Tài chính

Bi kịch của mía đường

19/06/2022, 06:14

Dù giá mía đường đang khởi sắc nhưng các vùng mía nguyên liệu vẫn đang dần thu hẹp diện tích.

Không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng chồng chất nỗi lo.

img

Thu hoạch mía ở Hậu Giang

Tồn kho cao, vùng nguyên liệu thu hẹp

Tính đến cuối tháng 5, tình trạng tồn kho đường của Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) tương đối lớn.

Cụ thể, trong vụ sản xuất 2021-2022 vừa qua, tổng sản lượng mía ép của công ty đạt 70.623 tấn và sản xuất ra được 7.078 tấn đường. Tuy nhiên, Casuco mới tiêu thụ được hơn 1.000 tấn.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, không riêng gì Casuco gặp khó về đường tồn kho. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, vào những năm “hoàng kim” của ngành mía đường, diện tích trồng mía của tỉnh Hậu Giang có niên vụ đạt gần 15.000ha, trở thành địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất của ĐBSCL.

Tuy nhiên, do giá bán mía nguyên liệu ở mức thấp và kéo dài đã làm cho nông dân trồng mía không có lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ nên diện tích trồng đã giảm mạnh trong những năm gần đây.

Trong niên vụ mía đang canh tác, tổng diện tích mía của tỉnh chỉ còn 3.842ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy.

Ngoài diện tích mía giảm thì trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 1/3 nhà máy đường hoạt động, là Nhà máy Đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco.

Nguyên nhân lượng đường tồn kho lớn là do thị trường tiêu thụ đường đang gặp nhiều khó khăn từ đường nhập lậu.

Theo đó, thị trường đường nội địa đang bị cạnh tranh khốc liệt, bất bình đẳng bởi hàng lậu và gian lận thương mại khiến đầu ra của đường sản xuất trong nước hầu như không thể tiêu thụ được.

Đặc biệt, giá đường tại thị trường Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực, trong khi giá thành sản xuất đường lại ở mức cao do ảnh hưởng dịch Covid-19 và nhiều khoản chi phí tăng thêm khác.

Cụ thể, trong những năm gần đây, đường giá thấp từ Thái Lan đã bằng nhiều cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam, dìm giá đường xuống dưới giá thành sản xuất của đường trong nước.

Từ đó, các nhà máy khi sản xuất ra đường phải thường xuyên chịu cảnh tồn kho hoặc bán dưới giá thành.

“Cái chết” được báo trước?

Vừa thu hoạch xong 1ha mía, bà Nguyễn Thị Lành, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Hễ năm nào giá mía tăng thì năm đó chi phí sản xuất vụ mới cũng đội lên vài phần. 1ha mía của gia đình bán xong trừ hết các khoản chi phí lãi chưa đến 20 triệu đồng, chỉ đủ để mua mía giống cho vụ sau, các khoản chi phí khác phải tiếp tục vay mượn.

Ở đây không trồng mía thì nông dân cũng không biết trồng cây gì. Bởi nhiều năm thua lỗ với cây mía, bà con cũng không còn tiền để đầu tư cho việc chuyển đổi”.

Đối với chính sách thuế, hiện Cục Phòng vệ thương mại đang điều tra, thực hiện theo quy trình để chống lẩn tránh, bán phá giá đường ở thị trường Việt Nam.
Trước đây, chúng ta cũng đã điều tra và áp thuế với Thái Lan. Bây giờ đang điều tra chống lẩn tránh đường Thái Lan qua các nước ASEAN khác để vào Việt Nam.
Hiện nhu cầu của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn/ năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ 700 nghìn tấn. Sản lượng còn rất thấp so với nhu cầu, do đó doanh nghiệp cũng phải cải thiện chất lượng sản phẩm... để hạ giá thành.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương


Trước thực trạng trên, tỉnh Hậu Giang đã quyết định đưa loại cây trồng này ra khỏi danh sách cây trồng chủ lực.

Ngoài ra, hàng trăm nông hộ hiện vẫn đang trồng mía, nhưng họ đã không còn bán cho nhà máy đường, mà chuyển sang bán mía để làm nước giải khát, vì giá cao hơn. Từ đây, các nhà máy đường bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kể từ tháng 1/2020, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đối với mặt hàng đường thì việc bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ chịu thuế suất 5%.

Thêm vào đó, để đẩy mạnh xuất khẩu, một số nước trong ASEAN đã trợ giá cho ngành mía đường nội địa bằng nhiều hình thức khác nhau, dẫn đến cuộc chơi không công bằng.

Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2020, nhập khẩu đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330% so với năm 2019.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trước khi ngành mía đường thực thi Hiệp định ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến năm 2020 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động.

Diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ cây mía không bảo đảm cuộc sống của người nông dân.

Hiện có trên 50% nông dân đã không còn gắn bó với cây mía mà chuyển sang cây trồng khác và có 1/3 số nhà máy đường buộc phải đóng cửa do lâm vào cảnh thua lỗ.

Vực dậy ngành mía đường, cách nào?

Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco cho hay, sẽ đề nghị lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan của Hậu Giang kiến nghị với Trung ương để có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời có thêm những chính sách để hỗ trợ cho người trồng mía trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia, cần phải có những thay đổi vĩ mô, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh để vực dậy ngành mía đường.

Trước hết, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60-70%, còn lại (30-40%) là của các nhà máy chế biến.

Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất. Điều này có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, HTX nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng…

Trong khi đó, một chuyên gia khác lại cho biết, theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018.

Song Bộ Công thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực hiện việc này trong 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng và lùi ngày áp dụng về ngày 1/1/2020.

Bộ Công thương cũng đã có văn bản thông báo và thúc đẩy các bên liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, 2 năm sau ngành mía đường vẫn thụ động, không có kế hoạch cụ thể để thích ứng.

Còn về việc các nước như: Thái Lan, Philippines và Indonesia áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía đường trong nước, vị này cho rằng, Nhà nước và Bộ Công thương đều nắm được.

“Hiện, chúng ta cũng đã có cơ chế áp thuế phòng vệ thương mại để kiểm soát thị trường khi có dấu hiệu gây ảnh hưởng tiêu cực cho sản xuất trong nước”, vị này nói.

Trước thực trạng của ngành mía đường, đại diện Bộ NN&PTNT bày tỏ, lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nên tư duy sản xuất cũng phải thay đổi, thích ứng.

Doanh nghiệp, nông dân sẽ là chủ thể quan trọng nhất để thực thi việc chuyển đổi này.

Về giải pháp giá mía đường hiện nay, theo vị đại diện, đầu tiên và căn bản nhất là phải hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, để cùng nỗ lực nâng cao chất lượng giống.

Từ đó, giảm chi phí trồng, sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy quản trị, đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo bởi, đây là thời điểm cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực.

Còn với các địa phương, cần quan tâm đến việc liên kết của nông dân với doanh nghiệp để bảo đảm diện tích trồng; quan tâm vai trò các tổ hợp tác, tổ khuyến nông...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.