Hồ sơ tài liệu

Biển Đông sẽ “thống trị” Đối thoại Shangri-La 2016

02/06/2016, 09:15

Biển Đông dự kiến rất "nóng" tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh lớn nhất châu Á - Đối thoại Shangri-La 2016.

cap-do-moi-cua-doi-dau-trung-my-o-bien-dong

Nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis  của Mỹ ở Biển Đông

Reuters dẫn nhận định, Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á – hay còn gọi là Đối thoại Không chính thức Shangri-La (SLD) diễn ra tại Singapore, bắt đầu từ ngày mai (3/6) sẽ làm rõ lập trường, quan điểm  của Mỹ và Trung Quốc trước phán quyết pháp lý mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), liên quan tới vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng.

Đây cũng là cơ hội cuối cùng để 2 quốc gia tranh thủ sự ủng hộ trước khi PCA ra phán quyết. Manila đã khởi kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực về các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh liên quan tới cái gọi là “đường lưỡi bò”.

Các chuyên gia an ninh hi vọng Mỹ sẽ thuyết phục được các nước Đông Nam Á, cùng các nước như Ấn Độ và Nhật Bản công khai hỗ trợ các phán quyết mang tính tích cực cho phía Philippines.

“Giá trị của phán quyết là những thiệt hại lâu dài về danh tiếng và áp lực lên Trung Quốc. Điều đó chỉ xảy ra khi có một liên minh vững chắc”, Greg Poling – Giám đốc Sáng kiến Hàng hải Minh bạch tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington cho hay.

Trong số hơn 20 đoàn đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La 2016, sự chú ý sẽ hướng vào các quốc gia Đông Nam Á - luôn phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Mỹ gần đây cũng đã tăng cường các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực này.

Bài phát biểu trong phiên khai mạc của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha dự kiến sẽ được dư luận và giới quan sát chú ý dõi theo, bởi nó sẽ phản ánh các chính sách cũng như gợi mở về vị trí chiến lược của Thái Lan trong khu vực.

“Thái Lan là quốc gia có mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng có các chính sách phù hợp với phương Tây. Do đó, họ có lý do để tỏ ra thận trọng về các hành vi của Trung Quốc trong khu vực”, chuyên gia Tim Huxley thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London cho biết.

Đối thoại Shangri-La 2016 diễn ra trong 3 ngày từ 3/6-5/6, sẽ là cơ hội để các bên công khai tranh luận về căng thẳng và xu hướng phát triển của khu vực.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á có những thay đổi quan trọng, với việc ông Rodrigo Duterte thắng cử Tổng thống ở Philippines và Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.