Làm báo cùng Giao thông

Bịa đặt, vờ khốn khó… để bán hàng online

11/06/2017, 06:26

Bài báo Tự nghĩ ra vụ bắt cóc táo tợn, đăng Facebook để… bán hàng online đăng trên Báo Giao thông ngày 8/6...

8

Ảnh minh họa

Bài báo dẫn nguồn Công an quận Liên Chiểu, Đà Nẵng cho biết, không hề có 2 vụ bắt cóc trẻ em như lan truyền trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang. Công an xác minh Nguyễn Thị Ngọc (ở Đà Nẵng) đã bịa đặt thông tin để thu hút sự chú ý, tiện cho việc bán hàng qua mạng. Hành vi này sẽ tiếp tục được làm rõ để xử phạt theo quy định của pháp luật.  

Bình luận dưới bài viết, bạn đọc Lê Hiếu bóc mẽ chiêu trò của các chuyên gia bán hàng online: “Có người vật vã kêu bị chồng đánh, chồng có bồ thu hút hàng trăm bình luận, hàng nghìn lượt like với sự thương cảm của cộng đồng. Một thời gian sau sự thật được phơi bày. Hóa ra đó là bà mẹ đơn thân, có chồng đâu mà bị đánh… Thiên hạ bị vố lừa dần dần cũng không vào trang bán hàng online của cô này nữa”.

Bạn đọc Hoài An bình luận: “Dần dà mình cũng không thương vay, khóc mướn nhiều nữa vì mất niềm tin. Mở mạng ra đâu đâu cũng thấy hoàn cảnh khốn khó, thương tâm, ai ai cũng động lòng trắc ẩn nhưng tìm hiểu kỹ mấy trang facebook hay đưa tin bài kiểu đó toàn có mục đích thu hút người đọc để bán hàng qua mạng”.

“Tung tin bịa đặt trên mạng có người đã bị phạt tới 25 triệu đồng nhưng hình như mức này chẳng đáng gì so với độ nổi tiếng và lợi nhuận họ thu được nên không ít người vẫn tìm mọi cách để câu like, câu view trên mạng. Công an cần tăng cường xử phạt để làm gương”, bạn đọc Quách An An viết.

“Điều cần nói, người tung tin nhảm đầy rẫy mà xử phạt ít quá, trong khi những người nói lên sự thật, góp ý cho ban nọ, ngành kia thì lại bị phê bình, nhắc nhở, thậm chí bị trù úm. Như trường hợp gần đây, một nữ sinh Long An bị kiểm điểm, hạ hạnh kiểm khi chê chất lượng bệnh viện kém”, độc giả Lê Bình bức xúc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.