Tâm sự

Bi hài vòng tránh thai leo lên...dạ dày

15/05/2015, 06:56

Nhiều chuyện bi hài xung quanh việc chị em "đeo vòng"

tranh thai
Nhiều chuyện bi hài xung quanh việc chị em "đeo vòng" 

 Việc đặt vòng tránh thai là cách chống “vỡ kế hoạch” dễ dàng nhất đối với chị em phụ nữ bởi ít tác dụng phụ lại có tỷ lệ an toàn cao. Tuy nhiên, xung quanh chuyện “đeo vòng” cho chị em cũng lắm chuyện bi hài.

Bác sỹ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tâm sự, ông đã gặp khá nhiều chị em phụ nữ gặp rắc rối với vòng tránh thai.

“Về bản chất, vòng tránh thai là một công cụ được đưa vào cơ thể để tránh mang thai ngoài ý muốn. Nhưng dù bác sỹ có tay nghề hay chỉ là cô y sĩ của trạm xá thì vẫn có nguy cơ vòng tránh thai chạy xuống bàng quang hay ghé vào ruột, leo lên dạ dày”, bác sỹ Lợi nói.

"Để đặt vòng tránh thai đạt hiệu quả cao và không có biến chứng, chị em nên chịu khó đến khám sản khoa theo định kỳ. Ngoài kiểm tra viêm nhiễm còn kiểm tra vị trí của vòng tránh thai. "

Bác sỹ Lê Thị Kim Dung

Bác sỹ Lợi kể, hồi công tác ở Khoa Ngoại, Bệnh viện E Trung ương, ông từng tiếp nhận một bệnh nhân có tiền sử đau bụng âm ỉ ở vùng dưới rốn nhưng khám không ra bệnh gì. Sau khi khai thác tiền sử bệnh nhân, biết bệnh nhân có đặt vòng tránh thai, ông thăm khám để tháo vòng thì không thấy vòng đâu. Siêu âm tử cung không thấy. Các bác sỹ siêu âm toàn bộ ổ bụng và phát hiện trong bàng quang bệnh nhân có vật lạ. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy vật lạ là một chiếc vòng tránh thai chữ T ra.

Những trường hợp vòng tránh thai bị lạc khá nhiều. Như bệnh nhân Hoàng Thị Luyến trú tại Ba Vì, Hà Nội thấy đau bụng âm ỉ, có ra máu, đi khám không tìm ra nguyên nhân. Khi khám ở Bệnh viện E Trung ương, qua siêu âm bác sĩ phát hiện trong ổ bụng của chị Luyến có dị vật gây thủng ruột. Khi phẫu thuật lấy dị vật là chiếc vòng tránh thai hình chữ T. Chị Luyến cho biết đã đặt vòng cách đây 9 năm, từ đó đến nay chị không đi đặt vòng lại và cũng không có đợt kiểm tra sản khoa nào.

“Thoát chết vì chiếc vòng tránh thai, chị Luyến đổ lỗi để vòng di chuyển vào ruột có thể do chồng “hoạt động” mạnh. Nhưng thực tế, khi vòng vào cơ thể nếu bệnh nhân không thường xuyên kiểm tra, tháo vòng ra đặt lại vòng khác theo “niên hạn” khuyến cáo, thì vòng tránh thai có thể ăn mòn thành tử cung, làm thủng tử cung, đi vào bàng quang gây viêm, tạo sỏi bàng quang, hoặc chui vào ổ bụng gây đau bụng”, bác sỹ Lợi cho hay.

Theo bác sỹ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám Sản khoa và nam khoa, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà, có nhiều người do cơ địa, sau khi tiếp nhận vòng tránh thai thì tử cung tăng cường co bóp khiến vòng tuột ra qua lỗ cổ tử cung và “chu du” đến các bộ phận khác, thậm chí đến một ngày vòng... rơi hẳn ra ngoài. Nhưng cũng có thể do tác dụng co bóp của tử cung khiến vòng lún sâu dần vào lớp cơ của tử cung. Quá trình này diễn ra mỗi ngày một chút và không gây nên triệu chứng khó chịu gì, cho đến khi vòng xuyên qua lớp cơ và dần chui vào trong ổ bụng. Có trường hợp, vòng nằm ở một bên hố chậu phải, nhưng cũng có trường hợp di chuyển xa hơn do nhu động ruột kéo đi.

Vòng gây cười

Bác sỹ Kim Dung cho biết, vòng tránh thai là biện pháp kế hoạch hóa gia đình đã trở nên phổ biến nhưng nhiều người vẫn chưa có kiến thức đúng về nó. Bác sỹ kể, đã có lần đi cùng đoàn tư vấn kế hoạch hóa gia đình đến một vùng cao để thuyết phục chị em đặt vòng, thì mới biết có nhiều hiểu lầm tai hại, chết cười về chiếc vòng tránh thai.

“Có chị lỏn lẻn bảo: Vòng vèo vướng víu thế sợ chồng em không thích. Có anh chồng cứ tìm cách kéo vợ về vì: Vợ đặt vòng, cứ thấy ghê ghê, nhỡ đang “thi đấu” nó rơi ra thì chết. Có chị em lại nằng nặc không dùng vòng sắt do “nhỡ em ra đồng cấy lúa, sét đánh vào thì sao”, bác sỹ Dung kể.

Theo bác sỹ Kim Dung, việc đặt vòng tránh thai an toàn và ít tác dụng phụ hơn thuốc. Tuy nhiên, vòng bằng nhựa hay bằng kim loại đều có niên hạn sử dụng chứ không như chị em phụ nữ nghĩ có thể dùng thoải mái. Các nhà sản xuất đều để hạn sử dụng 5 năm hoặc 8 năm. Nếu quá hạn sử dụng, vòng có thể bị đứt dây, rất khó lấy ra hoặc có biến chứng khác như vòng lún sâu vào ổ bụng.

“Vòng tránh thai cũng chỉ là một trong các biện pháp tránh thai. Vẫn có những trường hợp đặt vòng nhưng vẫn có thai, nhưng tỷ lệ rất thấp. Ngay khi đặt vòng mà vẫn có thai cũng không ảnh hưởng đến thai nhi, biến chứng thai nhi vì vòng tránh thai nằm ngoài tử cung không trong túi ối”, bác sỹ Dung nói.

Những trường hợp chống chỉ định với vòng tránh thai, là có thai hoặc nghi ngờ có thai; đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước đây; viêm cổ tử cung mủ nhầy, bệnh lý ác tính đường sinh dục; dị tật bẩm sinh ở tử cung hay u xơ làm biến dạng lòng tử cung, lao vùng chậu, xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị; bị ung thư vú...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.