Xã hội

Bí thư Thăng: Chương trình chống ngập 97.000 tỷ... chưa biết trông vào đâu

23/10/2016, 08:37

"Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ giảm từ 23% xuống 17% giai đoạn 2017 - 2020 là chưa phù hợp..."

Bi thu Dinh La Thang

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng, trong bối cảnh thành phố có nhiều thách thức lớn, việc giảm tỷ lệ ngân sách TP được giữ từ 23% xuống 17% là chưa phù hợp

Chiều 22/10, các ĐBQH có buổi thảo luận tại tổ về các nội dung quan trọng liên quan tới Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Phát biểu tại phiên thảo luận của đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng - trưởng đoàn ĐBQH TP đề cập đến những thách thức rất lớn mà thành phố đang gặp phải. Đặc biệt là các vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập nước... đều chưa đủ nguồn lực để giải quyết. "Sân bay Tân Sơn Nhất dự báo đến năm 2020 đạt 25 triệu khách, nhưng riêng năm nay dự kiến đón khoảng 32 triệu khách. Vậy là quá tải cả trên trời và dưới đất, có khi đi máy bay giữa trời nửa tiếng, thậm chí cả tiếng mới đáp được. Hơn nữa, mỗi lần ngập úng do triều cường hay do mưa lớn, người dân thành phố đều rất khổ, song đến nay chương trình chống ngập 97.000 tỷ đồng "chưa biết trông vào đâu" - Bí thư Thăng lấy dẫn chứng và chia sẻ những khó khăn, thách thức của thành phố.

Về trụ sở làm việc, người đứng đầu TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, trụ sở làm việc của các cơ quan của thành phố đều rất chật chội, sập xệ, đến nỗi vừa rồi đoàn công tác của Chính phủ vào làm việc với Sở Kế hoạch & Đầu tư đều phải... ngạc nhiên. Trong điều kiện khó khăn ấy, Bí thư Thăng chia sẻ, các Sở ngành không có tiền sửa chữa chứ đừng nói là xây mới.

Nêu thực tế phải “thắt lưng buộc bụng” của TP.HCM như vậy, nhưng Bí thư Thăng cho rằng đó không phải thành phố "kêu khổ" mà cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng để có đề xuất với Quốc hội, làm sao cùng chia sẻ cho cả nước và cũng phải chăm lo cho "đầu tàu" của cả nước để có "tốc độ chạy nhanh hơn".

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Phó Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu một thực tế từ trước đến nay, thành phố dường như chưa bao giờ bàn lùi trước những chỉ tiêu được giao, mỗi khi khó khăn đều ngồi lại tìm ra phương án.

Bà Tâm cho biết, khi Trung ương cắt giảm ngân sách thì thành phố cũng không thể giảm chi thường xuyên vì thực tế đã giảm đến mức tối đa. "Xe thì đa số là xe cũ, đồng chí này nghỉ hưu thì để lại cho đồng chí khác dùng chứ không có chuyện nhậm chức là mua xe mới” - bà Tâm dẫn chứng.

Phó Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vào hạ tầng, mà điều này sẽ để lại hệ lụy rất lớn, gây tác động nhiều chiều. Cụ thể nhất, nếu cắt giảm ngân sách như vậy thì đầu tư cho an sinh xã hội giảm, người dân sẽ không an tâm sinh sống hay có các hoạt động đầu tư...

“TP.HCM sẽ không thể nào chịu nổi. Giảm một cách đột ngột như vậy, thì nền kinh tế trở tay không kịp nên Chính phủ và Quốc hội cần phải xem xét” - bà Tâm kiến nghị và cho rằng, nếu giảm 2% (từ 23% xuống 21%) tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại thì hợp lý hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.