Làm báo cùng Giao thông

Bí mật trong "vương quốc pơmu" của người Cơ Tu

17/03/2015, 10:43

Ngủ dưới tán rừng già, hơi lạnh thốc lên từ dưới chân núi Zi’liêng mang mùi hương của hơn 2000 cây pơmu tỏa về.

1.1
Một cây pơmu to lớn, uy lực trước các loại cây khác trên “vương quốc pơmu”.
Ảnh: ALăng Ngước

“Vương quốc pơmu” là cái tên mà người dân địa phương đặt cho cánh rừng già hàng trăm héc ta, trải rộng từ địa bàn xã Tr’hy đến A Xan của huyện Tây Giang (Quảng Ngãi), trên quần thể núi Zi’liêng hùng vĩ. Ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, đỉnh núi Zi’liêng quanh năm mây phủ. Nơi đây từng được mệnh danh là “nơi không nhìn thấy mặt trời” và được xem là ngọn núi cao thiêng nhất của đồng bào Cơ Tu từ bao đời. Chuyến đi không theo lịch hẹn, tôi thầm nghĩ mình đã may mắn khi lần đầu tiên được đặt chân đến “vùng đất cấm” chỉ toàn rừng cây pơmu che khuất mặt trời. Nếu không phải là cuộc tuần tra của cơ quan chức năng, muốn đến “vương quốc pơmu” thật không dễ dàng gì.

Ngủ với 2.000 cây pơmu

Vẻ đẹp huyền bí bất chợt hiện ra trước mặt, sau nhiều giờ đồng hồ leo núi. Điểm dừng chân, nhanh chóng được dựng lên bởi vài người dân bản địa thuộc tổ tuần tra của xã A Xan. Đó là một lán trại cũ, cạnh con suối nhỏ, nơi có thể quan sát rất rõ về các cánh rừng già chừng cách hơn trăm mét. Tôi không thể diễn tả hết được sự rộng lớn của “vương quốc pơmu”, mà chỉ có thể biết rằng, ngay phía chân núi nơi chúng tôi đang nằm nghỉ, những ánh nắng ban trưa vẫn không thể xuyên qua tán lá rừng dày đặc.

Cuộc hành trình đến với “vương quốc pơmu”, chúng tôi liên tục đi trên những lớp mùn được hình thành bởi hàng nghìn chiếc lá pơmu xếp lên nhau, tạo cảm giác lạ ở bàn chân. Kinh nghiệm đi rừng của tổ tuần tra mách cho chúng tôi biết, tại nhiều cánh rừng có lớp mùn càng êm, lún sâu cả phần trên mắt cá chân, thì ở khu vực đó luôn có nhiều gỗ cây cổ thụ, tuổi đời có khi đến hàng trăm năm tuổi.

“Đây rồi, mẹ pơmu nghìn tuổi” - ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang reo lên khi phát hiện một cây pơmu “mẹ” ở phía đỉnh núi cách nơi chúng tôi đang đứng chừng hơn chục mét. Đó là một cây pơmu có thân hình đồ sộ, chừng sáu vòng tay người ôm. Ở mỗi gốc cây pơmu được phát hiện mới hoặc màu sơn cũ đã mờ đi, nhìn không còn rõ số, đều được tổ tuần tra cho đánh dấu lại số thứ tự riêng. Những con số được ghi bằng màu sơn đỏ, nổi bật trên từng thân cây gỗ, “vương quốc pơmu” nhìn hệt như ma trận giữa rừng già.

Tôi nhẩm tính, tổng cộng có đến hơn chục đỉnh núi đã được chinh phục. Mồ hôi ướt lưng áo, cái lạnh ở rừng già trở nên mát dịu đến lạ. Đứng trên đỉnh đồi, nơi có đến hơn mười cây pơmu lớn nhỏ, cảm giác mệt mỏi bỗng tan biến. “Có pơmu, thấy người hết mệt mỏi liền” - ông Liếc cười hào sảng, vỗ nhẹ vào thân cây pơmu. Những vỏ cây phủ đầy rêu, xanh rì, tứa các đường rãnh dài nhọn đầy uy lực, tạo sự cuốn hút đến mê hoặc.

Cuối chiều, sương mù bắt đầu di chuyển xuống chân núi. Một cảm giác lạnh tê buốt. Vài tấm bạt được giăng theo hình chữ Z, kéo dài theo những chiếc võng dã chiến cột ngang hàng, ngay ngắn. Lửa bắt đầu được đốt lên. Bữa cơm chiều được dọn sau lễ cúng thần rừng của già làng trong đoàn. Một miếng thịt nướng cùng vài lát gan, máu tươi của heo được đặt ở bàn đá trên gốc cây già.

Kiểm lâm viên Alăng Nhú nói rằng, đó là luật tục của người Cơ Tu khi mỗi lần đặt chân đến vùng đất thiêng này. Bởi người Cơ Tu quan niệm, bất kể vùng đất nào cũng đều có chủ. Cúng thần rừng là để báo cáo với các thần về việc thần dân đến đây, xin tá túc qua đêm. Phần thức ăn ngon nhất, đầu tiên phải được dâng cho thần rừng thưởng thức. “Cúng báo với thần rừng, hàm ý rằng nếu chúng tôi có mạo phạm hay sai sót, mong thần bỏ qua. Bao đời nay, người Cơ Tu vẫn làm thế.

