Y tế

Biến chủng phụ BA.5 Omicron có đáng ngại?

28/06/2022, 11:28

Theo Bộ Y tế, biến chủng phụ BA.5 có mức độ lây lan nhanh hơn biến chủng cũ, chưa xác định rõ độc tính. Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm BA.5.

Biến chủng mới BA.5 lây lan nhanh, độc tính không quá đáng lo

Chia sẻ thêm thông tin về biến chủng mới BA.5 vừa được xác định đã xâm nhập vào Việt Nam, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Chuyện xâm nhập biến chủng mới là tất yếu khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, giao thông, đi lại…

Tính lây lan của biến chủng này được đánh giá lây lan nhanh hơn so với các biến chủng cũ. Còn về độc lực, biểu hiện nặng hiện vẫn chưa có nghiên cứu bài bản được công bố chính thức. Trước diễn biến mới của dịch, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có các biện pháp giám sát, điều chỉnh biện pháp chóng dịch phù hợp”.

img

Biến chủng BA.5 (ảnh minh họa)

Còn PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: “Chúng ta đang cảnh báo sự lây lan có nhanh, mạnh hơn của biến chủng phụ BA.5, nhưng thực tế cho thấy độc lực không quá cao, thể hiện ở điểm, dù ca nhiễm tăng nhưng tăng nặng không cao, việc không ca nặng sẽ không dẫn tới quá tải. Hơn nữa, với vaccine phòng bệnh Covid-19 hiện nay vẫn có hiệu lực với chủng virus Omicron hiện nay”.

Liên quan đến 2 biến chủng phụ BA.4, BA.5, WHO đã bổ sung 2 biến chủng này vào danh mục các biến thể cần giám sát trong khi cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) liệt hai dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng Covid-19 trên 50%

TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các bằng chứng khoa học cho đến nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng Covid-19 là trên 50%.

Tại Việt Nam, từ khi dịch bùng phát đến nay đã ghi nhận hơn 32.000 trường hợp tử vong do Covid-19. Trong đó, gần 53% số tử vong là chưa tiêm vaccine, gần 30% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi và chỉ có khoảng 7% đã tiêm 3 mũi. Qua đó, cho thấy hiệu quả của vaccine, hiệu quả tăng dần từ không có mũi nào đến tiêm 1,2 rồi 3 mũi. Hiện việc triển khai tiêm mũi 3 tại nước ta đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên.

Nói thêm về hiệu quả của tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19, ông Dương chia sẻ: Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp y khoa hàng đầu thế giới NEJM cho thấy hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 có giá trị trong vòng 3 tháng. Sau tháng thứ 3, hiệu quả giảm rất rõ rệt. Đặc biệt là với biến chủng Omicron ở tháng thứ 3 hiệu quả đạt đỉnh điểm thì hiệu quả bảo vệ chỉ 51%, sau đó giảm dần, thậm chí có nghiên cứu chỉ còn 10-20%. Như vậy, đến thời điểm hiện nay việc tiêm nhắc lại mũi 4 rất cần thiết”.

GS. Phan Trọng Lân cho biết, đến nay ngưỡng miễn dịch, ngưỡng bảo vệ chưa được xác định. Chúng ta chưa biết được với ngưỡng kháng thể thế nào thì chúng ta bảo vệ được khỏi Covid-19. Tuy nhiên, người đã mắc và đã tiêm vaccine thì kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn.

Cũng theo TS. Phu, việc tiêm vaccine cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… Những trường hợp trước chống chỉ định mà nay không chống chỉ định nữa thì cần rà soát để tiêm. Trẻ em cũng cần tiêm vaccine vì nếu mắc sẽ lây cho người già, người có bệnh nền, chưa kể nguy cơ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.