Quản lý

Bị tố tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm, Grab Việt Nam lên tiếng

09/04/2019, 16:55

Ngày 9/4, đại diện Công ty TNHH Grab Việt Nam cho biết, đã có văn bản phản hồi công văn số 32/HHVT-TTr của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

img
Ảnh Internet

Theo đó, Grab tiếp tục khẳng định luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, và hoàn toàn không có hiện tượng Grab “tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố" như Hiệp hội cáo buộc.

Grab giải thích, GrabCar và GrabTaxi là hai dịch vụ kết nối di chuyển được tích hợp trên ứng dụng Grab, có những điểm khác biệt như: Dịch vụ GrabCar được triển khai trong khuôn khổ Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 (Quyết định 24). Grab chỉ triển khai dịch vụ GrabCar tại 5 tỉnh, thành phố được thí điểm theo Đề án 24 đối với loại hình GrabCar là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Dịch vụ GrabTaxi hoàn toàn hoạt động tuân theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử, với Grab là ứng dụng cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử và đã hoàn thành thủ tục đăng ký loại hình tương ứng có phạm vi hoạt động trên toàn quốc với Bộ Công Thương. Dịch vụ GrabTaxi hoạt động và mở rộng quy mô trên địa bàn các tỉnh và thành phố trong cả nước đều trên tinh thần tuân thủ hướng dẫn của Bộ GTVT và các Sở Giao thông Vận tải địa phương.

Đại diện Grab VN cũng tái khẳng định, luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình theo đúng hướng dẫn của cơ quan thuế, và việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước. Đối với nghĩa vụ thuế của Grab, doanh thu của công ty là phí kết nối cuốc xe tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng cước phí dịch vụ vận tải (trong khoảng từ 20-25%).

“Tháng 1/2017, Hiệp hội taxi TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, kiến nghị cho doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay. Tuy nhiên, kiến nghị này đã bị Bộ Tài chính phản bác tại Công văn số 3166/BTC-CST ngày 10/3/2017, cho rằng, căn cứ quy định của pháp luật thuế hiện hành, Hiệp hội taxi TP.HCM kiến nghị “cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%” là không có cơ sở.

Bộ Tài chính đã có hướng dẫn chính sách thuế đối với Grab, Uber và khẳng định, các nội dung hướng dẫn này đều phù hợp với quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải đều phải kê khai, nộp thuế”, vị này nói.

Đại diện Grab cho rằng, nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý. Vì, trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber và Grab chỉ được hưởng khoảng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Grab, Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải của Grab, Tổng cục Thuế đã ban hành CV 384 gửi Cục Thuế một số tỉnh, thành phố đang triển khai mô hình này hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber và Grab.

Grab khẳng định rằng, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Grab trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam hoàn toàn tuân thủ theo quy định và hướng dẫn từ cơ quan chức năng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.