Pháp đình

Bi kịch nữ tử tù xách thuê ma túy

13/05/2017, 16:56

Từ việc đi mua sái thuốc phiện cho chồng dùng để giảm đau, Ng. đi vào con đường phạm tội lúc nào không hay.

13

Luật sư Hoàng Kim Thoa bào chữa cho thân chủ tại phiên tòa

Sau phiên tòa sơ thẩm, luật sư choáng váng khi chị gái bị cáo Ng. liên tục gọi điện hỏi luật sư: “Em ơi, thế bao giờ Ng. bị xử bắn? Nếu có giảm xuống chung thân thì cũng chẳng ai đi thăm nuôi, tiếp tế được đâu...”.

Bị cáo không nghĩ lại phạm tội khủng khiếp như vậy

Bị cáo P.T.Ng. là người dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La. Bản thân Ng. là người có thể trạng rất yếu. Trớ trêu thay, trong khi đứa con bị tàn tật thì chồng của Ng. cũng mắc bệnh nan y, nằm một chỗ. Một lần, nghe một số người khuyên mua sái thuốc phiện cho chồng uống để giảm cơn đau, Ng. làm theo và thấy bệnh tình của chồng có vẻ thuyên giảm. Vậy là sau đó, người chồng nghiện sái thuộc phiện lúc nào không hay.

“Bị cáo vừa nuôi chồng, nuôi con, trong khi lại không có nghề nghiệp (ai thuê việc gì cũng làm, từ quét dọn, rửa bát, giúp việc theo giờ…), từ đó người phụ nữ này đi vào con đường phạm tội lúc nào không hay”, luật sư Hoàng Kim Thoa, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV QTC (Đoàn Luật sư TP Hà  Nội), người bào chữa cho bị cáo Ng. kể.

“Để có tiền chữa bệnh cho chồng, nuôi con tàn tật, Ng. đã gia nhập đường dây vận chuyển thuê ma túy. Thậm chí, đến khi ra tòa, Ng. cũng không thể tưởng tượng mình đã vận chuyển tới hơn 3,5kg ma túy các loại, trong đó phần lớn là viên hồng phiến và thuốc lắc. Nói là không tưởng tượng nổi, bởi đây là con số được cơ quan điều tra xác định qua lời khai, chứng cứ, tổng hợp số liệu từ các bị cáo khác, còn bản thân bị cáo Ng. không thể biết chính xác mỗi lần mình vận chuyển bao nhiêu.

“Ra trước tòa, Ng. thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, nhưng khi nghe HĐXX tuyên phạt tử hình, Ng. khóc và ngất lên, ngất xuống nhiều lần, phải có sự hỗ trợ của cảnh sát bảo vệ. Bị cáo sốc vì không nghĩ mình lại phạm tội khủng khiếp như vậy”, luật sư Thoa cho hay.

Trước tòa, bị cáo Ng. luôn khóc, xin HĐXX tha tội chết để có cơ hội làm lại cuộc đời, chăm chồng, con. “Hoàn cảnh của bị cáo Ng. khiến những người tham dự và cả HĐXX rất đau xót. Trước phiên toàn xét xử 2 ngày thì con trai của bị cáo Ng. mất, nhưng bị cáo không biết. Con trai bị cáo Ng. chết vì không có mẹ chăm sóc, bố thì bệnh tật không có khả năng chăm sóc con trai. Tôi cũng không dám thông tin cho bị cáo Ng. biết, vì sợ bị cáo không chịu nổi khi nghe tin này”, luật sư Thoa nhớ lại.

Theo luật sư, trong quá trình xét xử sơ thẩm, chị đã rất trăn trở bởi đã bảo vệ cho thân chủ hết khả năng của mình, nhưng vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, bị cáo vẫn bị kết án ở mức cao nhất. Sau phiên sơ thẩm, gần như tất cả các bị cáo trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy mà bị cáo Ng. tham gia đều có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Và hiện nay, vụ án phúc thẩm đang chờ ngày xét xử.

