Chính trị

Bí thư Nguyễn Xuân Anh: Đồng thuận, đưa Đà Nẵng lên tầm cao mới

27/03/2017, 13:25

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: Cái được lớn nhất với TP chính là “được lòng dân”.

22

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

20 năm trở thành thành phố trực thuộc T.Ư (1/1/1997 - 1/1/2017), Đà Nẵng ghi dấu ấn phát triển, chuyển mình mạnh mẽ với thương hiệu thành phố (TP) đáng sống nhất Việt Nam. Trao đổi với Báo Giao thông về những thành tựu này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: Cái được lớn nhất với TP chính là “được lòng dân”.

Ông có thể đánh giá những thành tích nổi bật sau 20 năm Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc T.Ư?

20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong xây dựng, phát triển TP và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Không gian đô thị mở rộng gấp 4 lần so với năm 1997. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Trong đó du lịch - dịch vụ đang trở thành ngành mũi nhọn, đưa Đà Nẵng trở thành TP văn hóa - du lịch - sự kiện của khu vực và cả nước. TP cũng đã làm tốt công tác an sinh xã hội với chương trình TP “5 không, 3 có” và gần đây là chủ trương Năm văn hóa, văn minh đô thị, chương trình “TP 4 an”, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Nền hành chính được xây dựng hiện đại, theo hướng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử. Nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số ứng dụng và phát triển CNTT (ICT-Index), chỉ số cải cách hành chính (PARI)... Với việc được lựa chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017, đã khẳng định vị trí, vai trò của TP trên bản đồ đối ngoại.   

Có thể nói, trong 20 năm qua, “cái được” lớn nhất của Đà Nẵng là “được lòng dân”. TP xác định phương châm hành động của cả hệ thống chính trị là tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận cao nhất trong các tầng lớp nhân dân, “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ” để đưa Đà Nẵng tăng tốc phát triển, lên những tầm cao mới.

Với công tác xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng triển khai các giải pháp đột phá gì để trở thành điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thưa ông?

Thống kê năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng ước đạt gần 3.100 USD, tăng 7 lần so với năm 1997; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần; Tổng vốn đầu tư phát triển trên 34.000 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần.

Đà Nẵng thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hợp tác và liên kết khu vực. Tranh thủ nguồn vốn T.Ư, bộ, ngành chức năng, nguồn lực xã hội. TP nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, nhất là các tập đoàn đa quốc gia… Phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế. Hiện, có 38 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Đà Nẵng với 391 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 3,49 tỷ USD. Trong đó, đã thu hút được 1 dự án đầu tư vào Khu CNTT tập trung, vốn đầu tư 32 triệu USD và 2 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với số vốn đạt 70 triệu USD. Đà Nẵng đã thu hút được 456 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt gần 74.000 tỷ đồng. Tập trung vào các lĩnh vực bất động sản - du lịch, bệnh viện, giáo dục, xây dựng và công nghiệp chế biến… Nhiều nhà đầu tư và các dự án lớn, như: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Sun Villas, Bà Nà Hills của Sun Group; Dự án Trung tâm thương mại Riverview Complex, Bệnh viện Vinmec của VinGroup; Dự án Furama Resort của Tập đoàn Sovico…

23
Ông Thân Hóa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CECO545, 1 trong 3 doanh nghiệp “họ” giao thông được Đà Nẵng tuyên dương trong số 20 doanh nghiệp tiêu biểu

Tuy nhiên, như ông từng nhìn nhận, Đà Nẵng chưa có nhiều nhà đầu tư “thực sự lớn, mạnh”, điều này được khắc phục ra sao trong những năm tới, thưa ông?

Để khắc phục hạn chế về dòng vốn đầu tư còn hạn hẹp cả về vốn đăng ký, vốn thực hiện, số lượng dự án, lao động và vốn đầu tư nước ngoài còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của TP, Đà Nẵng đã ban hành Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn đến đầu tư và kinh doanh; Phấn đấu thu hút được từ 1 - 2 tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài, công ty xuyên quốc gia đầu tư vào TP. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ chế chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, một số ngành ưu tiên; Nghiên cứu ý tưởng quy hoạch phát triển Đặc khu kinh tế tại Đà Nẵng theo trục Tây - Bắc; Tập trung đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư, như thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng...

Giao thông “đi trước mở đường” đã và đang góp phần quan trọng tạo thành tố thu hút các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Ông đánh giá gì về sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn?

Ngay trong năm đầu tiên chia tách tỉnh, ngành GTVT thành phố đã triển khai trên 40 công trình giao thông và liên tục trong những năm sau đó, mỗi năm đều triển khai thêm rất nhiều công trình khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo Đà Nẵng gần như thay đổi hẳn, mạng lưới đường bộ phát triển nhanh, đồng bộ theo hướng hiện đại từ giao thông đối nội đến đối ngoại giúp Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị TP cả 4 hướng. Nhiều công trình làm nên tên tuổi TP như hàng loạt cầu mới qua sông Hàn, nút giao thông khác mức. TP thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng hầm qua sông Hàn và cải tạo, nâng cấp một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Nhờ sự quan tâm của các bộ, ngành T.Ư, hệ thống giao thông đối ngoại của TP tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ. Điển hình là các dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan, nâng cấp cảng Tiên Sa - giai đoạn 2, xây mới Nhà ga quốc tế CHK Đà Nẵng… Có thể nói, giao thông làm thay đổi sâu sắc diện mạo TP theo hướng văn minh, hiện đại; Đóng góp lớn vào phát triển KT-XH, thay đổi về đời sống văn hóa, tinh thần cho các cộng đồng dân cư, tạo cho Đà Nẵng sức bật mới.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.