Thị trường

“Bí kíp” buộc cước vận tải giảm theo giá xăng

22/01/2015, 13:45

Giá xăng giảm gần 1.900 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.459 đồng/lít. Giá cước vận tải vẫn giảm “nhỏ giọt”, thậm chí “đứng im”.

42

Giá bán lẻ xăng dầu đã giảm sâu nhưng giá cước của các hãng vận tải vẫn giảm “nhỏ giọt” (Một tài xế taxi đổ xăng lúc 16h ngày 21/1, thời điểm giá xăng dầu bắt đầu giảm)

Cước vận tải chưa giảm tương xứng giảm giá xăng

17h ngày 21/1, bắt xe khách của Công ty CP Vận tải Ninh Bình từ bến xe Mỹ Đình về TP Ninh Bình, chị Loan (ở Ninh Nhất, TP Ninh Bình) vẫn phải trả 70 nghìn đồng tiền cước. “Xăng dầu giảm giá liên tục, trước đây mỗi lần đi đổ xăng cho chiếc xe máy Honda Lead, tôi phải trả 100-110 nghìn đồng, nay chỉ phải trả 70 nghìn đồng đã đầy bình. Thế sao giá cước xe ô tô cả năm nay vẫn không giảm”, chị Loan thắc mắc.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, hiện các thành viên của Hiệp hội đã thực hiện hai lần giảm giá cước với mức tương đương khoảng 2 nghìn đồng/km.

Hiệp hội Vận tải ôtô Đà Nẵng cũng cho biết, từ đầu năm 2015, các đơn vị đồng loạt giảm giá cước vận tải hành khách với mức 10%.

Sở GTVT Quảng Nam cho biết, hầu hết các đơn vị vận tải đều thực hiện giảm giá cước vận tải từ 4-17%. Theo Sở GTVT Quảng Ngãi, đã có 15/17 doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá cước từ 2,5-14,7%.

                                   Nga Dương

Theo số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), dựa trên báo cáo từ hơn 40 địa phương, cho thấy giá cước vận tải đường bộ bằng xe ô tô chỉ giảm phổ biến ở mức từ 3-10%. Ngay tại Hà Nội, tính đến ngày 15/1, mới có 92 trên tổng số 180 doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá với mức giá giảm phổ biến từ 4-10%.

Theo phân tích của Cục Quản lý giá, đối với vận tải bằng ô tô, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Như vậy, nhẩm tính khi giá cước xe khách đầu năm 2014 là 70 nghìn đồng, tính chi phí dầu diesel chiếm 45% cơ cấu giá thành, thì nay dầu diesel giảm giá 34%, giá cước phải giảm tầm 11 nghìn đồng mới tương xứng.

Tại buổi họp báo chiều 20/1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, hiện giá dầu thế giới đã tụt xuống còn 45-47 USD/thùng, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã tiếp tục giảm thì cước vận tải cũng phải giảm tiếp để đảm bảo quyền lợi người dân.

Tăng kiểm tra, giá cước sẽ giảm

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, giá xăng dầu giảm tới 39% mà giá cước vận tải chỉ giảm 3-5%, thậm chí không giảm là rất vô lý. “Cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt hơn các vi phạm về giá để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Hùng đề xuất.

TS. Kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, giá xăng dầu giảm 15 lần liên tiếp với mức giảm sâu như trên nhưng cước vận tải giảm “nhỏ giọt” là bất bình thường. Theo ông Long, trước thực tế này, cơ quan quản lý giá, thanh tra tài chính phải vào cuộc, kiểm tra và phát hiện những chi phí bất hợp lý. Khi phát hiện sai phạm, cơ quan quản lý giá cần xử lý và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo “sức ép” giảm giá cước trên diện rộng và sâu, tương ứng với mức giảm xăng dầu.

Đồng tình với giải pháp kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải sẽ giúp giá cước giảm, bà Vương Thu Hằng, Trưởng phòng Giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, tháng 9-10/2014, Sở Tài chính đã cùng Cục Thuế, Công an TP Hà Nội tổ chức kiểm tra đối với năm doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, phát hiện một số doanh nghiệp có chi phí đầu vào thực tế chưa sát với hồ sơ kê khai và yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại các chi phí cấu thành giá cước, lập và kê khai lại giá cước.

“Ngay sau khi đoàn kiểm tra chấn chỉnh, các doanh nghiệp này đều đã kê khai giảm giá cước. Hiệu ứng kiểm tra, đôn đốc này lan tỏa sang các doanh nghiệp khác, nên tháng 11/2014, số doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước tăng lên, bà Hằng cho hay.

Ngày 20/1 vừa qua, Sở Tài chính Hà Nội tiếp tục lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 8 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô. Kết quả, đã phát hiện năm doanh nghiệp có những vi phạm về kê khai giá và xử phạt hai doanh nghiệp vi phạm mức 30 triệu đồng/doanh nghiệp (là taxi Vina và vận tải khách Hưng Thành).

“Các doanh nghiệp còn lại, chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại các chi phí cấu thành giá cước, lập và kê khai lại giá cước gửi cơ quan tiếp nhận theo quy định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm về giá cước sớm có mức giảm phù hợp nhất”, bà Hằng nói.

Quỳnh Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.