Chính trị

Biên chế ngành Kiểm toán giảm 446 người

22/12/2016, 06:57

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ việc giảm bộ máy, con người...

12

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Về biên chế giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030, Kiểm toán Nhà nước đề xuất biên chế của Kiểm toán Nhà nước giãn lộ trình triển khai, dàn đều trong 10 năm, từ năm 2016 đến năm 2025. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn nhân lực là 2.629 người, trong đó, gồm 2.374 công chức và 255 viên chức. Giai đoạn đến năm 2025, tăng thêm 425 công chức. Như vậy, tổng cộng hai giai đoạn 10 năm (2016 - 2025), số công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước đến năm 2025 là 3.054 người (giảm so với Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 là 446 người).

Đánh giá cao sự chuẩn bị Tờ trình của Kiểm toán rất cụ thể, chi tiết và cầu thị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc Đề án xác định giảm biên chế so với Chiến lược là 446 người; giảm 6 đơn vị trực thuộc so với Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ việc giảm bộ máy, con người trong điều kiện nhiệm vụ của ngành ngày càng tăng liệu có sự mâu thuẫn hay không, có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành hay không. 

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất biên chế của Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại phiên làm việc này, Kiểm toán Nhà nước hoàn chỉnh lại, làm thành hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị Tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. 

Sáng cùng ngày, các đại biểu cho ý kiến vào Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, ý kiến chung trong Thường trực Ủy ban là nội dung báo cáo của Chính phủ đã cơ bản bám sát 8 nhóm nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 1052. Về phát triển nguồn nhân lực, báo cáo của Chính phủ cần nêu ra những giải pháp đã thực hiện từ khi có Nghị quyết 1052 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cần có lộ trình thực hiện mục tiêu như nghị quyết yêu cầu, không chỉ nêu một số chỉ tiêu về lao động. Để tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ và đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai và quan tâm theo dõi, đánh giá sát, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 1052, thống nhất cơ quan đầu mối chủ trì triển khai thực hiện và báo cáo kết quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.