Chuyện dọc đường

Bi hài trách nhiệm

08/05/2020, 07:11

Câu chuyện bi hài này lại một lần nữa hiện diện ở phiên phúc thẩm xét xử 2 nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến...

img
Hai bị cáo Trần Văn Minh (bên phải) và Văn Hữu Chiến tại phiên xử phúc thẩm

Thực tiễn đấu tranh chống các loại tội phạm tham nhũng từ trước đến nay luôn xảy ra chuyện: Các bị can khi đứng trước tòa đều đổ lỗi cho năng lực nhận thức, trình độ... Điều mà khi ứng cử hoặc được bổ nhiệm hẳn không bao giờ họ đánh giá mình thấp. Và tất nhiên lý lịch cán bộ không thiếu các bằng cấp, học vị, học hàm sáng choang tên tuổi các cơ sở giáo dục danh giá.

Câu chuyện bi hài này lại một lần nữa hiện diện ở phiên phúc thẩm xét xử 2 nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà đất, công sản ở Đà Nẵng.

Theo ông Văn Hữu Chiến, ông ký các văn bản theo quy định của pháp luật, của Luật Tổ chức HĐND, theo quy chế hoạt động và phân công công việc hàng năm của UBND. Bản thân ông không có thực quyền. Thời điểm đó ông Chiến là Phó Chủ tịch nên ông cho rằng, việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất đều do Chủ tịch giải quyết. Ông không có vai trò quyết định bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển giao dự án...Tóm lại, “người ta” giao ký thì ông ký. “Người ta” là ai thì chắc là ông ám chỉ từ Chủ tịch TP trở lên.

“Chữ ký của tôi chỉ mang tính hình thức để hoàn thiện hồ sơ. Có nhà đã hoàn tất thủ tục, người mua đã nộp tiền trước…” - ông Chiến phân trần trước tòa.

Khi Chủ tọa chất vấn rằng, nộp tiền trước nhưng trái pháp luật, không qua đấu giá, cơ quan điều tra đã xác định rõ thì cựu Phó Chủ tịch nói: “Tôi chịu trách nhiệm về chữ ký của mình nhưng vì sao tôi ký, xin HĐXX xem xét”.

Trong thừa hành công vụ, cấp phó được giao phân công phụ trách lĩnh vực và chịu trách nhiệm với lĩnh vực mình phụ trách. Trên thực tế, cấp phó nào cũng muốn được “phân quyền”, “giao quyền” rộng hơn thế nhưng khi đụng chuyện thì lại vin vào cớ cấp phó để “đá bóng” trách nhiệm.

Cách nói của ông Văn Hữu Chiến làm nhiều người thắc mắc, một vị lãnh đạo đầu não của địa phương mà nói như vậy thì liệu câu chuyện này có là cá biệt? Vai trò của cấp phó, người được Nhà nước bổ nhiệm có “hữu danh vô thực” đến thế? Nếu như ai đó bắt “ký sai” thì bản lĩnh của vị Phó Chủ tịch ở đâu? Hôm nay bán đất, mai có người “ép” bán trời vẫn ký?

Chế độ công vụ khuyến khích cán bộ dù là cấp trưởng hay cấp phó làm đúng thẩm quyền, hết thẩm quyền, không lạm quyền và được quy định cụ thể trong pháp luật.

Trở lại với câu chuyện ông Văn Hữu Chiến, Nghị định số 157/CP ngày 27/10/2007 quy định “Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải chấp hành quyết định của cấp trên, khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó”, (Khoản 1, Điều 13). Điều đó có nghĩa là thấy sai, anh phải báo cáo chứ không được “nhắm mắt ký”.

Cũng liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và cũng là nhà đất, xin nhắc lại vị cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín ở phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 12/2019. Ông Tín nhận trách nhiệm trước Tòa và xin lỗi Đảng bộ và nhân dân thành phố về việc ký các văn bản chấp thuận giao nhà - đất 15 Thi Sách cho CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ. Như vậy là đúng, có lòng tự trọng. Chắc chắn trước khi ký văn bản giao nhà cũng đã từng “hoa cả mắt” với một rừng văn bản, tờ trình, bút tích của các Bộ chức năng. Thế nhưng ông không đổ lỗi cho ai.

Đất nước cũng như từng địa phương, từng ngành, thậm chí từng đơn vị cụ thể đang rất cần những cán bộ kể cả cấp trưởng, cấp phó và tham mưu giúp việc dám làm, dám chịu trách nhiệm chứ không phải vui thì vỗ tay vào, khi có chuyện đổ lỗi cho mọi thứ.

Mối quan hệ giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước, quan hệ giữa cấp trưởng và cấp phó đã, đang và tiếp tục được luật hóa chặt chẽ.

Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại, nếu làm đúng thẩm quyền, hết thẩm quyền, trách nhiệm và lương tâm thì chắc chắn tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.