Thế giới

Bí mật về nơi giới “chóp bu” quân đội Mỹ “trốn” dịch Covid-19

27/04/2020, 06:28

Giới “chóp bu” của quân đội Mỹ cũng đang phải thực hiện các biện pháp tương tự tại Lầu Năm Góc...

img
Cổng vào căn cứ Cheyenne

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, một số đơn vị thông thường được quân đội Hoa Kỳ huy động để xông pha hỗ trợ các lực lượng khác chống dịch.

Nhưng có một bộ phận quân nhân, với những chuyên gia phải lui về hậu cứ, tự cách ly để đảm bảo không lây nhiễm virus nguy hiểm và thực hiện nhiệm vụ giám sát, bảo vệ an toàn cho toàn bộ quốc gia trước các mối đe dọa khác.

Tạm biệt gia đình, tự cách ly trong căn cứ mật

Một trong những bộ phận nhận lệnh tự cách ly để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn quốc gia là các thành viên trong đội giám sát mối đe dọa trên không tại khu vực Bắc Mỹ.

Quyết định này được Bộ Tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) của Mỹ đưa ra ngay tại thời điểm dịch bệnh khởi phát trên lãnh thổ Hoa Kỳ với tốc độ lây lan chóng mặt.

Trong thông báo công khai, Chỉ huy Lực lượng Phòng không Mỹ, đứng đầu NORTHCOM và sĩ quan cấp Tư lệnh của Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ Canada (NORAD) - Tướng Terrence O’Shaughnessy giải thích rõ: “Để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ quốc gia bất chấp đại dịch, các biệt đội theo dõi và chỉ huy của chúng tôi sẽ phân thành nhiều ca và nhóm để làm những nhiệm vụ khác nhau.

Một nhóm chuyển xuống làm việc từ căn cứ ngầm Cheyenne Mountain. Một nhóm khác vẫn làm việc nguyên tại trụ sở ở TP Peterson, bang Minessota”. Ngoài ra, còn những nhóm khác ở một địa điểm bí ẩn chưa từng được công bố.

“Các chuyên gia đầu ngành trong đội kiểm soát và chỉ huy của NORAD cùng NORTHCOM đã rời khỏi nhà, chào tạm biệt người thân và tự cách ly với mọi người để đảm bảo có thể giám sát, bảo vệ quốc gia từng ngày. Đây là giải pháp phù hợp và cần thiết trong tình hình hiện tại”, Tướng O’Shaughnessy nói thêm.

Quyết định của ông O’Shaughnessy chắc chắn không sai bởi diễn biến tình hình dịch Covid-19 cho thấy loại virus chết người này có thể lan nhanh mà không hề gây ra triệu chứng ngay nên rất dễ truyền từ người này sang người kia.

Thực tế, ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát mạnh ở Mỹ, Hải quân nước này chứng kiến không ít ca nhiễm là nhân viên của 3 tàu sân bay lớp Nimitz, đe dọa khả năng hoạt động của lực lượng này tại khu vực Thái Bình Dương.

Giới “chóp bu” của quân đội Mỹ cũng đang phải thực hiện các biện pháp tương tự tại Lầu Năm Góc, thực hiện quy trình cách ly xã hội đối với toàn bộ các lực lượng bao gồm biện pháp cho phép nhân sự có thể làm việc từ xa.

Song, biện pháp này lại bị giới chức e ngại vì tồn tại nguy cơ tin tặc tấn công mạng. Tướng O’Shaughnessy cho hay, NORTHCOM đang đàm phán với Apple để phát triển các giải pháp mở rộng và tăng cường cơ hội làm việc từ xa.

Những căn cứ cách ly hùng hậu

img
Mô tả hệ thống hầm ngầm - boongke ở Mount Weather.

Vậy, bên trong những căn cứ bảo mật mà các chuyên gia cấp cao và giới chức quân sự Mỹ đang cách ly có gì?

Trước hết, về khu phức hợp quân sự Cheyenne Mountain - nơi được mệnh danh là “pháo đài” chỉ huy và giám sát kiên cố, nằm sâu bên trong ngọn núi cùng tên, thuộc dãy núi Trước Mặt trong dãy Rocky hùng vĩ của nước Mỹ. Từ năm 1965 đến năm 2006, khu phức hợp này đã được sử dụng làm trung tâm kiểm soát và chỉ huy đầu tiên của NORAD.

Hơn một thập kỷ qua, hạ tầng nơi đây liên tục được nâng cấp. Năm 2015, NORTHCOM (Bộ Tư lệnh phương Bắc) cùng NORAD (Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ Canada) đã chuyển đổi nhiều chức năng truyền thông liên lạc từ Căn cứ Không quân Peterson sang khu vực này vì lo ngại những mối đe dọa xung điện từ (EMP). “Nhờ bản chất tự nhiên trong cách xây dựng Cheyenne Mountain đã giúp cho căn cứ này có thể chống EMP”, Đô đốc Hải quân Mỹ William Gortney, từng là Chỉ huy NORTHCOM và NORAD thời điểm đó chia sẻ.


