Trong nước

Bí mật sau hai suất dự Olympic của môn vật nữ

23/03/2016, 09:35

Kì tích không tưởng này là sự hy sinh thầm lặng có phần mạo hiểm của đô vật kì cựu Nguyễn Thị Lụa.

9529c078d12326
Đô vật Nguyễn Thị Lụa (trên) lần thứ hai được tham dự Thế vận hội

Môn vật nữ vừa làm nên kì tích khi lần đầu tiên đoạt hai suất chính thức tới Olympic 2016. Có được kì tích không tưởng này là sự hy sinh thầm lặng có phần mạo hiểm của đô vật kì cựu Nguyễn Thị Lụa.

Hai lần mạo hiểm đôn cân

đội tuyển vật nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Lụa đã tập luyện, thi đấu cả chục năm ở hạng cân 48 kg và từng bước lên đỉnh cao khi đoạt HCB ASIAD 2010 và suất chính thức Olympic 2012. Đây là hạng cân sở trường nơi Lụa chứng tỏ sự phù hợp cao độ, cũng như hình thành được những độc chiêu.

Thế nhưng cách đây 3 năm, hạng cân này xuất hiện nhân tố mới là Vũ Thị Hằng có tố chất, sức vươn ngang ngửa đàn chị. Tuy vậy, vị trí của Lụa vẫn thuộc hàng không phải bàn cãi và Hằng cũng còn phấn đấu “mệt nghỉ” mới có thể thay thế được đàn chị, chứ chưa nói đến chuyện qua mặt.

Thế nhưng, qua bàn bạc với các HLV, Lụa đã chấp nhận chuyển lên hạng cân 51 kg để nhường lại nội dung sở trường 48 kg cho đàn em. Nhờ thế, vật Việt Nam mới có 2 hảo thủ vượt trội có đẳng cấp gần như ngang nhau ở 2 hạng cân 48kg và 51kg. Tất nhiên, Lụa đã phải chịu thua thiệt rất nhiều vì quyết định của mình. Cô gần như phải điều chỉnh hoàn toàn chế độ dinh dưỡng, tập huấn, thi đấu để nâng được 3 kg, điều khó hơn nhiều so với ép cân xuống.

Năm ngoái, Lụa lại thêm một lần chấp nhận mạo hiểm chuyển tiếp lên hạng 53 kg cho mục tiêu Olympic vì hạng 51 kg có quá nhiều đối thủ. Lần này càng gian khó muôn phần, bởi so với trọng lượng “gốc” của mình, tuyển thủ người Hà Nội phải tăng tới 6 kg. Coi như chị phải làm lại từ đầu.

Cuối cùng, hai lần mạo hiểm “đôn” cân đã mang tới thành quả mĩ mãn cho Lụa và vật Việt Nam. Tất nhiên, điều đó chỉ có thể thành hiện thực bởi phía sau là ý chí cùng sự bền bỉ của một tài năng hiếm có. Tại vòng loại Olympic vừa kết thúc, Lụa có những thắng lợi thuyết phục trước các đối thủ để trở thành một trong hai đại diện của hạng 53 kg giành quyền tham dự Olympic.

Bên cạnh đó, Vũ Thị Hằng, người được Lụa “nhường” hạng 48kg, cũng đã thi đấu vô cùng xuất sắc, trong đó có trận thắng hàng “khủng” So Sym Hyang (Triều Tiên) mà Lụa từng thua vài lần để thẳng tiến tới Brasil.

Suất olympic giá rẻ bất ngờ

Một điều tưởng như nghịch lý, song lại có thật khi thành công ngoạn mục của vật nữ Việt Nam có phần đóng góp đáng kể khi môn vật bị loại khỏi chương trình tranh tài của SEA Games 2015, nơi Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng gần như sẽ không có đối thủ để bảo vệ HCV.

Có lẽ vì mất “oan” HCV SEA Games kèm theo đó là cả trăm triệu tiền thưởng, nên các đô vật nữ càng quyết tâm, nỗ lực hơn cho đích nhắm Olympic. Cùng đó do không dự SEA Games nên vật nữ có “chiến dịch” chuẩn bị cho các cuộc đấu loại một cách bài bản, kỹ lưỡng ngay từ đầu năm 2015, thay vì thường xuyên bị gián đoạn thời gian, phân tán nguồn lực như các môn khác, điển hình như điền kinh.

Trước thềm các cuộc đấu loại chính, họ đã có một chuyến tập huấn, cọ xát chất lượng cao tại Trung Quốc kéo dài 3 tháng, xuyên qua Tết Nguyên đán.

Theo đánh giá của HLV trưởng ĐTQG Đới Đăng Hỷ, vật nữ Việt Nam đã đến Kazakhstan dự vòng loại trong tình trạng thể lực, sự hưng phấn và mức độ hoàn thiện kỹ thuật tốt nhất từ trước tới nay.

Đoạt hai suất chính thức tới Olympic, vật nữ Việt Nam còn khiến làng vật thế giới phải kinh ngạc bởi mức kinh phí đầu tư ít đến mức khó tin. Tính ra, Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng mới chỉ tiêu tốn mỗi người khoảng 150-160 triệu đồng. Do kinh phí quá eo hẹp nên thầy trò họ chỉ có thể tập huấn ngắn hạn tại Trung Quốc, cũng như chọn lựa một vài giải đấu thật sự cần thiết và ít tốn kém để tham dự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.