Xã hội

Bí thư Hậu Giang nói gì việc CDC mượn kit của Việt Á rồi "cho" trúng thầu?

24/05/2022, 12:17

Ông Thành nhấn mạnh: Nếu mượn trong lúc dầu sôi lửa bỏng để chống dịch thì đáng khen, còn sai phạm trong đấu thầu thì phải xử lý…

Ngày 24/5, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý 2/2022.

img

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nói về những sai phạm liên quan đến Việt Á.

Tại buổi họp báo, nhiều PV quan tâm, đặt câu hỏi về vụ sai phạm liên quan đến Việt Á, khiến nhiều cán bộ vướng vòng lao lý.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hậu Giang đã mượn trước vật tư y tế từ Việt Á, sau đó mới tổ chức đấu thầu mua sắm.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Cần phân biệt rõ việc “mượn” và “đấu thầu”. Nếu mượn trong lúc dầu sôi lửa bỏng để giúp tỉnh nhà và nhân dân chống dịch thì đó là việc làm đáng khen.

Thế nhưng, nếu sau đó tổ chức đấu thầu lại cố tình để bên cho mượn (Việt Á) trúng thầu thì đó là sai phạm.

"Nếu làm tốt thì chúng ta khen, biểu dương, còn sai phạm thì xử lý nghiêm”, ông Thành nói.

Ông Thành gọi sự việc xảy ra vừa qua là một điều đáng tiếc, giữa lúc cả hệ thống chính trị và nhân dân đang đồng lòng chống dịch. Bản thân ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc CDC Hậu Giang cũng là một người luôn đứng trên tuyến đầu chống dịch, đã cống hiến rất nhiều.

Nếu không có vụ việc này, mọi việc, mọi hình ảnh sẽ tốt đẹp hơn. Qua câu chuyện sai phạm liên quan đến Việt Á đã cho thấy bài học về công tác quản lý, điều hành cần phải sâu sát hơn nữa.

img

Nhiều đơn vị ở Hậu Giang mua sắm thiết bị của Việt Á.

Như Báo Giao thông đã thông tin, ngày 11/5 vừa qua, Công an tỉnh Hậu Giang đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc CDC tỉnh Hậu Giang và 2 thuộc cấp.

Ông Lành bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 222 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Hai thuộc cấp là Trưởng khoa của đơn vị này là Huỳnh Thị Hồng Đoan và Hà Tấn Bình Đẳng cũng bị bắt.

Ông Lành, bà Đoan và ông Đẳng bị bắt do vi phạm đối với các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 liên quan Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Theo kết luận thanh tra về việc "Mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc, phòng chống dịch Covid-19 đối với Sở Y tế Hậu Giang về các đơn vị, tổ chức có liên quan", có 3 đơn vị thực hiện hợp đồng mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư xét nghiệm đối với Công ty Việt Á, với số tiền hơn 11 tỷ đồng.

3 đơn vị gồm: Sở Y tế, CDC tỉnh và Bệnh viện Đa khoa TP Ngã Bảy. Có 7 hợp đồng đã ký kết với 31.980 kit test, tương ứng hơn 11,4 tỷ đồng.

img

CDC tỉnh Hậu Giang - nơi ông Lành làm việc.

Trong đó, Sở Y tế Hậu Giang thực hiện ký 3 hợp đồng mua hơn 16.000 kit test của Công ty Việt Á với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng và đã thanh toán 100%.

CDC tỉnh ký 2 hợp đồng mua 10.500 kit test với hơn 3,3 tỷ đồng và đã thanh toán 100%.

Bệnh viện Đa khoa TP Ngã Bảy ký 2 hợp đồng (1 hợp đồng ký trực tiếp và 1 hợp đồng mua của đơn vị khác có liên quan đến Công ty Việt Á), mua hơn 5.300 kit test với số tiền hơn 810 triệu đồng. Trong đó, đã thanh toán hơn 300 triệu, còn phải thanh toán hơn 500 triệu đồng.

Đoàn thanh tra đã phát hiện rất nhiều hạn chế, thiếu sót và lãnh đạo Sở Y tế cùng nhiều cán bộ đang bị xem xét trách nhiệm.

Theo bản kết luận thanh tra, trong năm 2020 - 2021, Sở Y tế Hậu Giang đã thực hiện 47 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 149 tỷ đồng.

Qua kiểm tra 37 gói thầu, đoàn thanh tra nhận thấy có 26/37 gói thầu có thiếu sót như: chưa đăng tải thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu; phê duyệt dự toán không đúng thẩm quyền; quyết định chỉ định thầu nhiều hơn 1 đơn vị trúng thầu...

Đặc biệt, có 2 gói thầu chênh lệch giá rất bất hợp lý. Cụ thể, gói thầu mua que lấy dịch tỵ hầu phục vụ xét nghiệm diện rộng phòng, chống Covid-19, tại thời điểm thực hiện có 2 sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Brother báo giá là 2.200 đồng/que và của Công ty CP Dược phẩm Đại Tín là 3.500 đồng/que.

Nhưng thay vì chọn sản phẩm có giá thấp, Sở Y tế Hậu Giang lại chọn mua sản phẩm có giá cao hơn của Công ty CP Dược phẩm Đại Tín. Sự bất hợp lý này dẫn tới việc phải chi chênh lệch số tiền 195 triệu đồng.

Tương tự là ở một gói thầu mua que lấy dịch tỵ hầu khác của Công ty TNHH Dược phẩm Brother. Tại thời điểm thực hiện gói thầu, Công ty TNHH Dược phẩm Brother báo giá là 2.200 đồng/que, nhưng Sở Y tế Hậu Giang lại ký hợp đồng giá 2.400 đồng/que, dẫn đến chi chênh lệch số tiền 60,8 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng loạt đơn vị trực thuộc khác của Sở Y tế Hậu Giang cũng bị phát hiện nhiều thiếu sót trong công tác đấu thầu, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; phê duyệt dự toán sai thẩm quyền…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.