Thời sự Quốc tế

Biden hay Trump làm Tổng thống, Trung Quốc vẫn bị coi là đối thủ chiến lược

02/11/2020, 06:27

Châu Á - nơi chịu ảnh hưởng khá lớn từ những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nín thở chờ đợi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

img
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức diễn ra vào ngày 3/11

Chỉ còn 1 ngày nữa, nước Mỹ sẽ chính thức gọi tên người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới toàn cầu. Châu Á - nơi chịu ảnh hưởng khá lớn từ những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump (điển hình là thương chiến với Trung Quốc, chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương cởi mở…) cũng đang nín thở chờ đợi.

Châu Á có thể được chú trọng hơn nếu ông Biden đắc cử

Ông Donald Trump, ứng viên đại diện đảng Cộng hoà, vốn chú trọng về vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ trong hoạt động giao thương với thế giới trong nhiệm kỳ qua và dự kiến tiếp tục hướng đi này nếu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ II.

Suốt 4 năm nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump không ngần ngại áp thuế cao với các mặt hàng nhập khẩu đến từ bất cứ quốc gia nào kể cả đồng minh mà ông cho là “không công bằng”, kéo theo rất nhiều cuộc thương chiến lớn trên nhiều châu lục, đặc biệt là với quốc gia châu Á lớn nhất - Trung Quốc.

Nhưng, theo ông David Dollar, nhà kinh tế học, học giả cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc John L.Thornton thuộc Viện Brookings, nhìn chung, nhiều cuộc thương chiến mà ông Trump khơi mào đã thất bại. “Thâm hụt thương mại Mỹ càng ngày càng lớn nên có lẽ cách thức mà ông Trump đã chọn không có tác dụng”, ông Dollar nói.

Theo thông tin mới nhất vừa công bố tháng 8, thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua, đứng ở mức 67,1 tỉ USD. Dù cuộc chiến thương mại lớn với Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ nhưng nó đã ảnh hưởng mạnh tới giá tiêu dùng, đồng thời đặt ra rất nhiều khó khăn tài chính đối với nông dân Mỹ. Với Trung Quốc, cuộc chiến này góp thêm phần làm suy giảm kinh tế và mức độ phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, ông Trump chọn cách đặt nước Mỹ lên trên hết, rút lui khỏi các thoả thuận thương mại đa phương, đi theo hướng bảo hộ quốc gia, do đó khu vực châu Á không còn nhiều thoả thuận thương mại đa phương với Mỹ, thay vào đó là các thoả thuận song phương.

Ông Todd Elliot, nhà phân tích an ninh đến từ Công ty Concord Consulting đặt trụ sở tại Jakarta, Indonesia cho rằng, ông Trump không mấy chú ý tới Đông Nam Á, đặc biệt là các đồng minh truyền thống của Washington trong khu vực, ít tham gia các cuộc họp và hội nghị lớn trong khu vực ASEAN.

Điển hình nhất, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của các nước châu Á bao gồm Malaysia, Singapore và Việt Nam…, được đưa ra dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm làm sâu sắc hơn những mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên và mở cửa thương mại về sản phẩm và dịch vụ nhưng đã bị ông Donald Trump huỷ bỏ ngay sau khi nhậm chức.

Ông Kishore Mahbubani, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Hầu hết các nước châu Á thất bại khi nổ ra thương chiến vì thương mại đòi hỏi sự cân bằng và có thể dự đoán. Song với ông Trump, bạn không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra trong vòng 2 tuần tiếp theo chứ chưa nói đến dài hạn. Sự bất ổn và khó dự đoán đó sẽ gây bất lợi cho khu vực này”.

Ngược lại, với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, ông này đã cam kết sẽ lật ngược một số chính sách của ông Trump. “Chúng ta có thể chứng kiến chính quyền ông Biden tái cam kết với thế giới và nới lỏng phần nào thương chiến với Trung Quốc, mang đến hy vọng giảm thuế”, ông Dollar nói.

Nếu ông Biden chiến thắng, có lẽ một số chính sách dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ được nối lại như chiến lược “xoay chiều” thương mại - quân sự châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ an ninh với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khả năng cao sẽ làm sống lại TPP. Sự thay đổi này sẽ có tác động trực tiếp tới 10 quốc gia ASEAN.

