dưới giá trị đầu tư thì tôi chấp nhận nhưng họ lại yêu cầu đóng thêm tiền. Bây giờ làm gì còn đồng nào mà bổ sung, không lẽ lại đi vay nợ để lấy lại khoản đầu tư chính đáng của mình?”, chị Đ. bức xúc.

Để có thông tin đa chiều, PV Báo Giao thông đã liên hệ, gửi nội dung làm việc đến Egroup nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trách nhiệm cuối cùng thuộc về doanh nghiệp

Bên cạnh việc hạn chế tối đa giá trị chuyển đổi, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tài sản trả trái phiếu còn được định giá cao hơn so với giá bán thị trường.

Cụ thể, sau thông tin Tập đoàn Egroup bán đồng giá 75 lô đất tại Thanh Hóa với 300 triệu đồng, trên nhóm diễn đàn mua bán nhà đất, nhà đầu tư T.A cho rằng, những lô đất tương tự như vậy ở Thanh Hóa chỉ có giá thị trường dao động 100 - 150 triệu đồng/lô, thấp hơn 1/2 so với giá Egroup đưa ra.

Trong một nhóm mua bán nhà đất Thanh Hóa, môi giới tên H. cũng đang chào bán nhiều lô đất thổ cư phân lô, được quảng cáo cũng ở gần những lô đất của Shark Thủy nhưng chỉ bán với giá 120 triệu đồng/lô.

Tương tự, trong vai nhà đầu tư, PV Báo Giao thông tìm mua biệt thự tại Wyndham Sky Lake Resort & Villas Chương Mỹ, dự án đang được Egroup thông tin chuyển nợ với giá 12,5 tỷ đồng.

Liên hệ theo số điện thoại bán hàng, PV được một nhân viên môi giới xác nhận giá bán biệt thự đang “cắt lỗ” chỉ còn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên hợp đồng vẫn ký giá bán từ 12,5 - 13 tỷ đồng/căn. Khách hàng vào tiền cọc ngay khoảng 300 triệu đồng và thanh toán 10 tỷ đồng trong 1 tháng…

Trước hiện tượng đẩy khó về phía trái chủ, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần cân nhắc, tìm tiếng nói chung, bởi quyền quyết định cuối cùng vẫn là trái chủ. Nếu trái chủ không đồng ý với những thoả thuận doanh nghiệp đưa ra thì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Nhà đầu tư có quyền từ chối, khởi kiện

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho hay, nếu như trái phiếu có tài sản đảm bảo, khi doanh nghiệp không trả được nợ thì trái chủ sẽ được thanh lý tài sản đảm bảo thu hồi khoản đầu tư. Ngược lại, những trường hợp nói trên rơi vào trường hợp trái phiếu không có tài sản đảm bảo, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do đó ông Hải cho rằng, hai bên cần đàm phán để có tiếng nói chung. Doanh nghiệp cố gắng thực hiện nghĩa vụ, không để mất uy tín trên thị trường. Đồng thời, các trái chủ phải thẳng thắn đối diện rủi ro, tính toán để thu lại được khoản đầu tư của mình.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, theo Nghị định 08, quyền quyết định cao nhất vẫn là trái chủ.

Nếu doanh nghiệp dựng quá nhiều rào cản, trái chủ không đồng tình thì trách nhiệm cuối cùng vẫn là doanh nghiệp. Do vậy, hai bên cần ngồi lại, đưa ra những giải pháp phù hợp.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Property Guru Việt Nam làm rõ thêm, quy định mới vẫn bảo vệ quyền lợi của trái chủ khi cho phép các trái chủ được quyền quyết định, cho dù có hơn 65% lượng trái phiếu được nắm giữ bởi các trái chủ khác đồng ý với những thay đổi điều kiện và điều khoản của trái phiếu.

Điều này tác động tích cực trong việc giữ niềm tin của các trái chủ đối với thị trường trái phiếu trong điều kiện khó khăn của thị trường hiện nay.

Trong khi đó Bộ Tài chính cho hay, theo Nghị định 08 thì thỏa thuận dựa trên sự đàm phán giữa 2 bên và phải được trái chủ đồng ý. Bộ Tài chính không làm trọng tài vì cơ chế tự vay, tự trả.

Nếu doanh nghiệp cố tình làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi không đàm phán được, đến kỳ hạn doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán như thỏa thuận. Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì trái chủ có quyền khởi kiện.

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm tối đa 2 năm và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup nhận định, trong hơn 300.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 thì chủ yếu là trái phiếu bất động sản. Thực tế trong 62 lô trái phiếu chậm thanh toán lãi và gốc thì cũng có tới 70% là trái phiếu bất động sản.

Nghị định 08 được kỳ vọng sẽ giúp thực hiện tái cấu trúc nợ, tạo quy định cụ thể để nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể đàm phán giãn, hoãn nợ trái phiếu một cách nhanh chóng và quyết liệt hơn.

Đặc biệt, trong đó có vấn đề tái tài trợ cho trái phiếu doanh nghiệp dựa trên tình trạng pháp lý, tính khả thi về thị trường căn hộ và các điều khoản mới bao gồm cả lãi suất ở mức hợp lý cho cả hai bên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.