Góc nhìn

Bí tiền, phiến quân IS chiếm di sản, bán cổ vật?

09/03/2015, 07:37

IS bắt giữ thêm các con tin người nước ngoài, đồng thời tiến hành các vụ buôn bán cổ vật để lấy kinh phí.

IS

Bức tượng khổng lồ "Con bò có cánh" tại thành cổ Nimrud đã thành dĩ vãng dưới bàn tay IS

Tăng cường bắt con tin, chiếm mỏ dầu

Hôm qua, giới chức an ninh cho biết, ít nhất 9 công dân nước ngoài mất tích, trong đó có hai người châu Âu, sau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công mỏ dầu Al-Ghani, miền Nam Libya. Vụ tấn công đã khiến 8 nhân viên bảo vệ thiệt mạng. Lực lượng an ninh đã chiếm lại giếng dầu sau vài giờ.

Cuối tuần trước, các tay súng thuộc chi nhánh IS tại Libya cũng đã thực hiện các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu tại miền Đông nước này, buộc Công ty dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) phải tuyên bố ngừng hoạt động 11 mỏ dầu.  Ngoại trưởng Czech - Lubomir Zaoralek nói, một công dân Czech nằm trong số những người mất tích.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Australia cũng xác nhận một công nhân Australia mất tích. Danh tính cụ thể những người mất tích chưa được tiết lộ, cũng chưa có thông tin tiền chuộc cho những người này. Giới chức an ninh lo ngại, họ đã bị phiến quân IS bắt giữ.

Hiện chưa có thông tin khẳng định những người mất tích sa vào tay IS. Tuy nhiên, khả năng đó là rất cao. Bởi, theo thống kê từ cơ quan tình báo Mỹ, phiến quân IS có thể kiếm được 3 triệu USD/ngày từ những nhà tài trợ cực đoan, buôn bán cổ vật, dầu mỏ và buôn người.

Mới đây nhất, theo Xinhua, phiến quân IS còn kiếm được 1 tỷ USD mỗi năm từ buôn bán ma túy. Ông Viktor Ivanov, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát ma túy liên bang Nga cho biết, số lượng lớn cây anh túc đang được vận chuyển thông qua các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát ở Iraq tới châu Âu và hơn một nửa số heroin được chuyển tới châu Âu qua các vùng lãnh thổ của Iraq. 

Tàn phá di sản, bán cổ vật

Hôm qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên án mạnh mẽ phiến quân IS vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế bởi hành động tàn phá các di sản văn hóa tại thành phố cổ Nimrud. Ông Ban Ki-moon khẳng định, hành động đó cấu thành tội ác chiến tranh cũng như tấn công vào nhân loại nói chung.

Trước đó, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của LHQ (UNESCO) Irina Bokova cũng mạnh mẽ chỉ trích hành động của IS, coi “tội ác” này là một cuộc tấn công khác vào người dân Iraq và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các cuộc tấn công này tái diễn cũng như đóng góp trực tiếp tài chính cho khủng bố thông qua buôn bán các cổ vật.

Thông báo chung sau cuộc gặp giữa ông Ban Ki-moon với bà Irina Bokova nói: “Việc phá hủy có chủ ý những di sản văn hóa chung của chúng ta là tội ác chiến tranh và là cuộc tấn công vào toàn thể nhân loại nói chung”.

Thành phố cổ Nimrud, được coi là một kho báu có từ thời văn minh Lưỡng Hà, nằm cách bảo tàng Mossoul khoảng 30 km về phía Nam và nằm trong tầm khống chế của phiến quân IS suốt 8 tháng qua. Sau khi tàn phá bảo tàng Mossoul, IS quay sang phá hủy thành phố cổ này. Máy xúc, máy ủi đã được huy động để san bằng mọi lăng tẩm, đền điện, các bức tượng, phù điêu khổng lồ. 

Những cổ vật có thể bán được, IS sẽ đem bán tại chợ đen ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ... Đây cũng là một nguồn thu quan trọng khi doanh thu từ dầu mỏ bị giảm sút do các mỏ dầu của tổ chức này liên tục bị liên quân quốc tế không kích. Hiện IS đang triển khai một mạng lưới buôn lậu đồ cổ. Năm ngoái, có thời điểm IS kiếm được gần 40 triệu USD/tháng khi bán những cổ vật có tuổi đời 8 nghìn năm của Syria, theo Guardian.

Hiện, dư luận đang lo lắng cho thành phố Hatra - được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới sẽ là mục tiêu kế tiếp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.