Thời sự

Biên chế Văn phòng Đoàn ĐBQH nhiều nhất không quá 12 người

10/12/2015, 09:35

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, biên chế phải thấp chứ không thể nhiều hơn số lượng ĐBQH.

20
Quang cảnh phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - Ảnh: TTXVN

Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 43, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Các ý kiến cho rằng, việc ban hành nghị quyết vào thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm kịp thời triển khai Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2016; Đồng thời, nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy phục vụ ĐBQH và Đoàn ĐBQH ở địa phương.

Theo tờ trình, Văn phòng Đoàn đại biểu có Chánh văn phòng, một Phó chánh Văn phòng, riêng Văn phòng Đoàn Hà Nội và Đoàn TP HCM có không quá hai Phó chánh Văn phòng. Trong văn phòng có hai phòng chuyên môn là Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Biên chế của văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức của địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi trao đổi, thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH. Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, Đoàn ĐBQH dưới 10 ĐB có biên chế văn phòng không quá 8, đoàn có từ 10 - 20 ĐB thì không quá 10 và đoàn có trên 20 ĐB không quá 12 người.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về số lượng lãnh đạo văn phòng và việc lập các phòng thuộc văn phòng như tờ trình là chưa hợp lý trong bối cảnh tinh giản biên chế và trên cơ sở chức năng nhiệm vụ.

Phát biểu về nội dung này,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, biên chế phải thấp chứ không thể nhiều hơn số lượng ĐBQH. “Văn phòng có một Chánh và một Phó chánh, nơi nào đông ĐB có hai cấp phó phụ trách tổng hợp và hành chính quản trị, vật chất tiền bạc, thêm một vài chuyên viên nữa. Nếu để hai - ba người chỉ huy một chuyên viên là không được. Nhất quyết không lập phòng trong văn phòng, chỉ có chuyên viên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định tổ chức ở địa phương mỗi đoàn đại biểu có văn phòng riêng. Cơ cấu có Chánh và Phó chánh văn phòng. Riêng bốn đoàn Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Nghệ An có số ĐB đông có hai ĐB chuyên trách nên bố trí hai Phó chánh văn phòng. Không tổ chức phòng trong văn phòng Đoàn đại biểu mà theo nhóm chuyên viên phục vụ mảng công tác, do Chánh và Phó chánh văn phòng điều hành linh hoạt. Số lượng biên chế theo ba mức: Không quá 8, không quá 10, không quá 12 tuỳ theo số lượng ĐB các đoàn.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp tướng đối với chức vụ sỹ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.