Pháp đình

Bi hài chuyện huyện kiện xã đòi 3 tỷ, Chủ tịch tỉnh phải đối thoại với dân

09/05/2020, 06:37

Sau nhiều lần đòi nợ 3,1 tỷ đồng không được, UBND huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, sẽ kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa.

img
Trụ sở UBND xã Thiệu Công

“Bước đường cùng”, chính quyền xã này cũng 2 lần đâm đơn kiện cán bộ cũ ra tòa mong lấy được tiền “tham nhũng” trả nợ.

Chủ tịch tỉnh phải về đối thoại với dân

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trịnh Duy Sở - Chủ tịch UBND xã Thiệu Công (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ năm 1997 - 2004, UBND xã Thiệu Công đã tự ý thu tiền hợp thức hóa đất ở trước năm 1980 của hàng chục hộ dân trên địa bàn với số tiền 1,7 triệu đồng/hộ. Sự việc sau này bị vỡ lở khi nhiều người đóng tiền nhưng không được cấp sổ đỏ đã làm đơn khiếu nại. UBND huyện Thiệu Hóa, Công an huyện Thiệu Hóa cũng đã vào cuộc.

Cụ thể, năm 1997, UBND xã Thiệu Công có chủ trương lập đoàn tiến hành đo đạc, kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng đất ở của nhân dân trong phạm vi toàn xã và lập danh sách những hộ vi phạm xây nhà trái phép để xử lý vi phạm hành chính. Việc thu tiền làm nhà trái phép của nhân dân được thực hiện từ cuối năm 1997 đến tháng 8/2006 với tổng số tiền đã thu là 145,247 triệu đồng. Trong đó xác định có 79 hộ dân với số tiền thu gần 120 triệu đồng.

Khi cơ quan CSĐT Công an huyện Thiệu Hóa vào xác minh thì các loại sổ sách, chứng từ lưu trữ tại UBND xã Thiệu Công từ năm 1997 - 2006 chỉ có 7,1 triệu đồng thể hiện thu ngân sách, còn lại không thể hiện đưa vào quản lý, thu chi trong ngân sách của xã cũng như tại Kho bạc Nhà nước và Phòng Tài chính huyện.

Cơ quan chức năng xác định những ông: Trịnh Đình Thai (Chủ tịch UBND xã bấy giờ); Nguyễn Văn Hòng (cán bộ địa chính); Lê Văn Nghệ (cán bộ thủ quỹ); Tạ Quốc Hương (cán bộ thuế) và Trịnh Văn Minh (cán bộ kế toán) có đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Căn cứ tại Bộ luật Hình sự, tội danh này có khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ luật Hình sự, các hành vi phạm tội của các cá nhân nói trên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng). Bởi những hành vi của các cá nhân trên thực hiện từ năm 1997 - 2006 và được phát hiện năm 2018.

Vì vậy, dù việc xử lý kỷ luật Đảng, cách chức vụ cũng được thực hiện nhưng quyền lợi của người dân không được giải quyết thỏa đáng, vì thế trong năm 2018 nhân dân xã Thiệu Công đã nhiều lần kéo xuống trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa khiếu nại, khiến ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phải về địa phương đối thoại với dân.

Sau cuộc đối thoại ngày 26/12/2018, ông Xứng đã yêu cầu UBND xã Thiệu Công phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền trên cho dân theo lãi suất tiền vay ngân hàng chậm nhất trước ngày 7/1/2019. Tổng số hộ phải hoàn trả là 79 với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.

Do không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để hoàn trả lại tiền cho 79 hộ dân, ngày 5/1/2019, UBND xã Thiệu Công đã có văn bản (được sự thống nhất giữa Đảng ủy, HĐND, UBND xã) trình Chủ tịch UBND xã huyện Thiệu Hóa xin tạm ứng 3,1 tỷ đồng từ ngân sách huyện để trả cho dân. UBND xã Thiệu Công cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền trên cho huyện trước ngày 30/6/2019.

Huyện kiện xã, xã kiện… cán bộ cũ

img
Các văn bản chỉ đạo, tài liện liên quan đến khoản nợ 3,1 tỷ đồng

Theo cam kết của UBND xã Thiệu Công sẽ trả tiền cho UBND huyện vào ngày 30/6/2019 nhưng tới nay, xã Thiệu Công không có tiền để trả dù UBND huyện Thiệu Hóa đã nhiều lần có văn bản đốc thúc, yêu cầu UBND xã Thiệu Công thực hiện việc trả 3,1 tỷ đồng.