Câu chuyện đau lòng

Tuy nhiên, điều làm luật sư Thoa day dứt hơn cả là câu chuyện xảy ra sau khi phiên sơ thẩm kết thúc. Khi hay tin Ng. bị tuyên phạt tử hình, chị gái của bị cáo liên tục gọi điện cho luật sư hỏi những câu mà chị vừa cảm thấy sốc nặng, vừa thương cảm cho số phận đầy bi kịch của Ng.: “Em ơi thế bao giờ Ng. bị xử bắn?”. “Tôi đã giải thích giờ cơ quan thi hành án không xử bắn nữa mà xử lý đối với người bị tuyên án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc, nhưng phải có thời gian và Ng. đang trong thời gian chờ kháng cáo. Biết đâu lên tòa phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm sẽ xem xét giảm nhẹ hình phạt và tuyên án cho xuống chung thân thì sao”, luật sư giải thích.

Nghe giải thích như vậy, người chị của Ng. chẳng những không tỏ ra vui mừng, mà còn mếu máo: “Chị ơi, tôi cũng rất thương Ng., nhưng hoàn cảnh của em tôi rất đặc biệt, chẳng còn ai có khả năng thăm nuôi. Bản thân gia đình anh, chị em đều nghèo khó, gia đình chỉ làm ruộng vườn, chúng tôi lại ở xa, anh em kiến giả nhất phận không ai giúp được Ng. cả, giá như em tôi được chết thì sướng hơn. Nếu Ng. được tòa tuyên giảm xuống chung thân thì gia đình cũng chẳng có ai đi thăm nuôi, tiếp tế cho Ng. cả”.

Luật sư Hoàng Kim Thoa cho hay, chị đã rất thương cảm, cảm giác không thốt thành lời khi nghe chị của bị cáo Ng. nói như vậy: “Đã nhiều năm làm luật sư, bào chữa nhiều vụ án, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một gia đình bị cáo có một hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Hơn nữa, ý thức cũng như hiểu biết pháp luật của họ quá hạn chế, kể cả bản thân bị cáo Ng. nên họ mới có những suy nghĩ như vậy”, luật sư Thoa nói.

Trong một vụ án ma túy lớn mà Công an quận Long Biên (Hà Nội) phối hợp với Cục C47 (Bộ Công an) triệt phá mới đây, HĐXX sơ thẩm đã tuyên án với 18 đối tượng, trong đó có 7 án tử hình, 2 án chung thân, 5 án 20 năm tù, các bị cáo còn lại bị kết án từ 7-16 năm tù. Trong số này, luật sư Hoàng Kim Thoa cũng cho biết, chị trăn trở nhất với trường hợp của N.N.D. (SN 1992, là sinh viên năm cuối của một trường ĐH). Khi nghe tòa án cấp sơ thẩm tuyên án xong, cả bố mẹ bị cáo D. đều khóc ngất vì không thể tin nổi đứa con trai ngoan ngoãn, cao to đẹp trai của mình lại phạm tội tày trời và phải nhận mức án cao nhất.

Căn nguyên của câu chuyện cũng chỉ vì một lần đi chơi với đối tượng xấu, được cho sử dụng ma túy miễn phí. Khi đã thành con nghiện, D. trở thành đối tượng bị giật dây, phạm tội trong hoàn cảnh vô thức, không làm chủ được mình khi nhận tổng hợp số liệu thống kê, ghi chép sổ sách cho đối tượng cầm đầu đường dây ma túy. Ra trước tòa, D. không nghĩ rằng hành vi ghi chép sổ sách này đã khiến mình trở thành đồng phạm trong vụ án và phải chịu trách nhiệm hình sự với số lượng tương đương 7,1kg ma túy. Quá trình ghi chép sổ sách hộ bị cáo đầu vụ, D. cũng được ông trùm “nhờ” mang một số gói hàng đến chỗ người này, người kia mà D. hoàn toàn không hay biết tổng trọng lượng của những gói hàng đó lên tới 2kg ma túy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.