Chất lượng sống

Biến ước mơ của trẻ khuyết tật vùng cao thành hiện thực

15/04/2019, 17:55

Trẻ khuyết tật ở các tỉnh miền núi phía Bắc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nghèo đói, cách biệt địa lý và sự phân biệt đối xử.

img
Cậu bé Toàn có cánh tay trái bị dị tật bẩm sinh với ước mơ được làm bác sĩ

Giáo dục hòa nhập là một khái niệm khá mới mẻ đối với nhiều giáo viên và cha mẹ và chưa được áp dụng nhiều ở các trường học. Đối với trẻ khuyết tật, các em còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, bao gồm: sự nghèo đói, sự cách biệt địa lí và sự phân biệt đối xử.

Giúp trẻ khuyết tật thực hiện ước mơ

Cánh tay trái bị dị tật bẩm sinh không làm khó được cậu bé Toàn. Mới 6 tuổi, cậu đã là anh lớn của hai đứa em nhỏ. Gia đình ba thế hệ sống trong một căn nhà tranh thưa vách, gió lùa từng chặp, khiến Toàn phải tự lập, tự xoay sở với sinh hoạt hàng ngày của mình. Em mơ ước lớn lên được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà, bố mẹ. Trong chiếc áo blouse trắng, nhìn tay em thoăn thoắt băng thuốc, chăm sóc cho bệnh nhân, ai cũng tin rằng em nhất định có thể trở thành một bác sĩ giỏi sau này.

Cậu bé Tài là con thứ 4 trong một trong một gia đình dân tộc Dao nghèo khó tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Mẹ em kể, sau một trận ốm nặng khi còn bé, vì nhà không có điều kiện chạy chữa, đôi chân của em đã gần như bị liệt. Để giúp Tài tập đi, bố em đã treo rất nhiều dây lên tất cả các cột kèo trong nhà để em bám vào từng bước. Sáu tuổi, Tài nhỏ hơn hẳn so với các bạn đồng trang lứa, chân vẫn khập khiễng nghiêng ngả, nhưng em đã rất tự tin và hạnh phúc khi được trở thành một thầy giáo thực thụ, như trong ước mơ của mình.

img
Bé Yên với khuôn mặt biến dạng sau khi bị bỏng nước sôi. Em ước mơ trở thành người bán hàng

Đi học, Yên (8 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo của huyện Bảo Yên, Lào Cai) là đứa trẻ nhút nhát nhất trong lớp, em cảm thấy ngại ngùng với thầy cô và bạn bè vì khuôn mặt biến dạng của mình. Em cũng không dám giơ tay phát biểu vì khả năng nói của em cũng bị cản trở một phần. Thế nhưng, em vẫn mơ ước được hòa đồng với bạn bè, với cộng đồng và xã hội. Ước mơ nhỏ bé của em là được trở thành một cô bán hàng trong thôn, ngày ngày được cười nói và sẻ chia những câu chuyện đời thường với mọi người xung quanh. Yên, cái tên mang ý nghĩa của sự yên bình, thế nhưng, cuộc sống cô bé Yên thì không được như vậy. Mẹ của em vẫn cứ mãi đau đớn và ân hận vì đã để con gái nằm trên xe lăn gần nồi nước đang sôi. Cô bé bị bỏng nặng, hủy hoại hoàn toàn nửa mặt và vùng ngực bên trái.

Bắt đầu từ năm 2016, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (Save the Children Vietnam, gọi tắt là SC) đã triển khai dự án mới về Giáo dục hòa nhập trong Chương trình Phát triển Cộng đồng lấy Trẻ em làm trọng tâm, khởi đầu tại hai xã Văn Bàn và Bảo Yên của tỉnh Lào Cai. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ trẻ khuyết tật cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Theo đó, dự án đã giúp các em được hóa thân vào mơ ước của mình: trưởng thành và làm công việc mà mình yêu thích, bình đẳng như mọi trẻ em khác. Dù chỉ là một hoạt động nhỏ nằm trong chương trình dự án, nhưng đây cũng chính là sự cổ vũ lớn lao về mặt tinh thần cho chính các em khuyết tật cùng gia đình và cộng đồng thôn bản, vững tin rằng những khiếm khuyết trên cơ thể cũng không thể nào ngăn cản các em được ước mơ và được sống.

Cho tới nay, dự án Giáo dục hòa nhập nằm trong Chương trình Phát triển Cộng đồng lấy Trẻ em làm trọng tâm đã mở rộng tới 5 huyện thuộc tỉnh Lào Cai bao gồm Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn. 27 trường hợp trẻ khuyết tật đã được hỗ trợ khám và phẫu thuật hoàn toàn miễn phí thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Chương trình còn hỗ trợ toàn bộ cho phí đi lại của trẻ và người thân khi tới khám và phẫu thuật tại bệnh viện tỉnh và tại Hà Nội. Các chuyên gia nước ngoài cũng được mời tham gia vào việc đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình điều trị.

Thêm nhiều trẻ được hỗ trợ

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “6 năm là khoảng thời gian tương đối dài, hỗ trợ giáo dục trong việc phát triển trẻ khuyết tật ở huyện đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt là đã có sự chuyển biến rõ rệt trong việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các nhà trường.

Trong thời gian qua, SC đã hỗ trợ hơn 10 trẻ khuyết tật của huyện Bảo Yên khám và chữa các bệnh dị tật. Sau khi trở về các em đã có thể hòa nhập với cộng đồng và tham gia các hoạt động giáo dục rất tốt, đảm bảo sức khỏe và tiến gần hơn với các em học sinh bình thường".

Trong năm 2018, chương trình Phát triển Cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm đã tổ chức các sự kiện truyền thông tại 7 xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm nâng cao nhận thức cho các cán bộ quản lý cộng đồng và người dân trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật. 113 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non và tiểu học toàn tỉnh, bao gồm toàn bộ giáo viên trong 5 huyện dự án đã được tập huấn về kiến thức và thực hành về hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt sử dụng bộ công cụ SNAP (Special Needs Action Pack).

Ngoài ra, giáo viên còn được tập huấn thêm về cách xây dựng và sử dụng Kế hoạch học tập cá nhân (IEPs) cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Các hoạt động khảo sát và hỗ trợ của dự án có sự hợp tác với các chuyên gia của Ban nghiên cứu giáo dục đặc biệt thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổ chức Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.