Thời sự

Bí thư huyện viết thư xin lỗi dân: Đáng tiếc là rất hiếm!

23/11/2014, 12:58

"Một vị Bí thư huyện ủy xin lỗi dân, giải quyết được một vấn đề xã hội thì không phải một hành động nhỏ. Nhưng thật đáng tiếc hành động đó lại đang rất hiếm hoi hiện nay".

ĐBQH - Nhà sử học Dương Trung Quốc
ĐBQH - Nhà sử học Dương Trung Quốc

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với PV về một hiện tượng gây chú ý vừa diễn ra, khi một Bí thư huyện ủy tỉnh Bình Thuận viết thư xin lỗi dân vì sự “chậm trễ đáng tiếc”...

Một câu chuyện vừa diễn ra khiến người dân trong vùng thấy “lạ và vui” khi trực tiếp ông Bí thư huyện ủy Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã viết thư xin lỗi dân vì có sự chậm trễ trong hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Ông có suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này?

Tôi cho rằng lẽ ra câu chuyện đó có thể trở thành hiện tượng bình thường được. Nhưng trên thực tế nó lại trở thành lạ lẫm là bởi câu chuyện đó không mấy khi xảy ra. Còn quan tạ lỗi với dân trong lịch sử có nhiều chứ, anh làm sai anh tại lỗi cũng là chuyện bình thường.

Theo ông vì sao cái bình thường của ngày xưa lại trở thành hiện tượng hiếm bây giờ?

Ngày xưa cơ cấu làng xã, cộng đồng có những cái vị thế xã hội rất mạnh. Cái thứ hai ngày xưa quan được người ta gọi là cha mẹ dân cho nên họ có trách nhiệm, có vị thế đối với dân. Khi người ta xin lỗi dân là tỏ một cái thái độ hết sức trọng thị. Điều này trong tập quán xã hội trở thành hiện tượng bình thường.

Người xưa gọi “quan phụ mẫu” chính là nói trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, chứ không phải quyền lực của cha mẹ đối với con cái. Còn bây giờ chúng ta lại gọi ngược lại “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Nhưng theo tôi, khi chúng ta dùng chữ “đầy tớ” là không đúng. Chữ “công bộc” khác với hai chữ “đầy tớ”, vì "công bộc" được coi là một sự phục vụ.

Bức thư xin lỗi ông Bí thư huyện ủy Hàm Thuân Bắc gửi người dân (Ảnh Tuổi Trẻ)
Bức thư xin lỗi ông Bí thư huyện ủy Hàm Thuân Bắc gửi người dân (Ảnh Tuổi Trẻ)

Ông suy nghĩ gì khi cái bình thường ngày xưa lại trở thành lạ lẫm với bây giờ?

Tôi cho rằng hiện tượng đó không nên trở thành một hiện tượng hiếm như vậy. Tất nhiên sau lời xin lỗi phải giải quyết được vấn đề với dân mới là quan trọng.

Xin lỗi rất quý nhưng cái quan trọng hơn cả là những việc làm của họ sau lời xin lỗi ấy. Xin lỗi xong, phải trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân, và phải xử lý đối với những người làm sai chứ không phải để cho qua.

Điều đó cũng thể hiện mối quan hệ trong bộ máy, mà chúng ta đang rất băn khoăn hiện nay về tình trạng trên bảo dưới không thực hiện được.

Ông có cho rằng việc viết thư xin lỗi của ông Bí thư huyện ủy có thể chỉ là một hành động nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn?

Tôi cho rằng đó không phải là một hành động nhỏ. Vì khi nó đã giải quyết được vấn đề xã hội thì sao lại có thể coi là nhỏ được? Chỉ có điều đáng tiếc là nó còn hiếm hoi trong xã hội thôi.

GPMB là một câu chuyện lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Đồng thời nó có thể mang lại lợi ích của một nhóm người nào đó, cho nên sự xung đột rất rõ. Vì ngay trong luật cũng khó có thể điều chỉnh được và cũng có những người dùng quyền lực của mình để áp đặt. Hơn nữa cũng phải nói, người dân cũng không có chuẩn nào để nói mình đúng cả.

Cái khó ở chỗ đó. Lẽ ra chúng ta phải có một cơ quan trọng tài độc lập, khách quan sẽ giải quyết tốt được vấn đề. Nhiều nơi hiện nay cũng có cái thuộc về quan chức, nhưng cũng có cái thuộc về dân chứ. Theo tôi, cái khó nhất của chúng ta hiện nay vẫn là luật pháp không được rõ ràng.

Xin cảm ơn ông!

Trước đó, báo Tuổi trẻ đưa tin: Bí thư huyện ủy Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Chỉnh đã viết thư xin lỗi gửi bà Võ Thị Thu Hương (thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Bức thư xin lỗi có nội dung: “Với trách nhiệm là bí thư Huyện ủy, tôi thành thật xin lỗi gia đình chị về việc chậm trễ đáng tiếc này. Để khắc phục tình trạng trên, tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khẩn trương triển khai các nội dung công việc được giao nhằm sớm giải quyết thấu tình, đạt lý những đề nghị của gia đình chị. Mong gia đình chị an tâm”.

Theo Thành Nam/Infonet

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.