Thị trường

Big C về tay Central Group: Việt Nam có thu được thuế?

30/04/2016, 10:24

Cơ quan thuế quyết tâm thu bằng được số thuế chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam.

Big-C-Viet-Nam-ve-tay-Central-Group-Viet-Nam-co-th

Big C Việt Nam về tay Central Group: Việt Nam có thu được thuế?

Sau nhiều tháng thương thảo, thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam đã đến hồi kết khi Central Group giành thắng lợi với mức giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD).

Kết thúc nhiều tiếc nuối

Điều này không nằm ngoài dự đoán của nhiều người khi Central Group là đối thủ mạnh, tiềm lực tài chính lớn, kinh nghiệm dầy dặn. Đặc biệt, đây cũng là đối tác hiểu khá rõ thị trường bán lẻ Việt Nam khi từ tháng 7/2011, Central Group thành lập Central Group Việt Nam, kinh doanh bán lẻ hàng điện máy, thể thao, thời trang và trung tâm thương mại.

Quy mô của Central Group Việt Nam không ngừng tăng với hơn 6.600 nhân viên làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau bao gồm 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn; 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi. Tiến thêm một bước nữa, tháng 1/2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim với mức giá 200 triệu USD.

Thông báo sau khi thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam hoàn tất, Casino Group cho biết, sau 18 năm, Big C Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm. Doanh thu năm 2015 đạt 586 triệu euro.

Big C về tay của Central Group là kết thúc này khiến nhiều người tiếc nuối. Trong số hai đối tác tham gia thương vụ đến từ Việt Nam, Saigon Co.op được đánh giá cao hơn. Saigon Co.op cũng nhận được sự khuyến khích từ hệ thống chính trị như Thành ủy, UBND TP. HCM cũng như Hiệp hội các nhà bán lẻ và Việt Nam và các thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp. Tập thể Saigon Co.op cũng thống nhất ý chí cao với ý thức sâu sắc về vai trò đầu tầu trong ngành dịch vụ bán lẻ và “màu cờ sắc áo” của doanh nghiệp bán lẻ trong nước…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Diệp Dũng cho biết, trong cuộc đua thâu tóm Big C Việt Nam, Saigon Co.op đã lọt vào danh sách hai đơn vị cuối cùng. “Tuy nhiên, thương vụ này thực hiện mua bán ở nước ngoài mà Saigon Co.op lại chưa có giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thương thảo. Vì vậy, Saigon Co.op chưa thể tham gia vào thương vụ này ở bước cuối cùng”, ông Dũng cho hay.

Có thể thu thuế chuyển nhượng Big C Việt Nam?

Kết thúc Big C Việt Nam về tay Central Group cũng khiến cơ quan thuế gặp khó trong việc thu thuế chuyển nhượng của hệ thống bán lẻ này. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam tương tự như vụ Metro Cash & Carry chuyển giao hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam cho TCC Holdings (Thái Lan) hồi cuối năm ngoái.

Thông tin tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tới thời điểm 29/12/2015, cơ quan chức năng đã thu được 1.911 tỷ đồng tiền thuế của Tập đoàn Metro sau thương vụ chuyển giao Metro Cash & Carry Việt Nam. Tuy nhiên ít ai biết, đằng sau thông tin ngắn gọn ấy là một cuộc tìm kiếm cơ sở và thương lượng cũng như đấu tranh pháp lý để Việt Nam thu được số thuế chuyên nhượng gần 2 nghìn tỷ đồng nói trên.

Trong thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam, cơ quan thuế tính toán số thuế chuyển nhượng phải thu trên cơ sở: {Tổng số vốn – (số vốn đầu tư ban đầu + chi phí phát sinh)} x thuế suất 20%. Tuy nhiên, khác với Metro thực hiện bán buôn và hạch toán tập trung, Big C vừa bán buôn, vừa bán lẻ và hoạch toán độc lập tại địa phương. Trong số hơn 30 đơn vị của Big C tại Việt Nam, có 16 đơn vị hoạch toán độc lập và 2/3 số này có nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đây không được xác định là khó khăn của cơ quan thuế. Điều quan trọng phải xác định được cơ sở thu thuế.

Nếu thương vụ chuyển nhượng Metro cũng như thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam do một doanh nghiệp trong nước thành lập thì việc thu thuế chuyển nhượng không khó. Nhưng thương vụ do hai đối tác nước ngoài thực hiện và thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam khiến cơ sở pháp lý cho việc thu thuế của Việt Nam rất yếu (do đơn vị quản lý Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại “thiên đường thuếHồng Kông, đối tác chuyển nhượng tại Thái Lan, thương vụ được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam). Thêm nữa, việc chuyển nhượng này có thể sẽ không dẫn tới việc thay đổi giấy phép, người đại diện của Big C Việt Nam nên càng khó khăn cho cơ quan thuế.

Hiện tại, cơ sở pháp lý mà cơ quan thuế có thể căn cứ vào đó là nguyên tắc “không đánh thuế hai lần” giữa các quốc gia mà Việt Nam có tham gia hiệp định và nguyên tắc “không thu ở một nơi phát sinh”. Do đó, theo tư vấn của một chuyên gia về lĩnh vực thuế, phải có một nơi thu được khoản thuế chuyển nhượng này. Và cơ sở để Việt Nam thu được là cao.

Khi Tập đoàn TCC Holdings mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của hệ thống Metro Việt Nam, bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro, cơ quan thuế thu được 1.911 tỷ đồng tiền thuế. Với giá trị chuyển nhượng lên tới 920 triệu euro của hệ thống Big C Việt Nam, nếu có thể thu được thì số tiền thuế còn lớn hơn nhiều. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ trước khi thương vụ chuyển nhượng này kết thúc, cơ quan thuế đã tính toán tới nhiều phương án chuyển nhượng giữa các đối tác. Cơ quan này hiện đang rất tích cực và quyết tâm trong việc thu bằng được số thuế chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.