Quản lý

Bị “tố” cản trở doanh nghiệp, Cục trưởng Đăng kiểm nói gì?

11/05/2017, 08:45

Theo Cục Đăng kiểm VN, doanh nghiệp phản ứng Thông tư 43 vì muốn đóng tàu PPC lớn hơn, chở nhiều người hơn...

cuc-truong-dang-kiem

Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình khẳng định "chưa có kết quả thử nghiệm đảm bảo an toàn thì không được phép đóng tàu chở khách bằng vật liệu PPC".

Gần đây, một số báo cho rằng, Cục Đăng kiểm VN đã tham mưu sai để Bộ GTVT ban hành quy chuẩn đóng tàu bằng vật liệu mới polypropylen copolyme (PPC) được cho là cản trở doanh nghiệp. Báo Giao thông đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình để làm rõ vấn đề này.

Vì sao chưa cho phép đóng tàu chở trên 12 người dùng vật liệu PPC?

Với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa bằng vật liệu PPC có hiệu lực từ 28/7 tới đây, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện thủy chế tạo bằng PPC. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn “tố” quy chuẩn trên gây cản trở sản xuất, thưa ông?

Chuyện dùng vật liệu PPC để chế tạo phương tiện thủy nội địa tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2012. Một doanh nghiệp ở Cộng hòa Séc dùng loại vật liệu này đóng tàu vui chơi, giải trí, sau khi ngừng hoạt động thì chuyển giao công nghệ sản xuất cho một doanh nghiệp trong nước. Từ đó đến nay, ở Việt Nam có 2 cơ sở thử nghiệm dùng PPC để đóng tàu là Công ty CP Công nghệ Việt - Séc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Công ty CP Công nghệ James Boat (Hà Nội). 

Thực tế, trên thế giới họ không dùng PPC để đóng tàu thương mại. Chỉ có Séc và một vài nước dùng vật liệu này đóng thuyền vui chơi giải trí hoặc công tác. Các tổ chức đăng kiểm quốc tế cũng không có quy chuẩn đăng kiểm loại phương tiện này.

Vì vậy, khi 2 doanh nghiệp đề nghị cơ quan Nhà nước kiểm tra, cấp phép cho tàu PPC, Bộ GTVT yêu cầu thành lập Tổ công tác gồm Cục Đăng kiểm VN cùng các đơn vị của Bộ GTVT, chuyên gia về vật liệu cùng doanh nghiệp sản xuất loại tàu trên nghiên cứu, thử nghiệm để có căn cứ quyết định.

Trải qua gần 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 43 cho ứng dụng vật liệu PPC vào chế tạo phương tiện thủy có chiều dài dưới 20m, sức chở đến 12 người.

Điều khiến doanh nghiệp sản xuất phản ứng Thông tư 43 vì muốn đóng tàu bằng PPC lớn hơn, chở được nhiều người hơn...

Tại sao Bộ lại không cho phép đóng tàu PPC chở trên 12 người, khi nó được chứng minh là an toàn với tàu dưới 12 người?

Chúng tôi đã cùng doanh nghiệp trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu của 11 phương tiện thủy cỡ nhỏ và 2 bến nổi đóng bằng PPC. Kết quả đánh giá cho thấy, PPC phù hợp để đóng phương tiện thủy nội địa có sức chở đến 12 người. Để đóng phương tiện chở khách, tàu du lịch trên 12 người, cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để có căn cứ khoa học đầy đủ mới có thể đề xuất cho phép áp dụng.

Nhiều người thắc mắc: 9 người thì khác gì 12-13 người mà các ông cấm? Tôi xin được giải thích dễ hiểu thế này, các phương tiện có sức chở đến 12 người (không kể thuyền viên, người lái phương tiện) như ca nô, xuồng, tàu công tác… có các yêu cầu về an toàn kỹ thuật thấp hơn, bởi phạm vi hoạt động, đối tượng và tính chất sử dụng không quá phức tạp đối với yêu cầu cứu hộ, cứu nạn. Máy tàu để ngoài vừa không tốn diện tích, vừa không gây cháy nổ trong cabin vì nhiệt độ cao, ngoài ra các tàu này không có khoang khách, khi gặp sự cố có thể mặc áo phao, phao thoát ra ngoài dễ dàng.

Còn phương tiện sức chở trên 12 người (không kể thuyền viên) thuộc nhóm phương tiện chở khách, tàu du lịch, có tàu chở đến vài chục hoặc hơn trăm người. Yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu chở khách, tàu du lịch cao hơn rất nhiều. Vật liệu dùng để chế tạo phương tiện cũng phải đảm bảo an toàn cao nhất, phòng ngừa các rủi ro dẫn đến tai nạn, sự cố, cháy nổ. Mà thực tiễn là chưa có tàu PPC nào trên thế giới được đóng chở trên 12 người và ở Việt Nam đang thử nghiệm tàu trên 12 người nhưng chưa thành công.