Sở dĩ căn cứ an ninh bảo mật cao Cheyenne Mountain nổi tiếng toàn thế giới vì từng được dựng làm bối cảnh trong bộ phim năm 1983 mang tên “War Games”.

Từ năm 2006, NORTHCOM và NORAD tiếp tục sử dụng Checheyn Moutain cho nhiều chức năng khác bao gồm giám sát tên lửa đạn đạo, theo dấu các vật thể trong không gian.

Toàn bộ khu căn cứ bí ẩn được xây dựng sâu 600m dưới tầng granite rắn, đồng thời các căn cứ riêng lẻ được xây trong lòng đường hầm khổng lồ rộng 20km2, với lớp cửa chắn nặng 25 tấn.

Chính phủ Mỹ đã mất 4 năm để xây dựng cơ sở này với ý định thiết kế ban đầu để trú ẩn chống các cuộc tấn công hạt nhân.

Theo thông tin chính thức, NORTHCOM và NORAD chỉ chiếm khoảng 30% không gian vật lý của Cheyenne và lượng nhân sự của hai Bộ Chỉ huy này chỉ chiếm 5% số người tính theo ngày ở bên trong cơ sở này trong điều kiện hoạt động bình thường.

Không chỉ sở hữu diện tích khổng lồ ở sâu trong núi, Cheyenne Mountain còn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sinh sống trong thời gian dài với đầy đủ tiện nghi cần thiết như máy phát điện riêng, hệ thống làm ấm và làm mát, nguồn cung cấp nước.

Đây hoàn toàn là những tính năng lý tưởng giúp các đội giám sát của NORTHCOM và NORAD có thể cách ly, giảm nguy cơ phơi nhiễm với virus Covid-19.

“Còn nhóm nhân viên cấp cao ở lại Peterson phải tuân thủ các biện pháp “cách ly xã hội”, giảm thiểu tương tác với nhau để hạn chế tối đa nguy cơ virus lây lan. Ai được chỉ định ở đâu thì làm việc riêng ở khu vực đó, không di chuyển sang các khu vực khác”, Tướng O’Shaughnessy nói.

Ngoài hai nhóm chỉ huy và quan sát ở Peterson và Cheyenne, còn một nhóm khác được điều đi tự cách ly tại một căn cứ bí mật nhưng không rõ địa điểm.

Thực chất, ngoài Cheyenne, Bộ Quốc phòng Mỹ còn duy trì một loạt các cơ sở ngầm như vậy trên toàn quốc, đảm bảo cho quân nhân Mỹ có thể thực hiện các chức năng cần thiết trong bất cứ trường hợp nào dù là bị tấn công hạt nhân hay đại dịch như Covid-19 mà thế giới đang phải chứng kiến.

Nhiều cơ sở còn có đủ không gian và điều kiện cho phép cả giới “chóp bu” của Mỹ như Tổng thống có thể chuyển tới làm việc nhằm duy trì sự giám sát, chỉ huy và lãnh đạo liên tiếp trong bất cứ trường hợp nào.

Trong bản ghi nhớ được công bố ngày 18/3/2020, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuyên về vấn đề Đảm bảo Nhiệm vụ và Tính liên tục của Quốc phòng, ông Derek Mauer đặc biệt đề cập tới một số khu vực trú ẩn khác của Lầu Năm Góc như Khu phức hợp Núi đá Raven (RRMC) hay còn được gọi tắt là Site R và một thành phố ngầm khổng lồ được xây dựng dưới núi Appalachian, Pennsylvania.

Tọa lạc gần nơi nghỉ dưỡng dành riêng cho Tổng thống ở Trại David, Raven Rock đi vào hoạt động từ những năm 50 của thế kỷ 20 được mệnh danh như “Lầu Năm Góc ngầm” và có chức năng như một trụ sở dự phòng cho các nhân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng khi cần thiết.

Raven Rock cùng Cheyenne Mountain và Trung tâm Vận hành Khẩn cấp Mount Weather - một căn cứ bảo mật khác nằm ở Thung lũng Shenandoah, bang Virginia tạo thành cặp 3 cốt lõi của hệ thống cơ sở dự phòng cho chính quyền Mỹ.

Một phần khu căn cứ Mount Weather được sử dụng làm Trung tâm Chỉ huy chính của Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang (FEMA) - đơn vị đang tham gia vào nỗ lực chống đại dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.