Chất lượng sống

Bi hài dân Hà Nội mất điện ngày nắng nóng

06/06/2017, 08:24

Ngay trong những ngày cao điểm nắng nóng, hàng loạt khu vực nội, ngoại thành, người dân vẫn phải than trời vì cúp điện!

11

Mất điện ban đêm, người dân tìm đủ cách để giải nhiệt

Mất ngủ vì... điện

Trong những ngày qua, nhiệt độ tại khu vực Hà Nội lên tới hơn 40 độ C, ngay cả khi về đêm, mức nhiệt cũng không giảm là bao. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân tại một số điểm nội thành, hiện tượng mất điện vào ban đêm vẫn diễn ra. Cụ thể, anh T.N.D. (tổ 6, phường Yên Hòa, Cầu Giấy Hà Nội) cho biết: “Khoảng 24h đêm 4/6, đúng lúc cả nhà đang thiu thiu ngủ thì mất điện, thế là lục tục kéo nhau xuống tầng 1. Nóng khó chịu, đã tính đi nhà nghỉ để ngủ nhưng cũng không được bởi nhà sử dụng cửa cuốn, nên mất điện thì cũng... bó chân!”, anh D. nói.

"Thiết bị điện có tuổi thọ cao nhất là khi được hoạt động ở chế độ ổn định. Khi khởi động là lúc dòng khởi động tăng cao nhất thường lớn hơn dòng làm việc khoảng 12 lần. Vì vậy, nếu dòng điện chập chờn, nếu cứ bị tắt rồi khởi động lại, tuổi thọ của thiết bị sẽ giảm đáng kể, thậm chí có thể bị cháy nổ”.

Kỹ sư Trần Quốc Thêm
Công ty CP Điện máy kỹ thuật

Không chỉ nội thành, hàng loạt khu vực ngoại thành, người dân cũng phải chịu cảnh mất điện khi trời nắng nóng. Chia sẻ với PV, chị N.T.T. (xã Hải Bối, Đông Anh) mệt mỏi cho biết, tối 4/6, trong vòng 5 tiếng đồng hồ, các hộ dân nơi đây phải chịu tới 5 lần mất điện. “Nắng nóng, cả nhà tôi đã phải di tản ra ngoài từ chiều để tránh giờ cao điểm. Tới 22h mới bồng bế con cái về nhà thì đúng lúc mất điện. Lúc này, nhiệt độ trong phòng lên tới gần 40 độ C, 4 bức tường xung quanh nóng hầm hập. Đợi đến khoảng 22h30 có điện trở lại nhưng chỉ được khoảng 15 phút lại mất; sau khoảng 20 phút lại có... Lúc 23h lại mất tiếp; 30 phút sau có, 0h30 mất tiếp... Khoảng 2h sáng lại mất tiếp tới gần 3h. Cứ như thế hai vợ chồng thay nhau ôm 2 đứa con bé lên tầng thượng tìm đủ cách giải nhiệt: Ngâm nước, quạt tay, hóng gió... thấy có điện bế xuống... tới khi mất lại bế lên. Rã rời hết cả người suốt mấy tiếng đồng hồ, 6h sáng lại phải dậy đi làm, coi như cả đêm mất ngủ”, chị T. thuật lại.

Cực hơn, nhà chị T.T.N. (cụm 8, phường phú Thượng, quận Tây Hồ) có con bé hơn 1 tuổi cho biết: “Trời nắng nóng, lại bị mất điện đúng thời điểm bé con đang ốm dở. Từ đầu tháng tới nay, ngày nào cũng mất tới mấy lần. Khổ nhất là đêm 3/6, trong vòng 1 tiếng mà có tới 6 lần mất điện, điều hòa, tủ lạnh đang chạy lại đột ngột dừng”. Đáng nói, theo chị N., không chỉ năm nay, tình trạng mất điện tại khu vực nhà chị hè nào cũng diễn ra. “Những năm trước, khu nhà tôi còn bị cắt điện luân phiên. Nhưng sang năm nay lại xảy ra hiện tượng chập chờn lúc có lúc không. Khi tìm hiểu thì được biết, tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ, những khu khác vẫn bình thường nên chả biết kêu ai”.