Năm 2015, Bộ GTVT đã có văn bản nêu rõ “pháp luật không cấm việc đóng tàu bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng nhưng phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện...”.

Quan điểm của tôi là chưa có kết quả thử nghiệm về an toàn thì không được phép đóng tàu chở khách cỡ lớn bằng vật liệu PPC.

Thử nghiệm tàu PPC cỡ lớn liên tục gặp sự cố  

Dựa vào đâu ông khẳng định, PPC không đủ an toàn để đóng tàu chở khách?

Để có căn cứ thực tế xây dựng quy chuẩn và cấp phép đăng kiểm cho tàu PPC, Cục Đăng kiểm VN tham khảo các quy định liên quan đã duyệt thiết kế đóng mới, cho phép đóng 13 tàu chở người (11 phương tiện chở từ 12 người trở xuống; 2 tàu khách sức chở 32 người và 56 người) và 2 bến nổi hoạt động thử nghiệm.

Kết quả thử nghiệm thực tế cũng như dựa theo tài liệu nhà sản xuất vật liệu đều cho thấy, PPC dễ cháy, chảy rão và độ bền kém khi chịu tác động về nhiệt, tải trọng, mối hàn... Nếu so với các vật liệu quen thuộc đang được sử dụng để đóng phương tiện thủy chở khách trên 12 người thì PPC có nhiều nhược điểm. Thực tế,  tất cả các cơ quan đăng kiểm chúng tôi hợp tác đều không cấp chứng nhận cho loại tàu này. Cũng chưa có nước nào thử nghiệm tàu làm bằng PPC có sức chở trên 12 người.

Trong quá trình thử nghiệm, 11 tàu PPC có sức chở đến 12 người chưa có phản hồi nào về sự cố mất an toàn kỹ thuật. Đây cũng là căn cứ thực tế để Bộ ban hành quy chuẩn và cho phép sản xuất.

Còn 2 tàu có sức chở 32 người và 56 người được sử dụng thử nghiệm tại vịnh Nha Trang từ năm 2015 đến nay gặp nhiều sự cố kỹ thuật nên cần tiếp tục thử nghiệm, đánh giá toàn diện mới có thể được cấp phép.

Nhưng 2 tàu chở khách này cũng đã được chính đăng kiểm duyệt thiết kế, cho phép đóng, tại sao không an toàn lại được đưa ra chở khách, thưa ông?

Theo đề xuất của cơ sở sản xuất, Bộ GTVT đồng ý cho cơ sở sản xuất được thiết kế, chế tạo và sử dụng thử nghiệm trong 3 năm để làm cơ sở đánh giá ứng dụng vật liệu, với các điều kiện hoạt động riêng bắt buộc nhà sản xuất và đơn vị khai thác phải tuân thủ. Việc thử nghiệm phục vụ đánh giá, nghiên cứu thực tiễn để hoàn thiện quy chuẩn, hướng tới chế tạo đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nếu phát hiện các vấn đề không đảm bảo an toàn, chúng tôi chắc chắn không cho phép tiếp tục sản xuất.

Vừa qua, tàu chở 56 người bị nước tràn vào buồng máy. Chúng tôi đang đánh giá để xác định do thiết kế hay do đặc tính vật liệu thân tàu, vách sau buồng máy không đủ độ cứng vững, dẫn đến hiện tượng trục nối bị đảo khi quay. Đây là vấn đề cần tiếp tục theo dõi trong quá trình sử dụng thử nghiệm tiếp theo để đưa ra kết luận.

Đăng kiểm nước ngoài không được phép đăng kiểm tàu PPC?

Có ý kiến cho rằng, với lô tàu này, Đăng kiểm Việt Nam không công nhận kết quả của đăng kiểm CS LLoyds là trái thông lệ quốc tế?

Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất ban hành quy chuẩn về đóng phương tiện bằng PPC, trong khi các tổ chức đăng kiểm quốc tế và ngay cả CS Lloyds chưa hề có quy chuẩn cho tàu PPC sức chở quá 12 người. 

Hơn nữa, theo quy định của Việt Nam và cam kết WTO, các tổ chức đăng kiểm nước ngoài không được phép thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại Việt Nam nên không có chuyện Đăng kiểm VN làm sai. 

Được biết, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội mới làm việc với Cục Đăng kiểm VN về vấn đề này, kết luận cuộc họp như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ những vấn đề liên quan đến nội dung ứng dụng PPC vào đóng tàu, lý do cần nghiên cứu, thử nghiệm trước khi đưa ra đề xuất mở rộng phạm vi ứng dụng PPC vào chế tạo tàu có sức chở lớn hơn 12 người. Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Cục trong quá trình thực hiện công việc trên và chỉ đạo Cục tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để hoàn thành quy chuẩn kỹ thuật này.

Cảm ơn ông !

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.