Theo công văn ngày 22/4/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện của UBND xã Thiệu Công là yêu cầu về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính được quy định Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 66, thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả thuộc cơ quan đã chi trả bồi thường nhưng UBND xã Thiệu Công không cung cấp tài liệu chứng cứ gì thể hiện trách nhiệm hoàn trả. Vì thế TAND huyện Thiệu Hóa trả lại đơn khởi kiện là đúng quy định.

Trả lời Báo Giao thông, ông Trịnh Văn Súy - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: “Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu xã Thiệu Công đòi nợ những cá nhân vi phạm trước đó và hoàn trả cho huyện nhưng đến nay xã vẫn không trả, buộc chúng tôi phải phong tỏa một số các khoản chi cho xã.

Tới đây, nếu Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho xã lùi thời gian trả nợ thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện để xã có thời gian tìm nguồn trả lại 3,1 tỷ đồng cho ngân sách huyện. Nếu tỉnh không đồng ý, mà xã không chịu trả thì chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa, không còn cách nào khác”, ông Súy nói.

Khi được hỏi đây có phải là trường hợp hi hữu khi mà huyện lại đòi kiện xã thì ông Súy cho hay: “Tôi thấy bình thường. Như các nước trên thế giới, việc kiện tụng xảy ra nhiều, nên việc huyện kiện xã ra tòa cũng không ngoại lệ. Có như thế, huyện mới buộc trách nhiệm xã phải thực hiện trả tiền ngân sách cho huyện”.

Bối rối trước nguy cơ bị kiện, Chủ tịch UBND xã Thiệu Công Trịnh Duy Sở cho biết, đúng là xã đang nợ UBND huyện số tiền 3,1 tỷ đồng nhiều tháng qua nhưng không có tiền để hoàn trả. Số tiền vay này để giải quyết khoản tiền mà lãnh đạo xã tiền nhiệm thu trái quy định của người dân. Tuy nhiên, sau khi trả nợ, xã không đòi được tiền của những lãnh đạo trước nên không có tiền để trả cho huyện.

“Rất nhiều lần, xã đến hỏi những người vi phạm trước đó thì họ không trả, mời lên làm việc cũng không lên. Bây giờ những người đó tuổi già, sức yếu, bệnh tật cả. Chúng tôi cũng đã chẳng còn cách nào khác là làm đơn kiện những vị cán bộ đó ra tòa nhằm đòi nợ nhưng tòa án lại không thụ lý vì lý do thiếu căn cứ. Chúng tôi gửi đơn lên tòa huyện không được, chúng tôi mang đơn lên tòa án tỉnh thì cũng bị trả về.

Chúng tôi là người kế nhiệm nhưng trách nhiệm vay thì trả, ứng thì hoàn ứng thôi vì đó là tiền ngân sách. Nhưng thực sự, giờ xã không còn nguồn nào khác. Huyện cũng đã phong tỏa các khoản chi cho xã, chỉ cấp có mỗi lương và phụ cấp lương cho cán bộ. Do không có nguồn tiền ngân sách nên giờ xã cũng không biết phải làm thế nào”, ông Sở phân trần.

Luật sư Nguyễn Anh Đức (Văn phòng Luật sư Năm Châu, Thanh Hóa) cho rằng: Việc UBND huyện Thiệu Hóa yêu cầu giám đốc Kho bạc dừng không cho xã Thiệu Công rút tiền chi ngân sách xã (chi đầu tư, chi thường xuyên, dự phòng…) là chưa phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Bởi lẽ, kế hoạch thu chi ngân sách hàng năm của xã đã được HĐND xã thẩm duyệt và báo cáo UBND huyện duyệt, trong đó có các khoản nêu trên. Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi theo Luật Ngân sách Nhà nước nên chỉ được dừng các khoản chi không có trong kế hoạch hoặc hồ sơ, thủ tục, chứng từ không đủ theo quy định.

Còn khoản tiền 3,1 tỷ đồng là khoản tiền mà UBND xã có trách nhiệm thu hồi của các cá nhân sai phạm, sau đó hoàn ứng lại cho UBND huyện. Nếu các cá nhân không thực hiện thì UBND xã có quyền kiện ra tòa án yêu cầu thanh toán.

Sau khi có bản án, cơ quan thi hành án sẽ thi hành thu hồi số tiền cho xã để hoàn ứng cho huyện. Trường hợp xã không thực hiện thu hồi hoặc chậm thực hiện sẽ bị xem xét xử lý, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.