Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản hướng dẫn các sở GTVT về quản lý giấy phép lái xe (GPLX), dữ liệu vi phạm của người lái xe.
Đơn vị này cho biết, Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ đã quy định cách tính thời gian lái xe an toàn đối với người lái xe bị tước quyền sử dụng GPLX, hình thức, chế tài xử lý hành vi gian dối trong sử dụng, cấp mới, cấp lại GPLX nhưng chưa được tuyên truyền rộng rãi, vẫn còn nhiều lái xe vi phạm.
Để thực hiện nghiêm quy định trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX in và dán công khai tại phòng chờ làm thủ tục cấp, đổi GPLX những quy định nêu trên để người dân thực hiện; Chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe đề nghị người học lái xe mới và nâng hạng ký cam kết GPLX không bị thu giữ, không trong thời gian bị cấm cấp GPLX trước khi đăng ký học lái xe: Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý sát hạch, bộ phận kiểm duyệt hồ sơ cấp, đổi GPLX thực hiện tra cứu GPLX vi phạm trên phần mềm tra cứu thông tin GPLX vi phạm của Cục CSGT và danh sách không được cấp GPLX trên trang thông tin GPLX của Tổng cục Đường bộ VN để phát hiện các tường hợp không được nâng hạng, không được cấp mới, cấp lại GPLX theo quy định.
Tổng cục Đường bộ VN sẽ tổng hợp danh sách các cá nhân không được cấp GPLX do các sở GTVT gửi đến và công khai trên trang thông tin GPLX để các Sở tra cứu trước khi trả GPLX.
Khoản 3 Điều 7 Thông tư 38/2019 quy định, người học để nâng hạng GPLX phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau: Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 1 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên; Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 1 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên; Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 3 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên; Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 5 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên. Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng GPLX, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Khoản 14 Điều 33 Thông tư 38/2019 quy định: Người tẩy xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống GPLX còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận