Thế giới

Bị thế giới cô lập, IS điên cuồng lùng bắt con tin

26/09/2014, 13:04

Phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines cũng đe dọa sát hại hai con tin người Đức trong vòng 15 ngày, nếu Đức không chấm dứt ủng hộ liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.

Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng trở nên phức tạp khi công dân những nước trong Liên minh chống IS đang trở thành mục tiêu tấn công của tổ chức này…

 Hiện trường các vụ không kích của Mỹ và liên quân nhắm vào IS ở Syria
Hiện trường các vụ không kích của Mỹ và liên quân nhắm vào IS ở Syria

Làn sóng giết hại con tin

Ngày 24/9, nhóm vũ trang thánh chiến Jund al-Khilifa ở Algeria có liên quan tới IS đã đưa lên internet đoạn video cảnh hành quyết con tin người Pháp Herve Pierre Gourdel. Du khách 55 tuổi này bị bắt cóc ngày 21/9, đến ngày 23 Jund al-Khilifa ra tối hậu thư để Pháp rút khỏi liên minh và chấm dứt không kích IS ở Iraq để đối lấy tính mạng con tin. Với những kẻ cực đoan, Pháp bị coi là kẻ thù của đạo Hồi, chống đạo Hồi mạnh nhất với đạo luật cấm trùm khăn kín mặt và cấm để lộ những dấu hiệu tôn giáo nơi công cộng.

Bảo vệ an toàn cho người Việt tại Iraq và Syria

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 25/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay không có công dân Việt Nam nào ở Iraq và có một công dân Việt Nam đang làm việc ở Syria. Bộ Ngoại giao Việt Nam đang làm việc với các cơ quan liên quan tại Syria để có biện pháp bảo vệ an toàn cho người Việt Nam tại nước này”.

Ông Bình cũng khẳng định: “Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức cũng như các hoạt động bạo lực cực đoan, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan, bảo đảm an toàn cho thường dân”.

 

Đây là vụ hành quyết thứ tư do IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên quan thực hiện, mà nạn nhân là công dân Mỹ và các nước phương Tây trong liên minh chống IS.

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York: “Đồng bào của chúng tôi bị sát hại một cách tàn bạo và hèn hạ” và hôm qua 25/9, ông Hollande triệu tập một cuộc họp an ninh đặc biệt để thảo luận về những động thái tiếp theo, khẳng định quyết tâm tiêu diệt IS.

Cùng ngày, phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines cũng đưa ra thông điệp sẽ sát hại hai con tin người Đức trong vòng 15 ngày, nếu Đức không chấm dứt sự ủng hộ đối với liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu.

Trước đó, IS kêu gọi những người Hồi giáo trên toàn cầu tiêu diệt công dân những nước trong liên minh tham gia không kích tổ chức này.

Vai trò của thế giới Arab

Tờ Le Monde (Pháp) nhận định: “Chính phủ đang tham gia vào một cuộc chiến tranh chống lại tổ chức thánh chiến tự xưng, đây là một cuộc chiến lâu dài và kết cục của nó hoàn toàn không được bảo đảm”.

Theo Le Monde, sự có mặt của 5 nước Arab trong liên minh chống IS mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn quân sự. Nhưng trên thực tế, các nước Arab chịu sự đe dọa trực tiếp của IS hơn là Mỹ và phương Tây; bởi tổ chức này có tham vọng “xóa bỏ các đường biên giới, các quốc gia đang tồn tại trong khu vực”. Tuy nhiên, phản ứng của những nước này lại khá rụt rè.

IS không thể bị đánh bại bằng các chiến dịch không kích. Sự tham gia của thế giới Hồi giáo với một sự cải cách về chính trị và ý thức hệ, tạo điều kiện cho một chiến thắng trước tổ chức này, Le Monde nhận định.

Còn tờ Le Figaro lại nhấn mạnh đến những đe dọa đến từ bên trong nước Pháp: “Hiện có hàng trăm kẻ Hồi giáo cuồng tín, một đạo quân những kẻ cắt cổ giết người, được bảo vệ bởi sự im lặng của cộng đồng nơi chúng đang sinh sống. Trước khi đe dọa những giá trị của chúng ta, IS đe dọa chính những người Hồi giáo khắp thế giới".

Nhà nghiên cứu Hồi giáo - Olivier Zajec của Viện chiến lược và các xung đột (ISC) nhận định: “Chiến dịch không kích của liên quân đang chạy theo một kẻ địch vô hình. IS không phải là một mục tiêu, mà là một mạng lưới sẵn sàng biến hình, tái xuất hiện dưới một cái tên khác, với những hậu thuẫn và nguồn tài chính khác” và “trong cuộc chiến này, người ta chỉ xử lý các hệ quả của 10 năm sai lầm, chứ không tấn công vào các cội rễ của xung đột”.

Ông Olivier Zajec cũng dẫn chứng Mỹ đã từng mở nhiều cuộc tấn công chống khủng bố tại Yemen, Somalia, hay Afghanistan, nhưng chưa bao giờ đạt kết quả cuối cùng.

 

Hôm qua, 15 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ chiến binh nước ngoài tham gia các lực lượng cực đoan. Nghị quyết do Mỹ soạn thảo yêu cầu các quốc gia thành viên đối phó với những người đã tham gia hoặc có kế hoạch sang nước khác gia nhập các nhóm cực đoan. Theo ước tính của các cơ quan tình báo Mỹ, hiện có khoảng 15 nghìn chiến binh từ hơn 80 nước đã đến Syria và Iraq để tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các nhóm cực đoan.

 

Thanh Huyền
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.