Tương tự, trên địa bàn huyện Hoài Đức, tại các xã Đức Thượng, Kim Chung... cũng xảy ra hiện tượng mất điện liên tục từ 1-5/6. Đáng nói, có những nơi, người dân phải chịu cảnh mất điện hàng chục tiếng đồng hồ. Mất điện, lại phải chạy ngược xuôi lo đám tang bà nội, trưa 5/6, chị N.T.H, thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, vừa quệt dòng mồ hôi nhỏ giọt trên mặt, vừa mếu máo: “Mất điện từ chiều qua tới bây giờ (ngày 5/6-PV) vẫn chưa có lại. Nhà có đám lại càng thêm thảm!”.

Ngành điện cũng kêu “mệt”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện điện lực các quận, huyện nơi xảy ra hiện tượng mất điện đều khẳng định, không hề có chuyện cắt điện. Nguyên nhân chính bởi nhu cầu điện trong những ngày nắng nóng tăng cao bất thường, dẫn tới hiện tượng lệch pha, quá tải tại một số điểm cục bộ. Điển hình nhất, tại khu vực xã Đông Anh và Kim Chung thuộc huyện Đông Anh, tình trạng mất điện liên tiếp diễn ra trong những ngày qua. Ông Nguyễn Ngọc Du,  Phó giám đốc Kỹ thuật Công ty Điện lực Đông Anh thừa nhận về hiện tượng trên và lý giải: “Đây là những khu vực gần khu công nghiệp Thăng Long. Ngoài lượng dân cư đông đúc còn có hơn 7.000 công nhân tập trung sinh sống. Khác với năm trước, năm nay, các phòng trọ công nhân cũng lắp thêm điều hòa. Cụ thể, trong những ngày nắng nóng vừa qua, mỗi ngày có thêm hàng trăm chiếc điều hòa được lắp mới. Dù đã tính toán trước, song nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”. Theo ông Du, sở dĩ, hiện tượng chập nổ, cháy đường dây diễn ra nhiều tại khu vực Hải Bối là bởi hệ thống cầu chì cũ tại đây vẫn còn tồn tại. “Không chỉ người dân mà ngay cả chúng tôi cũng rất… mệt. Trong suốt những ngày qua, hai đội của chúng tôi gồm 40 người, thường xuyên phải làm việc từ 23h tới 3h sáng mới chợp mắt một chút. Đáng nói, những sự cố chỉ diễn ra cục bộ tại các hòm công tơ, chứ không phải trạm biến áp, nên khi người dân gọi điện tới, anh em lại phải trèo lên từng cột điện mở hòm công tơ ra kiểm tra”.

Trước tình trạng trên, ông Du cho hay, ngay từ 4h30 sáng 5/6 đã cho ra quân thay cầu chì cũ bằng aptomat mới, tại những điểm “nóng”. “Những khu khác sẽ được thay thế dần, hi vọng trong tuần này sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, về phía người dân chúng tôi cũng khuyến cáo, cần có sự chia sẻ với ngành Điện lực. Vào những ngày cao điểm, người dân chỉ nên bật điều hòa ở mức 26-270C, không nên để thấp hơn, vừa hại sức khỏe lại tăng công suất điện tiêu thụ lên rất lớn”, ông Du nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Chí Hưng, Phó giám đốc Kỹ thuật  Công ty Điện lực Hoài Đức cho hay: “Không giống những địa bàn khác, huyện Hoài Đức có rất nhiều đơn vị tham gia bán điện. Ngoài Công ty Điện lực, còn có hơn chục hợp tác xã kinh doanh điện năng nữa. Thậm chí, có những xã một nửa hộ dân mua điện của thành phố, một nửa hộ dân lại mua điện của hợp tác xã. Vì vậy, khi sự cố xảy ra, chúng tôi cũng không có cách nào để can thiệp”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.