Hồ sơ tài liệu

Bí mật hòa ước Liên Xô - Đức: Stalin "bắt thóp" Hitler

09/05/2015, 06:32

Với các Hiệp ước và Phụ ước, thế lực bài Xô cho rằng Stalin đã bị Hitler lừa. Thực chất vấn đề ra sao?

2
Hai người lính gửi tin bằng bồ câu đưa thư trong chiến tranh thế giới 2 (tháng 10/1940)

Ngày 27/9/1939, sau khi Đức đã đánh chiếm Ba Lan, Ribentrof lại bay đến Moscow và ngày 28/9 cùng Molotov ký một hiệp ước nữa – Hiệp ước về quan hệ hữu nghị và đường biên giới giữa Liên Xô và Đức.

Hiệp ước này và Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô (như đã đề cập ở bài trước) nhìn chung không gây tranh cãi gì nhiều. Vấn đề là ở chỗ ngoài văn bản chính, mỗi hiệp ước còn có thêm Phụ ước mật, và chính các Phụ ước mật này được các thế lực bài Xô cũng như một số sử gia “cấp tiến” của Nga chĩa mũi nhọn đả phá, công kích. 

Phụ ước mật đi kèm Hiệp ước ký ngày 28/9/1939 gồm một văn bản do Molotov và Ribentrof ký và một bản đồ phân định đường biên giới mới với chữ ký của Ribentrof và Stalin. Văn bản Molotov – Ribentrof xác định, “cả hai bên sẽ không cho phép bất kì sự tuyên truyền nào về Ba Lan trên lãnh thổ của mình mà tác động đến lãnh thổ của nước khác...”.

Còn việc ký Phụ ước mật đi kèm Hiệp ước ký ngày 23/8/1939 diễn ra với nhiều chi tiết thú vị. Sau khi thống nhất nội dung Hiệp ước, Stalin đột nhiên yêu cầu: “Chúng ta cần ký Phụ ước cho bản hiệp ước này và chúng ta sẽ không bao giờ công bố nó”. Stalin đoán chắc rằng vì rất cần sự yên ổn, Hitler sẽ phải nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào của phía Liên Xô. Ông yêu cầu các nước Baltik và Phần Lan sẽ phải nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô, đồng thời Liên Xô lấy lại các khu vực Bessarabia (sau đổi tên là Moldova), miền Tây Ukraine và miền Tây Belarus.

Ribentrof phát hoảng vì các đề nghị bất ngờ này và nói rằng ông ta không dám tự quyết, cần báo cáo Hitler. Stalin liền yêu cầu Ribentrof sử dụng ngay điện thoại trong phòng làm việc của ông để liên lạc với Hitler. Sau một hồi trao đổi, Hitler trao quyền cho Ribentrof ký cả Phụ ước. Hitler không thể không đồng ý với các yêu cầu của Stalin, vì các đơn vị quân Đức đã ở vị trí xuất phát tiến công Ba Lan. Y sẵn sàng chấp nhận mọi điều khoản, tất nhiên với tính toán rằng sau này sẽ vi phạm hoặc không thực hiện chúng.

Các thế lực bài Xô và các sử gia “cấp tiến” cho rằng, với các Hiệp ước và Phụ ước nói trên, Liên Xô đã “xâm lấn” vùng Baltik và Stalin đã bị Hitler lừa. Thực chất vấn đề ra sao?

Sau khi được báo cáo, Bộ Chính trị và Xô Viết tối cao Liên Xô đánh giá rằng Stalin đã có tầm chiến lược rất cao khi biến Đức thành quốc gia hữu nghị, còn Anh và Pháp thì bị đẩy vào thế đối đầu trực diện với Đức. Chiến tranh bị đẩy lùi về phía tây, để các nước đế quốc giải quyết vấn đề với nhau, còn Liên Xô có thêm thời gian chuẩn bị để chống trả cuộc xâm lược của Đức về sau.

Nếu đem yếu tố này (Liên Xô đẩy lùi thời điểm bắt đầu chiến tranh được gần 2 năm) so với ý đồ của Hitler (tránh được nguy cơ tiến hành chiến tranh ở cả 2 mặt trận để rảnh tay chinh phục châu Âu), thì dường như tỉ số là “hoà”. 

Thế nhưng, Stalin còn ghi thêm điểm do thực hiện được ý định chiến lược quy mô hơn, đó là: với việc giải phóng Bessarabia, miền Tây Ukraine và miền Tây Belarus, Liên Xô đã đẩy biên giới của mình về phía tây được hàng trăm km. Thứ hai, do thống nhất các nước Baltik vào Liên bang Xô Viết, Hitler đã bị tước đi một bàn đạp chiến lược rất thuận lợi mà từ đó, khi xảy ra chiến tranh, chỉ trong 1 tháng các binh đoàn Đức đã có thể tiến thẳng tới sông Volga. Thực tế, khi tiến hành kế hoạch Barbaros, do không còn bàn đạp Baltik, các đơn vị quân Đức đã phải tiến đánh Moscow từ biên giới phía tây Liên Xô qua Kisinhov, Lvov, Minsk, Smolensk, Kiev, Oriol... với những tổn thất to lớn về sinh lực và trang bị.

Về nghệ thuật đàm phán, Stalin đã tỏ ra rất nhanh nhạy, quyết đoán. Nắm được ý đồ của Hitler là muốn được “rảnh tay”, chỉ trong một thoáng suy nghĩ, Stalin đã đưa ra phương án “Phụ ước”. Khi thấy Ribentrof chần chừ, Stalin gần như ép Ribentrof dùng ngay điện thoại có sẵn trong phòng làm việc để gọi về Berlin và trước mặt mọi người báo cáo thẳng với Hitler.

Với cách xử lí mang tầm chiến lược và thông minh này, trên thực tế Stalin đã chế ngự được cả Ribentrof và Hitler, đem lại kết cục có lợi nhất cho đất nước trong tình hình lúc bấy giờ. Sau đó, Stalin đã trực tiếp đàm phán về các thoả thuận ngày 28/9/1939 mà không để Molotov một mình tiến hành như mọi khi, đồng thời Ông đã ép Ribentrof ký thẳng vào bản đồ.

Tuy đã ký Hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Đức, song Stalin không hề mơ hồ trước âm mưu xâm lược Liên Xô của Hitler. Trong phiên họp Bộ Chính trị đánh giá việc ký Hiệp ước này, Stalin nói: “… Chúng ta hiểu rất rõ ý đồ của Hitler. Ông ta không muốn tính đến các quyền lợi hợp pháp của Liên Xô. Mục đích ông ta đàm phán với ta là chỉ để che giấu ý đồ thật mà thôi. Liệu có xảy ra tình huống là khi đã ký Hiệp ước, Hitler sẽ từ bỏ kế hoạch tấn công Liên Xô? Có thể nói là không! Việc ký Hiệp ước đã đem lại cho chúng ta thời gian quý giá để chuẩn bị cho công cuộc phòng thủ chống lại cuộc xâm lược của Đức. Chúng ta không thể coi Hiệp ước là cơ sở để tạo ra an ninh vững chắc cho chúng ta; cái đảm bảo chắc chắn nhất chính là phải củng cố sức mạnh LLVT của chúng ta”.

Bản chất vấn đề là như vậy. Thời gian lùi càng xa càng đủ để nhìn nhận, đánh giá các sự kiện, nhân vật. Và chỉ những ai cố tình nhắm mắt trước sự thật lịch sử mới không thừa nhận tính cấp bách, tính hợp lí trong việc Liên Xô ký Hoà ước với Đức ngày 23/8/1939.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.