Đó là luật tục riêng với rừng”- Alăng Nhú nói. Người Cơ Tu luôn coi rừng là ngôi nhà chung của cộng đồng. Đó là tài sản vô giá luôn được đồng bào trân trọng, cùng nhau gìn giữ từ muôn đời. Đêm, ngủ giữa 2.000 cây pơmu. Hơi lạnh từ dưới thốc lên, rét buốt. Những chiếc võng cuộn tròn. Chúng tôi ví mình như những con sâu cuốn lá, không dám động đậy. Dưới các kẽ ngón chân, vết tích sau những lần bị vắt cắn vẫn chưa khô máu. Phía góc bếp được dựng tạm, vài thanh niên bản địa run rẩy ngồi hơ lửa, chờ trời sáng.

2.1
Tác giả (trái) và Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc bên trong hốc cây pơmu “mẹ” hàng trăm năm tuổi.

Không được phép xâm hại

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc đùa rằng, ông là người giàu nhất nước. Một “vương quốc pơmu” nguyên sinh với hơn hai nghìn cây là khối tài sản khổng lồ, vô giá. “Rừng cây này là của nhân dân, của cộng đồng người Cơ Tu, đã gìn giữ suốt hàng trăm năm qua” - ông Liếc nói với chúng tôi về rừng cây nguyên sinh còn sót lại duy nhất trên dãy Trường Sơn này. Vị Bí thư Huyện ủy khẳng định, rừng pơmu là rừng cây di sản, được gìn giữ bởi cộng đồng làng, văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu. Đó chính là hàng rào vững chắc, kiên cố nhất mà đôi khi cơ quan chức năng không thể thay thế được.

Sống ở nơi thượng nguồn, rừng xanh là những người bạn “đồng hành” trong cuộc sống sinh tồn của đồng bào vùng cao. Bởi vậy, cộng đồng luôn là chủ thể trong công tác giữ rừng, tránh bị xâm hại. Luật tục từ bao đời, thứ thước đo về ý thức bất thành văn ấy đã giúp đồng bào sống chung được với rừng, với thiên nhiên hoang dã.

“Không một ai được xâm hại đến rừng” - lời căn dặn của già làng đối với con cháu chắc như đinh đóng cột. Suốt hàng trăm năm, rừng cây vẫn xanh tươi bóng mát, minh chứng cho công sức gìn giữ của đồng bào vùng biên Tây Giang. “Vương quốc pơmu”, kể từ khi được chính quyền huyện Tây Giang phát hiện cho đến bây giờ, luôn được xem là cánh rừng thiêng bất khả xâm phạm.

Pơloong Nhí, người ở làng Ganil (xã A Xan) nói rằng, gỗ pơmu quý hiếm trước đây chỉ được dành riêng cho người chết, về bên kia thế giới. Người trong làng, nếu không được sự đồng ý của già làng, trưởng bản không một ai dám mạo phạm đến cõi thiêng này. “Gỗ pơmu săn chắc, lại có mùi thơm, nên được đồng bào dùng để đóng quan tài cho người chết. Mọi công việc khác sử dụng cho người còn sống đều bị cấm kỵ”- ông Nhí nói.

Không có một giấy tờ nào được đưa ra, nhưng người Cơ Tu không ai dám “đụng” đến gỗ cây pơmu, là bởi sợ phạm đến điều cấm và mang điều tiếng không hay. Vài năm trước, đã có người dân địa phương bị chính cộng đồng làng tố cáo với chính quyền vì cố tình xâm hại đến rừng pơmu, buộc phải ngồi tù. Bây giờ, “vương quốc pơmu” trở thành điểm hẹn của những thành viên trong tổ tuần tra được lập nên bởi cộng đồng làng.

Gác công việc gia đình, họ đến với rừng như một phần trách nhiệm của cá nhân, đều đặn mỗi tuần. “Với chúng tôi, rừng pơmu là một phần của máu thịt, là tài sản chung của dân làng cần được gìn giữ”- lời nói của Alăng Xanh, thành viên tổ tuần tra rừng ở làng Arầng 2 (xã A Xan) trên đường trở về từ bóng núi, đã phần nào giải thích vì sao những gỗ cây pơmu hàng trăm năm tuổi, có đường kính trung bình 1 - 2,5m còn tồn tại cho đến ngày nay.

Ông Trần Công Anh, Trưởng trạm Kiểm lâm Bắc Sông Bung cho hay, tại khu vực “vương quốc pơmu” hiện có các chốt chặn của lực lượng kiểm lâm địa bàn, phối hợp với chính quyền các xã để bảo tồn rừng cây quý hiếm. “Rừng còn, Tây Giang còn. Rừng mất, Tây Giang suy vong”. Thông điệp của chính quyền huyện Tây Giang cũng thể hiện rõ quyết tâm cho hệ thống “hàng rào” vững chắc vì một “vương quốc pơmu” xanh và bền vững.

Trở ra từ rừng, chúng tôi ghé trạm dừng chân trên đồi Quế, thuộc xã Tr’hy, tận hưởng cơn gió núi thổi về man mát. “Vương quốc pơmu” bây giờ không còn xa, khi con đường mới đang được mở vào rừng. Trên hành trình hướng đến hình thành sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng làng người Cơ Tu, những trạm dừng chân sẽ tiếp tục được dựng lên, chào đón du khách cùng trải nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.