Dù ai đắc cử, Trung Quốc vẫn ở vị trí đối thủ chiến lược

“Riêng với Trung Quốc, nếu ông Biden chiến thắng, Bắc Kinh sẽ được hưởng nhiều lợi ích về ngắn hạn nhưng đây sẽ là thử thách với Bắc Kinh trong dài hạn vì các đồng minh phương Tây sẽ quay trở lại với Mỹ”, ông Mahbubani nhận định.

Mặt khác, nếu ông Trump tái đắc cử, Trung Quốc có thể sẽ bất lợi trong ngắn hạn nhưng về lâu dài thì không. “Nếu ông Trump tái đắc cử, rất có thể đây sẽ là dấu chấm hết cho phương Tây. Quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực châu Âu khả năng cao sẽ tiếp tục bị phá vỡ”, Giáo sư Kishore Mahbubani chia sẻ lại lời một nhân vật cấp cao đến từ phương Tây từng nói với ông và nhận định: “Như vậy, đó chẳng phải là món quà cho Trung Quốc hay sao?”

Tuy nhiên, dù ông Biden hay ông Trump chiến thắng, hướng chính sách của Mỹ sẽ vẫn không thay đổi, tất cả vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược.

Theo ông Mahbubani, tỷ phú Trump là “Tổng thống Mỹ đầu tiên chống lại Trung Quốc một cách toàn diện” và bản thân đảng Dân chủ cũng không phản đối cách ông Trump “giáng đòn” với Trung Quốc.

Như vậy, theo ông Mahbubani, “vấn đề này đều được cả hai đảng thống nhất hoàn toàn”. Chuyên gia Dollar nhấn mạnh: “Mỹ luôn có thái độ cứng rắn với Trung Quốc trước cả khi ông Trump trúng cử”, do đó không thể mong chờ mối quan hệ với Trung Quốc ấm nồng hơn, bất kể ông Trump hay ông Biden chiến thắng.

Tỷ lệ ủng hộ qua khảo sát nghiêng về ông Joe Biden

Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 59 của Mỹ diễn ra vào ngày 3/11/2020, giữa hai ứng viên: Ông Donald Trump, đại diện đảng Cộng hoà và ông Joe Biden, đại diện đảng Dân chủ. Vì dịch bệnh nên đã có một số cử tri đi bỏ phiếu sớm, bầu qua thư điện tử, số còn lại sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử.

Đến thời điểm này, hầu hết các cuộc khảo sát đều cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump nhưng tại Mỹ, việc một ứng viên đạt tỉ lệ khảo sát cao hơn thua trong cuộc đua chính thức vào Nhà Trắng là chuyện bình thường. Thực tế đường đua Tổng thống Mỹ năm 2016 giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã chứng minh điều đó. Tuy bà Clinton dẫn trước trong các cuộc khảo sát, giành được phiếu phổ thông nhưng ông Trump chiến thắng nhờ phiếu đại cử tri. Hệ thống bầu cử của Mỹ sẽ phân các phiếu đại cử tri cho 50 bang và quận Colombia. Có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri. Một ứng viên Tổng thống đạt trên 270 phiếu đại cử tri sẽ chiến thắng.

Hai ứng viên cố gắng vận động trong những ngày cuối cùng

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ là ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tổ chức các đợt vận động tranh cử cuối cùng, quan trọng tại các bang chiến trường miền Trung Tây nước Mỹ, nơi số lượng ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng.

Trong các ngày cuối tuần, Tổng thống Trump đã tổ chức các buổi vận động tại ít nhất 3 bang Trung Tây là Wisconsin, Minnesota và Michigan. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại đây cho thấy ông Biden hiện đang dẫn trước ông Trump.

Tại Wisconsin, ông Trump tuyên bố rằng, một loại vaccine chống Covid-19 sẽ được phân phối cho người dân Mỹ trong vài tuần tới.

Đương kim Tổng thống Mỹ kêu gọi nối lại các hoạt động kinh tế. Ông tuyên bố, nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm tới nếu ông tại vị, nhưng sẽ suy giảm nếu ông Biden chiến thắng vì ông Biden sẽ phong tỏa đất nước.

Trong khi đó, ông Biden cũng tổ chức các buổi vận động ở 3 bang Trung Tây. Tại Wisconsin, ứng viên này nói rằng Tổng thống Trump đã “từ bỏ” các nỗ lực ngăn chặn Covid-19.

H.B

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.