Xã hội

Bí thư Kiên Giang nói gì về đất đai ở đặc khu Phú Quốc?

07/06/2018, 08:42

Theo Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, tình hình đất đai ở đặc khu Phú Quốc đã có chuyển biến tốt hơn.

bi-thu-kien-giang

Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị

Dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu kinh tế) đang trong tâm điểm của dư luận khi nhận được rất nhiều ý kiến. Cùng với sự hình thành của các đặc khu, đất đai tại các nơi này cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về tình trạng đất đai ở Phú Quốc – một trong ba đặc khu được lựa chọn.

Công khai quy hoạch, tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về quản lý đất đai ở đặc khu, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng các địa phương dừng giao dịch đất đai đặc khu là trái pháp luật. Vậy Kiên Giang việc này được thực hiện như thế nào?

Kiên Giang quản lý theo quy hoạch, trong khi chờ pháp lý là luật Đặc khu, tỉnh đã tạm dừng chuyển mục đích, chuyển mục đích phải theo quy hoạch; tạm dừng tách thửa theo luật Đất đai để rà soát quy hoạch; còn giao dịch thì Kiên Giang không tạm dừng. Các cấp chính quyền của Kiên Giang đều thực hiện theo hướng đó, tất cả làm đúng theo quy hoạch.

Việc Kiên Giang được nhận định là không quản lý tốt giao dịch đất ngầm phải chăng do không “đóng băng giao dịch” như Quảng Ninh?

Khi nghe mấy địa phương ngừng giao dịch thì địa phương cũng rất băn khoăn. Chúng tôi trao đổi với anh em ngoài này xem quy định pháp luật thế nào, cân nhắc lắm. Nhưng trong phạm vi tỉnh, Thủ tướng chỉ yêu cầu rà soát quy hoạch, để chuyển đổi mục đích cũng phải đúng quy hoạch, đang quy hoạch thế chuyển sang mục đích khác là không được. Bên cạnh đó là rà soát, tìm tư vấn thực hiện quy hoạch để phù hợp với định hướng.

Vừa qua, Chủ tịch huyện Phú Quốc bị kỷ luật vì liên quan đến đất đai. Có phải do không quản lý được việc lũng đoạn, đầu cơ đất đặc khu, thưa ông?

Việc đó tỉnh đã làm trước, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện trước khi có thanh tra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn thì Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh đã thực hiện trước. Để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, thực hiện cả tỉnh chứ không riêng gì địa bàn nào.

Trong báo cáo của Chính phủ có nhận định là Kiên Giang, Khánh Hòa có nhiều giao dịch đất ngầm mà không kiểm soát được. Đây có phải thực tế hiện nay đang xảy ra, thưa ông?

Thanh tra Chính phủ đang triển khai thanh tra, khi nào có kết quả thanh tra thì sẽ cụ thể hơn. Về biện pháp quản lý của địa phương thì chúng tôi công khai quy hoạch, khuyến cáo cho mọi người biết quy hoạch thế, các giao dịch ngầm là không đúng quy định của pháp luật.

Kiên Giang cũng đã có báo cáo, Thanh tra Chính phủ cũng đang làm, sau khi thanh tra có kết quả thì sẽ rõ hơn.

Một số ĐB cũng lo ngại Luật đặc khu chưa ra đời mà đất đai đã “chia” hết?

Địa phương chúng tôi đã có báo cáo tình hình gửi Thanh tra Chính phủ, cứ đợi kết thúc thanh tra rồi sẽ thanh tra công bố. Tuy nhiên, tình hình ở Kiên Giang cũng đã có chuyển biến.

Thanh tra đất ở Phú Quốc là thanh tra theo kế hoạch

Có phải sau khi tình hình đất đai đặc khu nóng lên thì thanh tra Chính phủ mới vào cuộc, thưa ông?

Không phải. Đây là thanh tra thường xuyên theo kế hoạch, thanh tra cả tỉnh chứ không riêng gì Phú Quốc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về nhiều mặt thực hiện của Kiên Giang, trong đó có cả đất đai, khoáng sản...

Vậy khi nào sẽ có kết luận thanh tra về việc này, thưa ông?

Theo quy định thanh tra 70 ngày, tùy theo tiến độ của đoàn triển khai, giờ cũng đã được hơn 1 tháng rồi. Thanh tra không chỉ riêng đất đai mà môi trường, khoáng sản, các huyện nữa chứ không riêng gì Phú Quốc.

Đề án của đặc khu Phú Quốc có chỉnh sửa nhiều so với phiên bản đã trình ở kỳ họp trước không, thưa ông?

Đề án được thực hiện song song với luật, trên tinh thần của luật. Còn khi Quốc hội đã quyết luật thế nào thì Đề án sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện theo, vì đề án thông qua tại kỳ họp sau. Trước đây Quốc hội dự định thông qua đề án cùng với luật, nhưng bây giờ đã quyết định để lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp đầu tiên của Ban chỉ đạo luật Đặc khu có chỉ đạo các địa phương phải chuẩn bị để ngay khi luật thông qua thì mô hình đặc khu có thể vận hành được ngay, vậy địa phương đã chuẩn bị đến đâu?

Địa phương từ chỉ đạo của Thủ tướng đã có triển khai một bước chuẩn bị, khi nào có cụ thể thì địa phương sẽ thực hiện.

Về các phương án lựa chọn cán bộ của đặc khu tỉnh đã tính đến chưa, thưa ông?

Chỉ đạo chính thức về việc này chưa có, mới đang trong giai đoạn chuẩn bị. Hiện Trung ương cũng chưa có hướng dẫn gì, đến khi nào Trung ương chỉ đạo, Chính phủ chỉ đạo thì địa phương sẽ thực hiện.

Còn về phía địa phương, chúng tôi chỉ rà soát lại để đánh giá cán bộ của mình để đảm đương được nhiệm vụ.  

Không có chuyên đề thanh tra đất đai tại các đặc khu

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng khẳng định, Thanh tra Chính phủ không có chuyên đề thanh tra về đất đai tại các đặc khu mà chỉ nổi lên ở Phú Quốc, do có đoàn thanh tra về đất đai, nên ghép nội dung đó vào.

Liên quan đến chuyển nhượng đất ở đặc khu, ông Khái nói không bình luận gì và cho biết thêm, hiện Thanh tra Chính phủ cũng chưa có kế hoạch nào cho chuyên đề này, cũng chưa có chỉ đạo gì. Thanh tra Chính phủ chỉ đang tiến hành hoạt động thanh tra theo kế hoạch 2018, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý đất đai ở Phú Quốc.

Về nghi vấn nhiều doanh nghiệp sân sau trúng thầu, bán dự án ăn chênh lệch ở đặc khu mà kiểm toán đã vào cuộc chỉ ra, một số ĐBQH đề nghị Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm rõ, tuy nhiên, ông Lê Minh Khái cho rằng, thanh tra với kiểm toán làm phải có phối hợp, tránh chồng chéo, những gì kiểm toán đã làm thì thanh tra không làm nữa. Như vậy cũng để rõ ràng và tăng cường trách nhiệm của mỗi cơ quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN được thanh tra, kiểm toán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.