Hồ sơ tài liệu

Biểu tượng châu Âu không biên giới có nguy cơ sụp đổ

28/01/2016, 05:49

Hy Lạp hiện là điểm trung chuyển để vào châu Âu của 80% người tị nạn.

Dòng người tị nạn xếp hàng nhận thực phẩm trong th
Dòng người tị nạn xếp hàng nhận thực phẩm trong thời gian chờ được phép qua biên giới Hy Lạp vào Macedonia.

Động thái của Liên minh châu Âu (EU) cho phép các nước trong khu vực thuộc Hiệp ước Tự do đi lại Schengen siết chặt kiểm tra biên giới gây bất đồng nội bộ.

Không còn tự do đi lại

Trước cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ khi kết thúc thế chiến thứ II, EU cho phép các nước trong khu vực thuộc Hiệp ước Tự do đi lại Schengen xem xét lại việc kiểm tra biên giới trong thời gian hai năm. Trong cuộc họp tại Amsterdam (Hà Lan) ngày 26/1, các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu đã yêu cầu Ủy ban châu Âu mở rộng kiểm tra biên giới.

Năm ngoái, hơn 1 triệu người đã tới châu Âu với mong muốn tìm kiếm cuộc sống mới, phần lớn trong số họ là những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột tại Syria, Iraq, Afghanistan, tạo nên làn sóng khủng hoảng nhập cư tồi tệ. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu về vấn đề nhập cư Natasha Bertaud cho biết: “Nếu tình hình không thay đổi, để có thể duy trì trật tự công cộng và lý do an ninh, hoàn toàn có thể cho phép duy trì kiểm soát nội bộ biên giới tại các nước trong khu vực Schengen” nhưng “theo quan sát của chúng tôi, dòng chảy người tị nạn không có dấu hiệu giảm bớt trong khi biến đổi thời tiết  ngày càng khắc nghiệt” - bà Bertaud nhận định.

“Chúng tôi đang xem xét những lựa chọn sẵn có trong Điều 26, Luật Ứng xử Schengen để đánh giá liệu có cần và khi nào chúng tôi phải kích hoạt trở lại hệ thống kiểm soát biên giới nội bộ”, bà Bertaud nói. Cụ thể, Điều 26, Luật Ứng xử Schengen cho phép 26 nước thành viên có thể lập lại các quy định về kiểm soát biên giới nội bộ từng nước trong tối đa hai năm trong các trường hợp bất khả kháng.  

Các nước thành viên phải thông báo cho Ủy ban châu Âu về kế hoạch lập lại kiểm soát biên giới xem yêu cầu của họ có đáp ứng tiêu chí để tái kiểm soát biên giới hay chưa. Nhiều tháng trước, Áo, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp và Nauy (không thuộc EU) đã “nhanh chân” siết chặt kiểm soát biên giới tạm thời trong đó yêu cầu kiểm tra CMTND tất cả mọi người kể cả người châu Âu qua biên giới, nhưng chỉ giới hạn trong 6 tháng.

Quyết định trên của châu Âu khiến nhiều người e ngại, khu vực Schengen - biểu tượng của sự tự do, thịnh vượng, hòa nhập của Liên minh châu Âu, cho phép người dân các nước trong khu vực di chuyển qua biên giới mà không cần thị thực hay hộ chiếu - sẽ sụp đổ.

Hy Lạp sẽ bị cách ly

Hy Lạp hiện là điểm trung chuyển để vào châu Âu của 80% người tị nạn. Do đó, thời gian gần đây, nhiều nước châu Âu đang gây áp lực, yêu cầu nước này phải hành động hơn nữa để ngăn cản dòng chảy tị nạn. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Johanna Mikl-Leitner cảnh báo Athens có thể đối mặt với tình trạng bị “cô lập tạm thời” trong khu vực Schengen.

Tiếp đến, ngày 26/1 vừa qua, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka cáo buộc Hy Lạp không thể bảo vệ biên giới các nước trong khu vực Schengen. Ông Sobotka cùng người đồng cấp Slovakia - Robert Fico hối thúc Athens có động thái mạnh mẽ tích cực hơn để hạn chế dòng người tị nạn. Thủ tướng Slovakia còn dùng từ mạnh mẽ để chỉ trích rằng, với chính sách tị nạn hiện nay, EU đang “tự sát về tinh thần”.

Về phía Hy Lạp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Yiannis Mouzalas cho biết, nước này sẽ đóng cửa biên giới nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng. Song, ông Mouzalas chỉ trích: Việc đóng cửa biên giới trong khu vực châu Âu chắc chắn sẽ là thất bại của toàn bộ khu vực châu Âu”.

Mặt khác, Ủy viên về vấn đề nhập cư của Liên minh châu Âu Dimitris Avramopoulos xoa dịu những đồn đoán, e ngại trên bằng dòng trạng thái trên Twitter: “Chúng tôi sẽ không nói về việc tạm ngừng Hiệp ước Schengen hay cô lập bất cứ thành viên nào trong khối”. Cộng hòa Séc đã mời các nước láng giềng trong khu vực là Hungary, Ba Lan, Slovakia tham dự cuộc họp đặc biệt vào ngày 15/2 tới để bàn về cuộc khủng hoảng tị nạn. Tiếp đó, EU sẽ có cuộc hội đàm, bàn về cuộc khủng hoảng nhập cư tại Hội nghị các lãnh đạo tại Brussels vào ngày 18-19/2.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.